Góp ý sửa đổi Thông tư 30

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Ông Nguyễn Văn Phê - Giám đốc Sở GD&ĐT Hưng Yên:

Chủ trương sửa đổi Thông tư 30 của Bộ GD&ĐT có tác động tích cực, giúp cho nhiều người (cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh, các lực lượng xã hội,..) hiểu rõ hơn, đầy đủ hơn về Thông tư 30; giáo viên cảm thấy thuận lợi hơn trong việc thực hiện. Cụ thể:

Cán bộ quản lí: Việc chỉ đạo, hướng dẫn giáo viên nhẹ nhàng hơn, không gây áp lực đối với giáo viên, có gợi ý cụ thể cho việc khen thưởng.

Về phía giáo viên: Có hướng dẫn chi tiết hơn về cách đánh giá, nhận xét học sinh. Hiểu đúng cách thực hiện đánh giá thường xuyên, có hướng dẫn cụ thể, tường minh về lời khen, lời chê, lời góp ý học sinh. Giảm áp lực về hồ sơ, sổ sách cho giáo viên.

Một số góp ý với Bộ GD&ĐT để sửa đổi Thông tư 30 phù hợp với thực tiễn địa phương:

Đối với cấp quản lý: Hướng dẫn cho các nhà trường tổ chức cho giáo viên nhận xét (tự nhận xét, tổ nhận xét, Ban giám hiệu nhận xét) về khả năng thực hiện Thông tư 30 theo các mức độ: làm được (vừa sức/quá sức), còn gặp khó khăn (nhiều/ít), hoặc không làm được. Từ đó các cấp quản lý có kế hoạch bồi dưỡng tới tập thể, cá nhân.

Việc ghi sổ theo dõi chất lượng giáo dục: không lưu trong hồ sơ của học sinh nhưng giáo viên phải có và loại sổ này được hiểu như sổ tay của giáo viên, dùng cho giáo viên và vì sự tiến bộ của học sinh không phải giáo viên ghi để chống đối, đối phó với các cấp quản lí.

Đối với giáo viên dạy môn chuyên, có thể tổ chức Hội nghị lấy ý kiến xây dựng mẫu sổ cho phù hợp (đánh dấu tích,..).

Đánh giá thường xuyên: Nhận xét, hướng dẫn bằng lời hoặc sử dụng các kí hiệu quy ước với học sinh để học sinh có thể nhận biết được mức độ đạt được của mình so với mục tiêu bài học đề ra, hoặc ghi những nhận xét ngắn gọn, chỉ dẫn học sinh cách thực hiện để đạt được mục tiêu.

Ông Nguyễn Văn Huấn - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bến Tre:

2 năm triển khai thực hiện Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT đã thực sự giúp giáo viên chuyển từ đánh giá nặng về kiến thức sang đánh giá toàn diện học sinh; chuyển từ chú trọng đánh giá kết quả sang đánh giá quá trình học tập của các em.

Song, bên cạnh những ưu điểm đạt được trong thời gian qua, Thông tư 30 vẫn còn bộc lộ những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện. Chúng tôi xin góp ý một số nội dung cần điều chỉnh Thông tư 30 như sau:

Nên quy định ở Điều 7, 8 và 9, hằng tháng (hoặc cuối học kì I và cuối năm học) giáo viên đánh giá kết quả học tập theo chuẩn kiến thức, kĩ năng từng môn học, hoạt động giáo dục theo chương trình giáo dục phổ thông; sự hình thành và phát triển năng lực; sự hình thành và phát triển phẩm chất học sinh theo các mức độ: hoàn thành tốt, hoàn thành và chưa hoàn thành (hoặc theo các mức độ A, B, C) vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục, cột ghi nhận xét là tùy giáo viên nếu thấy cần thiết.

Như thế sẽ nhẹ nhàng cho giáo viên đồng thời dễ theo dõi diễn biến kết quả học tập, năng lực, phẩm chất của học sinh.

Theo Điều 7, mục 4 việc cha mẹ học sinh tham gia đánh giá là không nên vì phụ huynh không theo dõi thường xuyên, không có kiến thức sư phạm nên đánh giá không khách quan, không chính xác.

Rất mong trong năm học 2016-2017, Bộ GD&ĐT sớm có những điều chỉnh kịp thời giúp cho cán bộ quản lí và giáo viên thực hiện việc đánh giá học sinh đúng thực chất góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.

"Về đánh giá năng lực và phẩm chất trong Thông tư 30 nên đánh giá theo từng giai đoạn và mỗi giai đoạn đánh giá về một năng lực, phẩm chất cụ thể. Điều này giúp giáo viên có định hướng để bồi dưỡng học sinh những năng lực, phẩm chất mà học sinh chưa đạt được".

Cô giáo Lê Hải Anh - Giáo viên Trường tiểu học Lạc Đạo A (huyện Văn Lâm, Hưng Yên)

Nguồn: giaoducthoidai.vn
 

Bình luận bằng Facebook

Top