Gợi ý đổi mới chương trình thực tập sư phạm

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Tăng cường các học phần nghiệp vụ sư phạm

Giải pháp đầu tiên, theo ThS Nguyễn Thị Hương là rà soát kỹ và điều chỉnh chương trình đào tạo theo hướng tăng cường các học phần nghiệp vụ sư phạm, bổ sung và tăng cường thời lượng học phần rèn luyện nghiệp vụ sư phạm thường xuyên.

Kiến thức nghiệp vụ sư phạm là một nội dung quan trọng của bộ môn Khoa học giáo dục và bộ môn Khoa học sư phạm.

Do đó, để có một chương trình đào tạo nói chung và chương trình thực tập sư phạm nói riêng thực sự đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo viên phổ thông sau năm 2015, các trường cần tăng cường phối hợp giữa khoa học cơ bản với khoa học giáo dục và khoa học cử nhân sư phạm.

Song song với đó chính là sự gắn kết, liên kết giữa trường sư phạm với trường phổ thông, bởi vì đó là động lực, là mục tiêu, là kết quả của quá trình đào tạo lâu dài một người sinh viên sư phạm.

Trong quá trình điều chỉnh chương trình đào tạo, các trường sư phạm cần phân phối cân đối chương trình và thời lượng giữa khối kiến thức chuyên ngành chính với khối kiến thức khoa học sư phạm chuyên ngành để trang bị kỹ năng và phương pháp dạy học cơ bản cho các cử nhân sẽ đảm nhiệm vai trò là giáo viên dạy trường phổ thông.

Đặc biệt là chương trình đào tạo các ngành sư phạm cần xây dựng bổ sung thêm các học phần thuộc bộ môn phương pháp chuyên ngành và chú ý mối liên quan giữa chương trình, phương pháp đào tạo ở trường sư phạm và thực tế khi sinh viên ra dạy ở bậc phổ thông.

Thứ hai, kiến thức nghiệp vụ sư phạm được trang bị thông qua các bộ môn khoa học giáo dục, khoa học sư phạm, kiến tập và thực tập sư phạm. Tuy nhiên, theo thạc sĩ Nguyễn Thị Hương, đặc thù của đào tạo sư phạm là dạy nghề, truyền nghề nên các kỹ năng này cần được rèn luyện nhiều hơn, thường xuyên hơn.

"Từ thực tế, việc rèn luyện năng lực và kỹ năng nghề nghiệp là việc cần thiết cho sinh viên sư phạm. Tác giả đề nghị các trường sư phạm bổ sung học phần rèn luyện nghiệp vụ sư phạm thường xuyên với một thời lượng tương xứng để sinh viên có điều kiện học nghề (nếu trường nào đã có thì tiếp tục nâng cao hiệu quả của học phần này).

Nội dung rèn luyện nghiệp vụ sư phạm thường xuyên cũng cần được cụ thể hóa ở từng học kỳ, từng năm, được bố trí từ đơn giản đến phức tạp, từ những kỹ năng thông thường như diễn đạt, viết bảng, trao đổi, tranh luận, xử lý tình huống sư phạm, sử dụng phương tiện dạy học cho đến các kỹ năng có tính tổng hợp và sáng tạo như thiết kế bài giảng, tổ chức dạy học bộ môn.

Tác giả thiết nghĩ nếu rèn luyện nghiệp vụ sư phạm được thực hiện nghiêm túc và khoa học thì học phần này sẽ đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của các trường sư phạm trong cả nước" - Thạc sĩ Nguyễn Thị Hương nêu quan điểm.

Điều chỉnh lại kế hoạch đào tạo

ThS Nguyễn Thị Hương cũng nhấn mạnh việc cần điều chỉnh kế hoạch đào tạo cho thật sự hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên trong việc kết hợp lý thuyết và thực hành.

Thứ nhất, cần đưa bộ môn Phương pháp giảng dạy bộ môn vào ngay học kỳ một của năm thứ hai.

Kinh nghiệm từ việc giảng dạy của một số giảng viên, cứ bắt đầu năm thứ hai khi sinh viên học bộ môn Lý luận và phương pháp dạy học, giảng viên hướng dẫn sinh viên về tham gia với trường phổ thông tại địa phương để điều tra, nghiên cứu, khảo sát với đối tượng là các thầy cô và học sinh về phương pháp dạy học (truyền thống, tích cực, hiện đại) được áp dụng ở trường phổ thông hiện nay.

Đây là thời điểm hợp lý để sinh viên từng bước hiểu về vị trí, vai trò của người giáo viên trong công tác giảng dạy cũng như công tác chủ nhiệm.

Từ những quan sát ban đầu, sinh viên sẽ ý thức xác định cho mình những yêu cầu, đặc điểm cần phải rèn luyện để trở thành một người giáo viên thực thụ.

Thứ hai, cần điều chỉnh kế hoạch thực hiện học phần kiến tập sư phạm từ học kỳ 1 năm thứ tư sang học kỳ 1 năm thứ ba. Đây là giai đoạn bước đầu tập làm nghề của sinh viên sau khi học lý luận và quan sát ban đầu ở năm thứ hai.

Sinh viên tìm hiểu cách thức tiến hành hoạt động dạy học, cách thức tổ chức các nhiệm vụ người giáo viên chủ nhiệm, bước đầu tập soạn giáo án và thường xuyên tham gia dự giờ, giúp giáo viên trong các giờ bài tập, có thể dạy thử một số tiết.

Sau việc tìm hiểu bước đầu hiệu quả, sinh viên sẽ đảm bảo chất lượng đợt kiến tập năm thứ ba.

"Sau cùng, sinh viên đã có quá trình hai năm rèn luyện năng lực sư phạm trước đó thì đến đợt thực tập sư phạm, chúng tôi tin chắc rằng, các sản phẩm đào tạo sẽ là những giáo viên có trình độ chuyên môn vững vàng, có năng lực sư phạm, có bản lĩnh nghề nghiệp, sự say mê công việc. đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông" - thạc sĩ Nguyễn Thị Hương khẳng định.


4 giải pháp góp phần nâng cao chất lượng thực tập sư phạm

Một là: Nếu thuận lợi, các trường nên xây dựng trường Thực hành sư phạm để sinh viên có điều kiện thâm nhập thực tiễn phổ thông sớm hơn, thường xuyên hơn.

Hai là: Tăng cường mối liên kết giữa trường đào tạo giáo viên với nhà trường phổ thông.

Ba là: Cải thiện nội dung, cách đánh giá, cách tổ chức thực tập sư phạm cuối khóa đảm bảo đạt chất lượng.

Bốn là: Cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, vai trò, nhiệm vụ, trách nhiệm của công tác thực tập sư phạm đối với các đối tượng liên quan để việc thực hiện công tác này thực sự đạt hiệu quả cao.

ThS Nguyễn Thị Hương
Nguồn: giaoducthoidai.vn
 

Bình luận bằng Facebook

Top