Giúp trẻ mầm non 3 tuổi phát triển ngôn ngữ thông qua trò chơi con rối

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
GD&TĐ - Nhận thấy trẻ 3 tuổi rất thích chơi vơi búp bê, các con rối nhiều màu sắc, cô Dương Thị Giác Duyên đã sáng kiến: Sử dụng con rối để giúp các bé tập nghe, hiểu, diễn đạt câu nhằm phát triển ngôn ngữ cho trẻ.


Co Duyên là giáo viên dạy giỏi cấp thành phố của Trường mầm non Vàng Anh (quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh).

Sáng kiến trên của cô Duyên đã được Bộ GD&ĐT tuyển tập vào kỷ yếu “sáng kiến kinh nghiệm” dịp Liên hoan Giáo viên dạy giỏi cấp học mầm non toàn quốc năm 2013.

Cùng trẻ làm quen và sử dụng các con rối

Thực tế cho thấy, trẻ 3 tuổi thường phát âm chưa rõ, các bé thường nói ngọng, nói đớt. Ví dụ: Con khỉ thì trẻ nói là “con hỉ”, đi thì trẻ nói là “zi” v.v…

Từ thực tế trên, cô Duyên luôn suy nghĩ làm thế nào để giúp trẻ khắc phục các hạn chế trên và để trẻ phát triển tốt ngôn ngữ qua các hoạt động hàng ngày.

“Qua quan sát hoạt động của trẻ, tôi nhận thấy trẻ 3 tuổi rất thích chơi với búp bê, với các con rối nhiều màu sắc. Trong chế độ sinh hoạt của trẻ thì hoạt động vui chơi với đồ chơi ngỗ nghĩnh nhiều màu sắc là phương tiện tiếp cận trẻ hiệu quả.

Từ đó, tôi đã quyết định sử dụng con rối để giúp trẻ 3 tuổi ở lớp tôi đang phụ trách tập nghe, hiểu, diễn đạt câu nhằm phát triên ngôn ngữ cho trẻ” – cô Duyên bộc bạch.

Theo đó, cô Duyên đã xếp đặt các con rối thuận tiện cho việc lấy, cất và thu hút sự chú ý của trẻ.

Ví dụ: Với những con rối que tôi cắm vào từng ngăn túi nhỏ. Những con rối dẹt nhỏ hơn cho vô hộp để trẻ dễ sử dụng. Với những con rối đi kèm với đĩa ghi âm lời kể và sách hình minh họa thì cho vào từng chiếc túi theo từng câu chuyện kể.

Phân loại các con rối theo chất liệu (vải, giấy bìa, ống giấy, bao tay…) và sử dụng cho từng loại rối (Rối dẹt, rối que, rối ống, rối bao tay…) để phù hợp với sự phát triển sinh lý của trẻ.

Ở giai đoạn đầu năm học, cho trẻ sử dụng những con rối que đơn giản, đến cuối học kỳ I trẻ sử dụng rối hộp – rối li, sang học kỳ II trẻ có thể sử dụng rối bao tay. “Khi bổ sung loại rối mới tôi thường cùng trẻ xếp đặt các con rối, giúp trẻ dễ nhớ và tự lấy cất khi chơi, như vậy sẽ chủ động khi cần chơi” – cô Duyên chia sẻ.

Cũng theo cô Duyên, do đặc điểm phát triển sinh lý của trẻ 3 tuổi thì độ nhạy của các nhóm cơ còn nhỏ, việc phối hợp giữa tay và mắt trong các hoạt động với con rối còn hạn chế nên mỗi khi giới thiệu các con rối tôi hướng dẫn trẻ cách sử dụng từng loại rối từ đơn giản đến phức tạp bằng cách cùng chơi với trẻ.

Ví dụ: Loại rối đơn giản nhất là rối quê, tôi hướng dẫn trẻ cầm rối que đưa qua trái – qua phải để biểu thị con rối đang hoạt động. Với những con rối li, rối hộp tôi hướng dẫn trẻ cho các ngon tay vào chỗ khoét phía sau con rối để di chuyển con rối qua lại v.v…


Sử dụng đồ chơi con rối để kích thích ngôn ngữ cho trẻ

Sử dụng con rối làm phương tiện phát triển ngôn ngữ

Bài tập trò chơi được thiết kế từ dễ đến khó,từ đơn giản đến phức tạp. Đối với trẻ phát âm chưa rõ, trẻ nói ngọng, vốn từ còn hạn chế: Cô sử dụng con rối làm phương tiện để kích thích trẻ lập lại lời nói của cô, tập nói từ đơn, từ đôi.

Ví dụ: Trẻ 3 tuổi ở giai đoạn đầu năm trẻ chưa biết dạ - thưa, chưa biết chào cô. Cô xuất 2 con rối que hoặc rối hộp lànNhân vật cô và bé, sau đó dạy bé nói: “Con chào cô”, “dạ, cảm ơn…”

Đối với trẻ mức độ khá hơn, cô tổ chức trò chơi “Đoán tên nhân vật”. Cụ thể, cô mô tả đặc điểm quen thuộc của nhân vật, trẻ nghe, chọn con rối và nói tên nhân vật đó. Từ đó, phát triển trò chơi này lên: Trẻ tự điều khiển con rối và trò chuyện với nhau về tên trẻ, tên bạn khác.

Cùng rối tập nói từ dễ đến khó

Giáo viên có thể cho trẻ tập mô tả một số đặc điểm của sự vật, hiện tượng đơn giản: Tên gọi và đặc điểm nổi bật của con vật quen thuộc, đặc điểm bên ngoài của cây hoa, quả, tên và nghề nghiệp của bố mẹ.

Đối với những trẻ ở mức độ giỏi: Đầu tiên cô sử dụng nhân vật rối là các nhân vật quen thuộc trong các câu chuyện đã biết, cho trẻ mô phỏng hành động và nói câu thoại đơn giản của nhân vật đó.

Sang học kỳ II, nâng cao yêu cầu trẻ sử dụng rối để tái tạo lại nội dung câu chuyện. Đến giai đoạn cuối năm học trẻ tự chọn con rối và tự nghĩ ra câu chuyện kể sáng tạo theo ý trẻ.

Thông qua đó nhằm phát huy kỹ năng sử dụng ngôn ngữ của trẻ. Trẻ tập nói câu đơn giản, câu đơn mở rộng – câu ghép, trẻ có thể thay thế chủ ngữ - vị ngữ bằng cách thay đổi hình ảnh rối dẹt hoặc các con rối khác. Dần dần trẻ sử dụng rối kể thành câu chuyện đơn giản.

Với những biện pháp như trên, việc thực hiện các trò chơi với con rối nhằm giúp trẻ rèn tập về ngôn ngữ đã có những chuyển biến tốt như: Trẻ hứng thú tích cực tham gia vào hoạt động với con rối không những trong hoạt động vui chơi mà còn vào các thời điểm khác trong ngày.

Đồng thời có nhiều cơ hội rèn luyện kỹ năng nghe hiểu và diễn đạt. Biết cách sử dụng nhiều loại rối khác nhau do cô giao giới thiệu. Đặc biệt là trẻ tự tin, mạnh dạn hơn.

Thực hiện biện pháp để giúp trẻ phát triển ngôn ngữ thông qua sử dụng con rối trong các trò chơi đã giúp cho giáo viên thực hiện tốt yêu cầu về phát triển ngôn ngữ theo nội dung chương trình giáo dục mầm non và đạt yêu cầu về phát triển ngôn ngữ cuối độ tuổi. Đồng thời, thỏa mãn nhu cầu được vui chơi của trẻ, tạo cho trẻ cảm giác thoải mái, tự tin và ham thích đến lớn.


Nguồn: giaoducthoidai.vn
 

Bình luận bằng Facebook

Top