Giúp thí sinh “ăn điểm” với phần nhận xét biểu đồ

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
GD&TĐ - Thường bài tập vẽ biểu đồ Địa lý luôn kèm theo yêu cầu nhận xét, giải thích. Với học sinh, đây là phần khá dễ “ăn điểm”.


Nên nhận xét tập trung

Cô Nguyện Thị Thanh Hải (Trung tâm GDTX tỉnh Vĩnh Phúc) cho rằng, về nguyên tắc chung, biểu đồ thể hiện cái gì thì phần nhận xét nên tập trung vào nội dung đó. Tuy nhiên, mỗi loại biểu đồ lại có yêu cầu về kĩ năng phân tích, nhận xét khác nhau.

Cụ thể, đối với biểu đồ hình cột: Nếu biểu đồ thể hiện sự so sánh qui mô giữa các đối tượng địa lí, khi so sánh phải tính bằng lần (gấp mấy lần).

Nếu biểu đồ thể hiện sự so sánh giữa các đối tượng địa lí nhưng vẽ bằng giá trị tương đối (%), khi so sánh phải tính ra giá trị trung bình, sau đó so sánh các thành phần với giá trị trung bình (cao hơn/thấp hơn mức trung bình bao nhiêu %).

Biểu đồ cột chồng thể hiện cơ cấu của một tổng thể khi so sánh phải so sánh tỉ trọng thành phần trong cơ cấu, nhận xét sự thay đổi cơ cấu qua các năm hay sự khác nhau về cơ cấu giữa các vùng lãnh thổ.

Biểu đồ cột thể hiện động thái phát triển của đối tượng: nhận xét xu hướng phát triển (tăng hay giảm), tình hình phát triển ổn định hay không ổn định, nhanh hay chậm.

Đối với biểu đồ đường: Nhận xét chung về xu hướng biến động của các đối tượng địa lí được thể hiện trên biểu đồ (tăng, giảm, hay ổn định có liên tục hay không, nhịp độ tăng giảm qua các năm hoặc các giai đoạn ra sao (giai đoạn nào tăng nhanh nhất hoặc giảm nhanh nhất).

Đồng thời, nêu lên mối quan hệ giữa các đối tượng được thể hiện trên biểu đồ; so sánh giữa các đối tượng địa lí về xu hướng, nhịp độ và tốc độ phát triển.

Đối với biểu đồ kết hợp cột và đường: Nhận xét từng đối tượng như trong phần nhận xét đối với biểu đồ hình cột hoặc đường; nhận xét về mối quan hệ giữa các đối tượng được thể hiện trên biểu đồ.

Đối với biểu tròn thể hiện cơ cấu: Nhận xét tỉ trọng của các thành phần trong biểu đồ (thành phần nào chiếm tỉ trọng cao nhất (...%), thành phần nào thấp nhất (...%).

Nếu có từ 2 biểu đồ tròn trở lên thì trong phần nhận xét cần khái quát chung cho các biểu đồ. Đồng thời, nhận xét sự thay đổi (sự chuyển dịch) về cơ cấu theo thời gian và không gian, thành phân nào tăng (...%), thành phần nào giảm (...%). Nếu có một số thành phần cùng giảm thì thành phần nào giảm nhiều hơn, cùng tăng thì thành phần nào tăng nhiều hơn.

Nếu trong bài tập có yêu cầu “nhận xét về sự thay đổi quy mô và cơ cấu” thì cần phải dựa thêm vào bảng số liệu để so sánh (quy mô tăng/ giảm hoặc lớn hơn/ nhỏ hơn bao nhiêu lần).

Đối với biểu đồ miền vẽ theo số liệu tương đối: Nhận xét khái quát về sự so sánh tỉ trọng giữa các thành phần trong cơ cấu, thành phần nào chiếm tỉ trọng lớn nhất, nhỏ nhất hoặc cao hơn, thấp hơn.

Cùng với đó, nhận xét về xu hướng thay đổi cơ cấu cho cả thời kì: tỉ trọng của thành phần nào tăng, thành phần nào giảm.

Nếu có sự thay đổi đột xuất cần chia ra thành các giai đoạn rồi nhận xét cụ thể.

Biểu đồ miền vẽ theo giá trị tuyệt đối: Nhận xét về xu hướng biến đổi về quy mô của từng đối tượng tăng hay giảm. Xu hướng phát triển của từng đối tượng có ổn định hay không ổn định. So sánh sự thay đổi theo thời gian của các đối tượng (đối tượng nào tăng/ giảm nhanh).

Sự tăng giảm được tính bằng lần hoặc giá trị tuyệt đối, sự so sánh được tính theo giá trị tuyệt đối thể hiện trên trục tung.

Giải thích thuyết phục

Cô Nguyễn Thị Thanh Hải cho rằng, phần giải thích thường là giải thích cho từng nhận xét đã đưa ra.

Để giải thích có tính thuyết phục cần phải có kiến thức địa lí liên quan, phải xác định được đối tượng được biểu hiện trên biểu đồ chịu tác động bởi các yếu tố nào, chú ý đến những yếu tố có tính chất sự kiện của từng giai đoạn.

Cùng với cách giải thích, cô Hải cũng lưu ý cách ghi chú giải, tên biểu đồ. Theo đó, với biểu đồ có từ 2 đối tượng trở lên, phải lập bảng chú giải, các chú giải nên lập thành bảng riêng để bảo đảm tính mĩ thuật.

Các kí hiệu trong bảng chú giải phải tương ứng với kí hiệu trên biểu đồ, tùy từng biểu đồ mà hình dạng các kí hiệu khác nhau, có thể có nhiều dạng kí hiệu cho một loại biểu đồ.

Với ghi tên biểu đồ: Tên biểu đồ được đặt theo yêu cầu trong đề bài và phải phản ánh được 3 khía cạnh: Cái gì, ở đâu, khi nào. Tên biểu đồ có thể ghi ở phần trên hoặc dưới biểu đồ (Trong các đề tài nghiên cứu khoa học, tên biểu đồ được quy định đặt ở phía trên).
Nguồn: giaoducthoidai.vn
 
Last edited by a moderator:

Bình luận bằng Facebook

Top