Giúp sĩ tử tự tin với môn Văn trong kỳ tuyển sinh vào lớp 10

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Những lỗi làm bài thường gặp

Những lỗi học sinh thường gặp khi làm bài thi môn Văn được cô Hoàng Tuệ Minh rút ra trong quá trình chấm thi như sau:

Nhiều học sinh trình bày cẩu thả; có khi đang làm câu 1 của phần 1 lại chuyển sang sang làm câu 1 phần 2. Cách làm lộn xộn này không những khiến học sinh dễ bị bỏ sót nội dung câu hỏi mà ngay người chấm bài cũng có thể bỏ sót nội dung bài làm của học sinh. Do đó, học sinh cần trình bày rõ ràng từng phần, từng câu, tránh sót câu, bài làm sạch sẽ.

Viết đoạn văn có sử dụng kiến thức tiếng Việt, học sinh không nhớ việc gạch chân và ghi chú thích. Điều này khiến học sinh bị trừ điểm hoặc không được chấm điểm.

Có trường hợp, học sinh viết hình thức đoạn văn chưa đúng.

Nhiều học sinh chưa biết phân bố thời gian hợp lý. Học sinh không làm ngay mà cần đọc kỹ đề, gạch chân dưới những câu từ cần lưu ý; phần nào có thể làm tốt sẽ làm trước; phần nào nhiều điểm thì đầu tư nhiều thời gian cho phần đó hơn; tuy nhiên cũng không được chủ quan với những câu hỏi nhỏ và trả lời chính xác những câu này để ăn chắc điểm.

Lưu ý với văn nghị luận, viết đoạn văn

Nghị luận xã hội là mảng học sinh yếu hơn vì các em vừa thiếu kĩ năng, vừa thiếu vốn kiến thức xã hội; giáo viên không thể khoanh vùng mà chỉ có thể hướng dẫn, gợi ý chung.

Với văn nghị luận xã hội, cô Hoàng Tuệ Minh chia làm 2 dạng bài là nghị luận về một tư tưởng đạo lý và nghị luận về một sự việc, hiện tượng.

Văn nghị luận về một tư tưởng đạo lý, học sinh có thể lưu ý công thức: Giải - bình - liên - rút.

Trong đó, giải là giải thích; bình là bình luận; liên là liên hệ (có cả liên hệ tương đồng và tương phản. Riêng vấn đề trái chiều, vì văn học hướng tới giáo dục, thẩm mỹ, để tránh nhìn nhận quá tiêu cực, học sinh nên nói ở mức độ vừa phải, tránh sa đà sẽ xa với yêu cầu đề bài); rút là rút ra bài học, từ đó nêu hướng hành động cũng như liên hệ bản thân.

Nghị luận về một sự việc, hiện tượng có thể là những vấn đề thời sự, như năm nay, vấn đề trẻ em và quyền trẻ em được nhiều người quan tâm…Với dạng này, học sinh có thể lưu ý công thức: thuật (tường thuật lại hiện tượng - phân tích) - liên (liên hệ) - phương (đưa ra phương pháp, cách thức giải quyết).

Học sinh nên viết ý chính, dàn đoạn ra nháp để tránh bị thiếu ý khi làm bài và bài viết mạch lạc hơn.

Với cả 2 dạng đề, phải luôn có phần liên hệ của học sinh. Với bài này, học sinh chỉ viết khoảng 2/3 trang giấy thi.

Lưu ý của cô Hoàng Tuệ Minh khi viết đoạn văn nghị luận văn học là bắt buộc phải có dẫn chứng, có khai thác nghệ thuật. Nếu học sinh sa đà vào diễn xuôi thơ hoặc kể chuyện sẽ bị mất nhiều điểm.

Phần đạt được điểm nhiều hơn là nội dung hỏi cụ thể về tác phẩm văn học trong nhà trường, như đưa ngữ liệu đoạn văn, đoạn trích và khai thác các vấn đề liên quan đến đoạn trích đó. Bên cạnh cảm thụ văn học, còn khai thác yêu cầu về kĩ năng kiến thức tiếng Việt, Nội dung này có thể liên quan đến kiến thức từ lớp 6 đến lớp 9, đòi hỏi học sinh phải có sự tư duy, liên hệ. Nếu học sinh học đối phó, đến lớp 9 mới lao vào học sẽ khó xâu chuỗi kiến thức.

Dễ lấy điểm là phần cho một đoạn văn ngữ liệu, sau đó đưa ra các câu hỏi nhỏ. Đây là kiến thức đã được học như tên tác giả, tác phẩm, hoàn cảnh sáng tác, nên học sinh dễ ăn chắc nội dung này.

Khi khai thác câu hỏi nhỏ, cô Hoàng Tuệ Minh nhấn mạnh phải bám sát vào đoạn trích, tác phẩm, trả lời chi tiết, không trả lời khái quát, hoặc từ chi tiết mới được đi tới khái quát; phải lường hết các trường hợp, đáp án để trả lời.

Phần liên hệ đến một tác phẩm hoặc một nội dung có liên quan, học sinh cố gắng đưa ra các đáp án, không được bỏ.

"Thực tế cho thấy, đề thi Văn của Hà Nội năm nào cũng khá hay, có tính thực tiễn cao, phân loại được học sinh và buộc học sinh phải thực học mới có thể hoàn thành bài tốt.

Với môn Văn, học là cả quá trình. Do đó, thời gian này, học sinh cần có thời gian biểu hợp lý. Các em không học ôm đồm như trước mà nên dành ra chút thời gian để thư giãn, giải trí, đọc sách báo; cùng với đó, ôn lại bài và xem lại các dạng bài, nhóm bài thầy cô đã hướng dẫn" - cô Minh chia sẻ.

Cô Hoàng Tuệ Minh đồng thời giới thiệu bài thơ của một giáo viên cùng trường, trong đó có những lưu ý rất hay, dễ nhớ, giúp học sinh học, làm bài thi môn Văn tốt hơn:

LỜI CÔ DẶN TRƯỚC LÚC ĐI THI

1. Đi thi mà không phân tích đề thì khác gì nhường đường cho bạn khác.

2. Không căn thời gian chuẩn xác có nghĩa là tự phá nát bài mình.

3. Đi thi mà gạch xóa linh tinh là “tạo điều kiện” để thầy cô trừ điểm.

4. Phải tỏ ra nguy hiểm – chớ để bạn khác nhìn bài.

5. Không được viết dài với những câu ít điểm.

6. Với những câu “hiểm” cần phân tích kỹ càng.

7. Không được chủ quan – kể cả những đề luyện kỹ.

8. Viết lách cụ tỉ, cẩn thận, gọn gàng

Chữ nghĩa thẳng hàng, thưa, đều, to tát.

9. Đặc biệt linh hoạt khi bị “lơ mơ”

Ngữ pháp phải đưa trong phần đầu đoạn

Không được vi phạm hình thức đoạn văn

Nếu không thuộc lòng – diễn xuôi – cần thiết

Tối thiểu phải viết: Nghệ thuật -> nội dung

Nếu là bài văn, cùng đường -> tóm tắt.

10. Phải nắm thật chắc nghị luận – thuyết minh.

11. Đừng có giật mình trước đề nghị luận (xã hội)

“Thần chú” đã định cứ thế bám vào

Đừng chém tào lao, phải đi đúng hướng

Ví dụ, dẫn chứng: cụ thể, điển hình

Bài học với mình- viết hay, viết tốt.

12. Những câu đã thuộc làm trước, làm ngay.

13. Thầy bạn làm dài mình đừng… cà cuống.

14. Khi gác bút xuống, đọc kỹ => tìm sai.

15. Giấy trắng nộp bài là điều tối kỵ.

16. Với các giám thị tuyệt đối phải ngoan.

17. Với bạn cùng bàn – nhẹ nhàng, thân ái

Nghe nhiều hơn nói để tránh lộ bài

Bản lĩnh anh tài – không nghe “đài địch”

(Nhưng nên phân tích – biết đâu có lợi cho ta).

18. “Trúng tủ” xảy ra không hò la sớm.

19. Bài còn, giờ vướng – viết kết khẩn trương.

20. Ngữ pháp – đừng quên: Gạch chân, chú thích.

21. Giương cung -> trúng đích: MANG CHIẾN THẮNG VỀ!

22. Cô lo trăm bề - trò về - gọi gấp.

23. Mong muốn cháy bỏng: MAY MẮN TRÒ ƠI
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top