Giúp nâng chất tiếng Anh trong trường ĐH

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Nên trang bị cho sinh viên kiến thức về ngữ âm căn bản

Góp ý thứ nhất là nên trang bị cho sinh viên chuyên Anh và không chuyên Anh kiến thức về ngữ âm căn bản. Có thể tăng thêm 2 tín chỉ ngữ âm học trong giờ học ngoại ngữ tăng cường.

Đĩa CD, và các tài liệu trên mạng cần cung cấp để sinh viên tham khảo thêm, giảng viên nên có mặt để kiểm tra, cố vấn, và hướng dẫn cho sinh viên thực hành đúng các kết hợp nguyên âm, phụ âm và những vấn đề về biến âm, hay những điểm tương đồng và dị biệt khi so sánh tiếng Anh với tiếng Việt về cách phát âm.

Về quan niệm này, đã có một số ý kiến cho rằng chúng ta cho dù không có kiến thức về ngữ âm tiếng Việt nhưng cũng có thể bắt chước và phát âm tiếng Việt rất tốt. Vậy, với tiếng Anh chúng ta cũng chỉ cần bắt chước là được.

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, khi thiếu kiến thức về ngữ âm của một ngôn ngữ nào đó sẽ dẫn tới tình trạng mơ hồ giữa cái đúng và cái sai khi nghe phát âm của các vùng miền khác nhau, đặc biệt là phương ngữ. Nhưng khi có kiến thức nhất định về ngữ âm học, tình hình sẽ khác đi.

Điều chúng ta cần là ngữ âm thực hành trên cơ sở vận dụng lý thuyết để đọc và nói đúng những từ ngữ mà người Việt thường phát âm sai.

Đảm bảo thời lượng giờ học nghe

Thứ hai, nên trang bị phòng máy cho sinh viên trong giờ học ngoại ngữ ngay cả dành cho sinh viên không chuyên Anh.

Giờ nghe cần phải đảm bảo, tài liệu luyện nghe dành cho sinh viên phải được phát trước để sinh viên chuẩn bị, tapescript hoặc audioscript phải được gửi tới sinh viên trong các giờ thực hành nghe.

Sinh viên Việt Nam thường có thói quen đọc, và làm trắc nghiệm về kiến thức. Cái mà chúng ta cần đánh giá không phải là sinh viên biết được kiến thức gì về ngôn ngữ mà là có sử dụng được kiến thức đã học áp dụng được cho một công việc nào đó hay không.

Chẳng hạn, sinh viên có thể viết thư bằng tiếng Anh để trao đổi thông tin hay không, có thể trả lời câu hỏi của bạn bè và giáo viên trong các buổi thảo luận bằng tiếng Anh hay không, có thể đọc và cho ý kiến của mình về một bài đọc hiểu nào đó hay không.

Chính phòng máy là nơi rèn luyện cho sinh viên kỹ năng nghe nói, thảo luận những gì mình nghe được, hỏi những gì mình chưa nghe được, và bàn luận về nội dung bài nghe một cách lý thú, ấn tượng, có bối cảnh giao tiếp và có không khí ngoại ngữ trong học tập nhiều nhất.

Nên trang bị không gian phòng lab đầy đủ mọi tiện nghi như wifi, bảng tương tác, micro, màn hình lớn, speaker rõ vừa đủ nghe, và sử dụng tiếng Anh toàn bộ trong phòng máy để thực hành.

Nên có lớp dạy kỹ năng riêng

Thứ ba, nên có lớp dạy kỹ năng riêng, và đặc thù là kỹ năng nghe nói cho sinh viên trong giờ học ngoại ngữ tăng cường.

Đến với lớp học này sinh viên sẽ chọn chủ đề mình yêu thích, hoặc chủ đề theo gợi ý của giáo viên, và đã được chuẩn bị trước từ vựng, cấu trúc câu và một số bài đọc có liên quan đến chủ đề học để tham khảo.

Có thể thực hiện các bước chuẩn bị này tại câu lạc bộ nói tiếng Anh của trường trước đó, sau đó vào lớp học thảo luận. Sinh viên sẽ là người làm chủ hoạt động học tập của mình, giáo viên chỉ là người cố vấn, hướng dẫn và tham gia cùng sinh viên trong các hoạt động nghe và nói tiếng Anh tại lớp.

Giảng viên cần sát cánh với từng sinh viên

Thứ tư, giảng viên nên là người sát cánh với từng sinh viên trong giờ học tiếng Anh. Giảng viên không phải là người trình bày một bài thuyết trình để giảng trước đám đông như trong một lớp học truyền thống, thầy giảng trò nghe, trò ghi chép.

Giảng viên trong giai đoạn này nên biến giờ học lý thuyết nghiên cứu, tìm hiểu về từ vựng tiếng Anh thành giờ sử dụng những từ vựng đã học được cho mục đích giao tiếp.

Tổ chức định kỳ một câu lạc bộ học ngoại ngữ

Thứ năm, mỗi đơn vị trường nên tổ chức định kỳ một câu lạc bộ học ngoại ngữ khoảng 3 tiết/tuần để tọa đàm theo chủ đề, giao lưu thân mật, trao đổi học thuật, tạo sân chơi học tập bổ ích và lành mạnh cho học sinh, sinh viên toàn trường tham gia, nhất là sinh viên chuyên Anh, nên có sự tham gia của người nước ngoài (ít nhất là một người – là người bản ngữ nói tiếng Anh).

Điều này sẽ giúp sinh viên thực hành trực tiếp và trao đổi một số những thắc mắc về văn hóa và ngôn ngữ được học với chuyên gia nước ngoài ngoài giờ học.

Hình thức câu lạc bộ nên phong phú đa dạng như đố vui có thưởng, hát với nhau, game shows, talk show, interviews, thảo luận từng nhóm một chủ đề thú vị nào đó cập nhật với thông tin mới nhất mà cả xã hội đang quan tâm,… nhằm phát huy được năng lực sáng tạo của sinh viên trong việc học ngôn ngữ, phát huy tính chủ động tích cực của sinh viên trong việc trao giồi, cũng cố kiến thức và rèn luyện kỹ năng ngôn ngữ.

Việc giao tiếp với thầy với bạn hoặc với người nước ngoài trong môi trường ngôn ngữ sẽ giúp sinh viên điều chỉnh những giao thoa bất lợi từ tiếng mẹ đẻ và hạn chế sự can thiệp không đúng lúc đúng chỗ của tiếng mẹ đẻ khi thực hành ứng dụng ngôn ngữ để thụ đắc một ngôn ngữ thứ hai.

"Thiết kế và đề ra một chuẩn đầu ra hợp lý dành cho bộ môn tiếng Anh dựa trên kiến thức đầu vào của sinh viên là một việc làm hết sức cần thiết. Dựa trên những thiết kế của chương trình, sinh viên sẽ phấn đấu và tự học theo chuẩn đề ra để có thể trải nghiệm thành công những gì mình học một cách hợp lý và hiệu quả nhất trên thực tế công việc" - TS Nguyễn Thị Châu Anh và Lư Sanh Thành.
Nguồn: giaoducthoidai.vn
 

Bình luận bằng Facebook

Top