Giúp học sinh giỏi Văn thăng hoa với hoạt động trải nghiệm

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Theo cô Chinh Dương, cần phân biệt trải nghiệm với kinh nghiệm. Trải nghiệm được dùng nhiều như động từ (với nghĩa trải qua, kinh qua), còn kinh nghiệm dùng như danh từ (những gì thu được qua trải nghiệm). Như vậy, kinh nghiệm nhấn mạnh đến kết quả, trải nghiệm chú ý đến quá trình.

Trải nghiệm là quá trình sống, va chạm, tiếp xúc với thế giới xung quanh để có được những thu lượm ý nghĩa. Đối với học sinh ở độ tuổi 17, 18, trải nghiệm của các em chưa dày, chưa rộng nhưng những gì có được cũng rất hữu ích đối với bài viết văn vì đó là những thu nhận của cá nhân, có tính riêng sắc nét.

Xét về phạm vi, trải nghiệm của học sinh thường gắn với các mối quan hệ thân thuộc như: quan hệ gia đình, làng xóm, quan hệ bạn bè, thầy cô, quan hệ riêng tư (liên quan đến tình cảm, tâm lý của ngưỡng tuổi 17, 18)…

Xét về tính chất, trải nghiệm của học sinh có thể chia thành: trải nghiệm thực (có được thông qua các quan hệ trong đời sống với không gian, thời gian, sự kiện, con người) và trải nghiệm ảo (thông qua các quan hệ không có trong thế giới thực, mà tồn tại qua mạng xã hội, internet…).

Xét về hình thức, có trải nghiệm thực tế (gắn với cuộc sống thường nhật) và trải nghiệm đọc (thông qua sách vở).

Xét về thời gian, có trải nghiệm hiện tại (trải nghiệm đang diễn ra) và trải nghiệm kí ức (trải nghiệm đã qua).

Trong thực tế, các kiểu trải nghiệm ở trên có thể tồn tại trong nhau, bên cạnh nhau và thực ra đều có ý nghĩa tương trợ nhau. Không có trải nghiệm hiện tại nào mà không cần những trải nghiệm của quá khứ làm nền tảng, không có trải nghiệm thực tế nào không cần được làm đầy thêm qua trải nghiệm sách vở…

Trao đổi về việc bồi dưỡng năng lực trải nghiệm của HSG văn, cô Chinh Dương nhấn mạnh, cần chú ý đến hai nội dung căn bản: trải nghiệm văn chương và trải nghiệm đời sống.

Bồi dưỡng trải nghiệm văn chương

Đến với văn chương, mà trung tâm là các tác phẩm văn học, học sinh không chỉ cần tích lũy kinh nghiệm mà cần có thêm những tích lũy trải nghiệm. Nếu kinh nghiệm văn chương nghiêng về tích lũy kiến thức thì trải nghiệm văn chương nghiêng về tích lũy ấn tượng. Kiến thức thiên về sự phong phú và đầy đủ, bài bản, phổ biến còn trải nghiệm thường rõ nét, sống và mạnh mẽ vì nó là sở hữu của một cá nhân.

Khi thể hiện trải nghiệm trong bài viết, học sinh nhất định phải tạo ra được một góc nhìn, một thế nhìn về đối tượng nghị luận. Góc nhìn này có thể có được do hiểu biết của cá nhân, nhưng sẽ tuyệt vời hơn nếu nó xuất phát từ chính những gì mà cá nhân đã trải qua, đã cảm thấy.

Cô Chinh Dương chia sẻ một số nguyên tắc khi bồi dưỡng năng lực trải nghiệm văn chương cho HSG Văn:

- Tiếp cận tác phẩm từ góc độ trải nghiệm, cần xác định góc nhìn. Góc nhìn này liên quan đến vốn sống của cá nhân, là những gì học sinh đã biết, đã trải qua.

- Sử dụng trải nghiệm để hiểu văn chương cần tránh chủ quan; chỉ sử dụng những trải nghiệm hợp lý và phải đảm bảo phù hợp với tư tưởng nghệ thuật của nhà văn và những nguyên tắc tiếp cận tác phẩm nghệ thuật.

- Trải nghiệm phải được kết hợp với cảm thụ văn chương để tạo nên một lối hành văn lý thú, lôi cuốn, tránh kể lể dài dòng nhằm gây ấn tượng.

- Vốn sống của học sinh còn mỏng, vì thế, giáo viên ôn luyện cần lựa chọn tác phẩm phù hợp để học sinh có thể bộc lộ được sở trường trải nghiệm của mình.

Bồi dưỡng trải nghiệm đời sống

Trong đời sống của mỗi cá nhân, có những trải nghiệm đã hình thành, đã đọng lại và có những trải nghiệm tiếp tục được sinh ra và làm mới. Việc hồi tưởng lại các trải nghiệm cũ và kết nối với những trải nghiệm mới giúp học sinh có những nhận thức sâu sắc hơn, mới mẻ hơn về đời sống hiện tại và các mối quan hệ đã qua.

Những nhận thức đó thường đọng lại trong bài văn của học sinh giỏi thành các chiêm nghiệm có màu sắc triết lý, hoặc hiện diện cụ thể thành những quan niệm, ứng xử của các em trước những tình huống đời sống cụ thể.

Nhấn mạnh nội dung trên, cô Chinh Dương đưa ra quy trình, bồi dưỡng trải nghiệm đời sốngqua hai bước cơ bản sau.

Bước 1: Đánh thức và xây dựng trải nghiệm. Nội dung cụ thể: đánh thức những trải nghiệm kí ức, xây dựng những trải nghiệm mới trong đời sống gần gũi xung quanh, và nếu có thể là tổ chức những chuyến đi nhỏ.

Về trải nghiệm kí ức. Kí ức là một thế giới rất phong phú và đôi khi chứa phần phức tạp. Song điều quan trọng nhất là nhìn lại nó vừa bằng cái nhìn của quá khứ, vừa bằng những nhận thức của hiện tại. Theo cách đó, học sinh có được cái nhìn về kí ức thật phong phú, khách quan, thể hiện sự trưởng thành trong nhận thức, tính cách và bản lĩnh.

Kí ức có thể chia thành hai dạng: Kí ức đẹp và kí ức buồn. Dạng kí ức nào cũng có vai trò rất quan trọng đối với người học sinh giỏi, ngọt ngào hay đắng cay đều có giá trị thúc đẩy khát vọng, ước mơ trong hiện tại.

Giáo viên bồi dưỡng cần giúp học sinh được sống lại với kí ức thông qua các hình thức kể chuyện, chia sẻ. Sau khi làm sống, nghĩa là đánh thức xúc cảm, cần khơi gợi quan điểm, định hướng cách nhìn nhận. Chẳng hạn, giáo viên có thể ra đề văn nghị luận xã hội về nghịch cảnh trong đời sống để các em bày tỏ quan điểm của mình sau khi có những chia sẻ cá nhân.

Về trải nghiệm đời sống ở xung quanh: Đời sống ở xung quanh là những gì của hiện tại đang diễn ra, và thế giới này thực tế rất phong phú, phức tạp. Đó có thể là một vấn đề của cộng đồng như ô nhiễm môi trường, bạo lực, thói vô trách nhiệm; một vấn đề của gia đình như sự rạn nứt các mối quan hệ nền tảng, can dự nghề nghiệp tương lai của phụ huynh; một vấn đề của đời sống học đường; một vấn đề của đời sống riêng tư học trò…

Giáo viên cần định hướng học sinh luôn luôn quan sát, luôn luôn lắng nghe theo các nguyên tắc: quan sát phải từ nhiều mặt, lắng nghe nên từ nhiều phía. Có như thế, đời sống mới hiện diện chân thực và đầy đủ để có thể nhận chân các giá trị, không bị đánh lừa bởi hình thức, bởi các giá trị ảo.

Về trải nghiệm hành trình nhỏ. Trong hành trình sống có hành trình đi. Đi là sở hữu của bất cứ ai, trong đó, đặc biệt, nó là ưu thế của người trẻ. Đi, hiểu theo nghĩa dịch chuyển về mặt không gian, có những ý nghĩa vô cùng lớn lao.

Ngoài giá trị thay đổi “thực đơn cho giác quan” theo cách nói của một nhà văn, đi sẽ làm tăng vốn sống, quan trọng hơn nữa, đi sẽ mang lại những nhận thức mới chưa từng có, nhận thức này sớm sẽ có những đối thoại với những nhận thức cũ đã phát triển thành hình hài ăn sâu vào gốc rễ tư tưởng của cá nhân. Những người cả đời không đi dễ sống bảo thủ, tình cảm không được làm mới.

Bước 2. Sau khi trải nghiệm đã được đánh thức và hình thành, giáo viên hướng dẫn học sinh ghi chép và viết đoạn.

Về việc ghi chép, nên ghi ấn tượng sau mỗi hành trình. Cảm nhận riêng của học sinh về trải nghiệm đi rất cần thiết, phải được lưu lại.

Về việc viết đoạn, học sinh có thể viết đoạn theo nhiều cách: kể, biểu cảm, suy ngẫm triết lý… Những đoạn văn này cần được viết ngắn gọn, súc tích, trau chuốt về dùng từ đặt câu, và đây sẽ là nguồn tài liệu sống hữu ích để các em sử dụng trong quá trình viết bài văn nghị luận.

Trong hành trình sống có hành trình đi. Đi là sở hữu của bất cứ ai, trong đó, đặc biệt, nó là ưu thế của người trẻ. Đi, hiểu theo nghĩa dịch chuyển về mặt không gian, có những ý nghĩa vô cùng lớn lao. Ngoài giá trị thay đổi “thực đơn cho giác quan” theo cách nói của một nhà văn, đi sẽ làm tăng vốn sống, quan trọng hơn nữa, đi sẽ mang lại những nhận thức mới chưa từng có, nhận thức này sớm sẽ có những đối thoại với những nhận thức cũ đã phát triển thành hình hài ăn sâu vào gốc rễ tư tưởng của cá nhân. Những người cả đời không đi dễ sống bảo thủ, tình cảm không được làm mới. Cô Trần Chinh Dương
Nguồn: giaoducthoidai.vn
 

Bình luận bằng Facebook

Top