Giúp giáo sinh Lịch sử thạo kĩ năng sư phạm

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Dưới đây là lưu ý của giảng viên Nguyễn Mạnh Hưởng - Trường ĐHSP Hà Nội - giúp sinh viên sư phạm Lịch sử thực hiện tốt các kĩ năng quan trọng này.

Kĩ năng về nghiệp vụ sư phạm

Kỹ năng đầu tiên là kĩ năng viết bảng. Theo đó, từ năm thứ nhất, sinh viên phải được hướng dẫn luyện các kĩ năng viết chữ trên bảng đen, vừa giảng bài, vừa viết bảng, vẽ sơ đồ, biểu đồ trên bảng,...

Trước khi đi thực tập sư phạm ở các trường phổ thông, sinh viên phải đáp ứng những yêu cầu về viết nhanh, rõ ràng, thẳng hàng, tư thế viết bảng thoải mái tự nhiên,...

Cách diễn đạt nói trong tự học: Kĩ năng này có vai trò quan trọng trong rèn luyện nghiệp vụ sư phạm.

Nhiều sinh viên từ năm thứ nhất đã có những hạn chế như nói ngọng giữa “l” và “n”, không phân biệt được giữa “r”, “gi” và “d”, không phát âm được dấu hỏi (?) và ngã (~), phát âm quá nặng hoặc quá nhẹ giữa “s” với “x” và “tr” với “ch”; hoặc nói quá nhanh hay quá chậm, quá to hoặc quá nhỏ, nói nhát gừng, trúc trắc, lủng củng không rõ ràng, mạch lạc từng câu/chữ,...

Để khắc phục các lỗi diễn đạt trên, trong quá trình học tập trên lớp, sinh viên cần tích cực tham gia các buổi thảo luận, xemina; mạnh dạn phát biểu trước tập thể, không rụt rè, e ngại, hoặc che dấu khuyết điểm; rèn luyện thái độ bình tĩnh, mạnh dạn khi trình bày quan điểm của mình; chuẩn bị kĩ nội dung, luyện giọng nói ở nhà trước khi phát biểu vấn đề.

Sinh viên cần chú ý cả nội dung và tác phong khi diễn đạt, có vốn từ phong phú thông qua đọc sách báo, các tài liệu thường xuyên ở nhiều lĩnh vực khác nhau; nhờ bạn bè nhắc nhở những lỗi của mình khi phát âm để tự sửa chữa,...

Kĩ năng sử dụng đồ dùng trực quan trong quá trình tự học

Hiện nay, việc sinh viên tự học bằng đồ dùng trực quan còn hạn chế, thậm chí nhiều em không có những hiểu biết tối thiểu về bản đồ địa lý, thường “hiện đại hóa” địa danh.

Vì vậy, để rèn luyện tốt kĩ năng này, sinh viên cần vận dụng triệt để đồ dùng trực quan trong quá trình học tập và nghiên cứu Lịch sử.

Ví dụ, khi học đến một địa danh mới mà mình chưa biết, ngay lập tức sinh viên phải xem bản đồ tìm vị trí của nó ở đâu, có ảnh hưởng thế nào đến sự kiện đang nghiên cứu, dùng bản đồ để học diễn biến các trận đánh,…

Khi sử dụng đồ dùng trực quan, mỗi sinh viên phải tự trang bị những hiểu biết tối thiểu về địa lý như kí hiệu đường biên giới, địa hình, sông ngòi, khí hậu, dân cư; biết tự xây dựng bản đồ phục vụ học tập chuẩn bị cho thực tập sư phạm và việc giảng dạy trong tương lai,...

Theo giảng viên Nguyễn Mạnh Hưởng, việc rèn luyện cho sinh viên các kĩ năng tự học cần có một quá trình, có sự phối hợp đồng thời nhiều biện pháp - từ nâng cao nhận thức đến hướng dẫn các em tự rèn luyện kĩ năng (dựa trên định hướng của giáo viên).

Có như vậy, kĩ năng tự học mới đạt tới mức độ thành thạo, trở thành “kĩ xảo”, là một phần không thể thiếu trong phong cách học của sinh viên sư phạm.
Nguồn: giaoducthoidai.vn
 

Bình luận bằng Facebook

Top