Gió lẻ (P7)

cohonnhien

Thành viên
#1
Xe dừng trước một cái cổng cao, kín bưng, cha nói, vô đi con, đây là nhà mình. Em có chút không tin. Bức vách, mái nhà, cái hàng ba, những viên gạch… tất cả đã thay đổi.

Cái hộp giấy đựng sáp đèn cầy em đã giữ lại từ quan tài của mẹ cũng không còn ở trong góc phòng, giữa hai tủ áo. Sáp đèn cầy nham nhở đỏ như máu đông lại, hơ trên lửa, nó sẽ chảy thành dòng. Hồi nhỏ, em đã từng hình dung, nếu đem mẹ ra làm cho ấm, máu mẹ sẽ lại chảy trong người.

Không tìm được hộp sáp, em đã tin thật sự đây không phải là nhà của em. Nơi này thuộc về hai đứa trẻ con của cha và chị Băng, vì chúng biết giữ cho thảm sạch sẽ, biết xoay vòi về phía nào để nước ấm áp, bật nút nào thì ti vi sẽ có những người đàn ông mình trần đánh nhau trong một cái chuồng bằng dây.

Thật may em thấy thích chỗ của những con cá sấu. Ngồi nghe xương của những con cá nhỏ, rạn nhừ trong những cái hàm đầy răng nhọn, và nhìn từng giọt nước mắt chảy ra. Cá sấu không khóc cho những con mồi, dù chúng vẫn chảy nước mắt. Thật kỳ lạ, em không nôn vì điều đó, có lẽ do cá không nhiều máu và không có tim, không mồ hôi không nước bọt, nên em không bị khối hỗn độn đó giày vò. Như hôm ở trường quay, khi người ta mời ông Tám Nhơn Đạo vào, và ông nói ông tìm thấy em ngồi đói rách trong chợ như thế nào, ông đã nuôi nấng, yêu thương và che chở em ra sao:

- Vợ chồng tui đơn chiếc, nên tui cưng con nhỏ như con đẻ của mình vậy.

Ông nói. Và một cái vòi đắng nghét từ miệng em phụt ra. Cả trường quay nhốn nháo.

Rốt cuộc, nếu như có gặp những con chim hót dối rằng mùa xuân đã về, những con chó nhìn bóng trăng sủa dối rằng kẻ trộm tới… thì em sẽ không sao.

*

Hay là đuổi con nhỏ đó đi đi. Trong lúc xoay nhau trên giường, người đàn bà nghẹn ngào bảo vậy. Gã với lấy áo, hỏi, ghen à? Chị bảo không, tại nó ma quái kỳ cục quá. Nhưng gã thấy mình đã xong. Gã ngồi dậy đốt thuốc, chậm rãi nhìn chị, nhìn lại một lượt căn phòng đã che chở cho gã khỏi gió lẻ đêm nay. Những mạng nhện rối tung đòng đưa theo cọng dây điện nối chụp đèn, trên những tờ báo dán vách là những khuôn mặt nhìn đăm đăm vào gã. Mỗi khi vào lại căn phòng này, gã không nghĩ là mình đã đi hàng chục ngàn cây số, trong hai năm quen chị. Những người trên vách vẫn râu vẫn tóc, vẫn một ánh nhìn, một nụ cười, một vẻ đăm chiêu.

Nhưng giờ gã sẽ không còn gặp lại họ, cũng như chị. Chị đã bước qua giao ước, chị yêu. Những ghen hờn bắt đầu giống như xảy ra trong một gia đình, mà gã thì không có phần trong gia đình đó.

Gã ra xe. Cô gái ngơ ngác mở mắt ra thấy trời vẫn tối mịt mù, cô xuống xe vào nhà rửa mặt. Chị chủ nhà ngồi chải tóc, nói vọng ra:

- Ăn ngủ dầm dề với tụi lái xe tải đường dài, thứ con gái tệ hơn giẻ rách…

Cô gái lặng lẽ dấp nước trên mắt, rồi đi. Chiếc Landu sẽ không bao giờ de đít đậu lại ở khoảng vỉa hè lởm chởm gạch vỡ. Người đàn bà kia cũng biết điều đó, nên quăng cây lược xé vào bức vách thẳm suốt những mặt người.

*

Đôi khi những lời vô tình khiến em nhớ tới một vài thứ em bị mất. Đôi khi nhìn vài người mẫu áo tắm đứng nằm sóng xõa trong mấy tờ lịch phai úa, em điềm nhiên nghĩ, mình đã từng có những da thịt như họ. Giờ thì không còn.

Chỉ nhớ là mất. Không tiếc nuối, không có ý định tìm lại. Giữa em và cơ thể em tồn tại vài mối liên hệ ít ỏi, lúc đói, hay những cơn đau lúc em nôn. Một cơ thể bất động thì đi cùng ai cũng không quan trọng.

Và điều đó làm ông Buồn cho em ở lại trên xe ông, bởi khi em nhắm mắt lại, thì em đã không tồn tại nữa. Em biến mất trong tiếng nước sánh ra khỏi những thùng cá phía sau, tiếng cái mui vải lồng gió phần phật, tiếng một mảnh thép bị đứt mối hàn va lập cập vào thân xe… Nhưng em thấy vui vì ông không nhìn thấy em, nghĩa là em có thể cùng ông Buồn đi hết đời này, trời này, đất này. Để lâu lâu em lại giở giọng của muông thú ra, và ông phì cười.

Một hừng đông xe tới Lạc Mai, anh Tìm Nội đang đứng đó vẫy tay rối rít, anh nói anh đã chờ ở đây mấy ngày rồi. Ngồi vào cái chỗ ngồi quen thuộc, anh vỗ vai em, bằng điệu bộ hết sức tự nhiên, “phải dạy con nhỏ này ăn nói tử tế cho giống người ta mới được…”.

Cái cách anh Tìm Nội nhìn thấy em làm em có chút ngơ ngác. Nói giống như người… có lần em cũng nghĩ tới. Đó là lúc em nhớ lại giọng nói của bà cụ có hai túi áo ấm mùi trầu. Nhớ anh Tìm Nội gọi em mỗi sáng, “nè thức dậy đi, đừng có chết à nghen…”. Có bữa nấn ná nhắm mắt thêm chút nữa, anh này bỗng thảng thốt, “ê, bộ chết thiệt hả ?”. Nhớ người đàn ông bán báo dạo không quen biết, một bữa ghé mắt qua cửa kính, tần ngần, “nằm vậy tê chân sao chịu nổi…?”

Những gì em đã mất, chỉ tiếng nói em còn nghĩ tới, đôi khi. Ban trưa, nghe tiếng rao chè ơi hỡi ơi hời, hay tiếng gọi nhau vời vợi, em bỗng thèm nói – giống – người. Để khi anh Tìm Nội sụp khóc bên mộ nội, em sẽ vỗ về, bảo “anh cứ khóc, tôi ngồi cạnh đây, tôi chờ”. Em cũng muốn nói với ông Buồn, em thích ông cười, những lúc đó máu chảy trong ông thật sự giống như người sống.

Nhưng nói – giống – người thì em cũng phải nói những lời dối, gây đau, nói để giày vò nhau… Biết đâu, em sẽ vừa nói vừa nôn thốc tháo. Biết đâu em vừa nói vừa khóc.

Có buổi chiều ngồi ở cabin, em nghe trong nhà, chị đàn bà bảo ông Buồn:

- Tâm ăn nhiều đi, cá rô mùa này béo lắm. Hồi sáng tôi kiếm mấy chợ mới mua được mớ bông so đũa này để nấu chua. Biết chiều nay cậu ghé…

Chị còn kể nữa, những chuyện bình thường đã xảy ra sau lần gặp gần nhất, cái cầu thang gãy, nhà đằng kia bị trộm, chị bị sổ mũi mấy hôm… Tiếng đũa khua vào chén. Tiếng muỗng chạm vào đáy tô. Hai con chó hục hặc giành xương. Một gia đình đầm ấm luôn có những âm thanh đó, cả những câu chuyện bình thường vơ vẩn được kể bằng kiểu – của – người.

Em bỗng cuộn lại vì một cơn gió lẻ đi qua, buốt tận xương. Nhưng chỉ khoảnh khắc thôi, sau đó thì ông Buồn ra xe. Tối nay ông không ngủ lại với chị, chỉ vì bữa cơm quá đỗi đầm ấm, như một gia đình.

Ông không thích kiểu - của - người, điều đó gần như chắc chắn. Em không còn băn khoăn gì nữa, em sẽ vĩnh viễn nói kiểu của chim, hay của những con bò…

(còn tiếp)
Nguyễn Ngọc Tư
 

Bình luận bằng Facebook

Top