Giờ Địa lý cực lạ, cuốn hút với đố vui

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Ai cũng biết rằng, mục tiêu của các tiết học là truyền đạt kiến thức từ cơ bản đến nâng cao cho các em học sinh. Đồng thời rèn các kĩ năng, thái độ hành vi và định hướng phát triển năng lực cho các em.

Nếu tiết học quá căng thẳng, áp đặt, người thầy cô chú trọng quá nhiều việc truyền đạt kiến thức sẽ tạo nên một tâm lí nặng nề, lo sợ của các em khi vào tiết học.

Nhưng nếu coi nhẹ việc truyền đạt kiến thức mà tạo sự thoải mái quá cho học sinh thì việc quản lí các em sẽ rất khó và không đáp ứng được yêu cầu, nội dung kiến thức của môn học.

Nắm bắt được đặc điểm tâm lí của các em. Tôi thấy nếu đưa ra quá nhiều kiến thức, áp đặt và quá nghiêm khắc các em rất sợ môn học. Nên trong quá trình giảng dạy, tôi luôn dành ít thời gian để đưa ra những câu đố và những phần thưởng nên học sinh của tôi rất tích cực, hứng thú và xung phong tham gia trả lời những câu đố vui. Nhờ thế chất lượng dạy và học được nâng cao.

Như khi dạy bài 2 : Vị trí địa lí, phạm vi lãnh thổ (SGK Địa lí 12 ban cơ bản) vào bài mới tôi có đố HS:

Nước nào hình thể cong cong

Giống như chữ S, biển Đông xanh màu

Từ Nam Quan đến Cà Mau

Quê hương một dải không đâu đẹp bằng

Bạn ơi có biết hay chăng?

Một miền đất nước, đố rằng: Nước chi?

Một câu đố rất đơn giản nhưng sẽ tập trung sự chú ý của các em . Nhiều cánh tay giơ lên trả lời nói đáp án. Sau đó tôi nhấn mạnh lại để vào bài mới:

Việt Nam hình thể cong cong

Giống như chữ S, biển Đông xanh màu

Từ Nam Quan đến Cà Mau

Quê hương một dải không đâu đẹp bằng

Bạn ơi có biết hay chăng

Một miền đất nước, thưa rằng: Việt Nam

Hay khi tôi dạy bài 10: Thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa (tiết 2) (SGK Địa lí 12 ban cơ bản ) đến phần dạy sông ngòi. Tôi đưa ra câu đố:

Sông nào đỏ lớp phù sa?

Sông nào chín nhánh chảy ra Thái Bình?

Sông nào non nước hữu tình?

Ngát thơm xứ Huế, thần kinh mơ màng?

Sông nào cọc nhọn dăng hàng

Hai phen đuổi bọn tham tàn bắc phương?...

Chỉ bằng những câu đố ngắn nhưng các em sẽ nhớ được tên các con sông:

Sông Hồng đỏ lớp phù sa

Cửu Long chín nhánh chảy ra Thái Bình

Sông Hương sông nước hữu tình

Ngát thơm xứ Huế thần kinh mơ màng

Bạch Đằng cọc nhọn dăng hàng

Hai phen đuổi bọn tham tàn Bắc phương.

Không chỉ là người trực tiếp đưa ra câu hỏi. Tôi còn hướng dẫn và giao cho các tổ nhiệm vụ tìm những câu đố liên quan đến bài học. Ví dụ như khi học bài 42: Vấn đề phát triển kinh tế an ninh, quốc phòng ở Biển Đông và các đảo, quần đảo.

(SGK Địa lí 12 ban cơ bản ) . Giữa các tổ đã đưa ra những câu đố:

Vịnh nào phong cảnh hữu tình

Kì quan thế giới đã bình chọn ra?

Đảo nào to nhất nước ta?

Đảo nào quần thể ở xa đất liền?

Bắc Nam Trung dẫu ba miền

Nơi nào cũng thuộc chủ quyền nước ta

Một vùng gấm vóc bao la

Quyết tâm bảo vệ sơn hà Việt Nam.

Phần thưởng cho mỗi câu trả lời đúng không nhất thiết là điểm số. Tùy từng lớp có thể phần thưởng do lớp tự quy định. Hoặc là những phiếu lá thăm được chuẩn bị sẵn mang ý nghĩa tinh thần tạo nên sự vui vẻ như:

Lớp tặng cho bạn một tràng pháo tay, giờ sau bạn không phải kiểm tra bài cũ, bạn là người thông minh…. Điều này tạo không khí sôi nổi, thu hút tất cả các thành viên trong lớp tham gia.

Những câu đố vui không chỉ áp dụng được trong một khối mà có thể cả 3 khối trong chương trình học.Tuy nhiên cũng nên khẳng định, không phải tiết nào, phần nào cũng có thể đưa ra những câu đố vui như thế.

Và phần đố vui chỉ chiếm thời gian ít trong một tiết học không nên kéo dài quá lâu ảnh hưởng đến nội dung bài học.Đồng thời cần nhắc nhở HS không gây mất trật tự. Sau khi đố vui cần quay lại ngay nội dung chính của bài.

Nếu thầy cô tìm được những câu đố vui hay, quản lí tôt ở các khâu trong giờ học thì HS sẽ rất mong chờ những tiết học đó. Và tôi nghĩ với những thầy cô giáo việc tự lựa chọn và tìm ra những phương pháp giảng dạy mới để tăng chất lượng hiệu quả giáo dục là rất cần thiết. Để các tiết học luôn mới lạ, cuốn hút, hấp dẫn và đáng nhớ cho các em học sinh.
Nguồn: giaoducthoidai.vn
 

Bình luận bằng Facebook

Top