Giáo viên Văn “lấp” khoảng trống kiến thức bộ môn

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
GD&TĐ - Một trong những chia sẻ của thầy Nguyễn Văn Song (Trường THPT Phù Cừ - Hưng Yên) giúp giáo viên dạy tốt môn Văn là việc tích luỹ kiến thức văn học, kiến thức đời sống và cả kiến thức của những bộ môn khác.

Giáo viên Văn phải duy trì được thói quen đọc

Theo thầy Nguyễn Văn Song, người dạy học Văn hay dạy bất cứ một bộ môn nào cũng cần phải có một vốn kiến thức phong phú sâu rộng mới có thể dạy học được vững vàng, không “túng thiếu” và mất tự tin trước học trò.

Kiến thức không phải tự nhiên mà có, không phải cứ muốn có là có. Kiến thức phải qua một quá trình tích luỹ bền bỉ, âm thầm, nhọc nhằn mà cũng vô cùng thú vị.

"Nói những điều ấy, có lẽ ai đó sẽ cho rằng sáo rỗng, “xưa như trái đất”. Vâng, vấn đề tường như muôn thuở ấy lại vẫn là điều cần phải bàn nhiều lắm. Trong nhiều giờ dạy, không ít giáo viên văn vẫn bộc lộ khoảng trống về kiến thức bộ môn, thậm chí là những kiến thức rất cơ bản chứ chưa muốn nói đến kiến thức của các ngành, các bộ môn khác.

Có cô giáo khi dạy bài khái quát văn học trung đại cứ láy đi láy lại điệp khúc “văn học thời Lê Sơn”. Trong lịch sử Việt Nam chỉ có thời Lê sơ và triều Tây Sơn chứ làm gì có thời Lê Sơn." - thầy Song chia sẻ.

Vậy làm thế nào để tích luỹ được kiến thức phong phú, sâu rộng? Thầy Nguyễn Văn Song cho rằng, giáo viên Văn phải duy trì được thói quen đọc, nhất là đọc sách.

Những cuốn sách ưu tiên được đọc là các tác phẩm văn học tiêu biểu trong và ngoài nước, các công trình nghiên cứu, các bài phê bình viết về sự nghiệp sáng tác của các tác giả tiêu biểu được học trong chương trình.

Thầy Song đưa ví dụ: Muốn dạy tốt đoạn trích “Hồi trống Cổ thành” trong chương trình Ngữ văn 10 thì người thầy phải đã từng đọc trọn bộ Tam quốc ít nhất một vài lần và có thể tóm tắt ngắn gọn tác phẩm một cách thuyết phục.

Để dạy tốt những đoạn trích trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, người thầy phải thuộc được nhiều đoạn tiêu biểu trong tác phẩm và đọc nhiều bài viết về tác tác phẩm về những đoạn trích được giảng dạy.

Để dạy tốt một số bài thơ Mới trong chương trình 11, người thầy phải nhiều lần đọc Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh, Hoài Chân và thuộc được nhiều bài thơ Mới.

"Có cô giáo dạy về Sêchxpia và đoạn trích “Tình yêu và thù hận” trong chương trình Ngữ văn 10 mà chưa từng đọc vở kịch Romeo và Juliet, ngoài những kiến thức trong phần tiểu dẫn, cô không cung cấp thêm bất kì một thông tin nào về nhà văn và tác phẩm.

Đoạn trích chỉ như một lát cắt cực mỏng, chỉ lấy nó tự soi cho nó thì làm sao tác phẩm đến được với học sinh, làm sao học sinh yêu được tác phẩm" - Thầy Nguyễn Văn Song dẫn dụ.

Hãy suy nghĩ về những tri thức vừa đọc

Cùng với việc đọc sách, người thầy còn đọc tài liệu, tư liệu tham khảo. Không phải cứ đọc sách là lập tức tri thức của nhân loại trở thành tri thức của ông thầy. Nếu không làm việc với lượng tri thức ấy thì đọc nhiều sẽ lại quên nhiều.

Bởi vậy, thầy Nguyễn Văn Song cho rằng, hãy suy nghĩ về những tri thức vừa đọc được để nó soi rọi, tỏa sáng trong nhận thức của ta một điều gì đó, rồi ghi chép, sắp xếp lại theo từng mảng, từng dạng.

Một cách hiệu quả nhất để tích lũy tri thức là tìm cách đưa những tri thức ấy vào trong quá trình giảng dạy một cách thường xuyên.

Chẳng hạn, khi bạn giảng dạy về Tố Hữu, Nguyễn Tuân, Nam Cao, Xuân Diệu thì cố gắng vận dụng tất cả tri thức về cuộc đời, sự nghiệp sáng tác của họ mà mình đã đọc, đã biết để làm sáng tỏ những kiến thức trong sách giáo khoa một cách hợp lý.

Khi giảng về những chặng đường thơ Tố Hữu, nhất thiết giáo viên phải đọc được những đoạn thơ, những bài thơ tiêu biểu trong từng tập thơ của ông kèm theo những lời bình ngắn gọn, xác đáng để học sinh thấy được giá trị nội dung và nghệ thuật của các tập thơ.

Thường xuyên cập nhật tri thức của các ngành, bộ môn khác

Bên cạnh kiến thức văn học, theo thầy Song, giáo viên dạy Văn cũng cần phải thường xuyên cập nhật những tri thức của các ngành, các bộ môn khác nhất là kiến thức đời sống thực tiễn.

Dạy các tác phẩm như Đại cáo bình Ngô, Bạch Đằng giang phú, Thuật hoài không thể không am tường về lịch sử trung đại với các sự kiện, các quan niệm thời đại, các xu hướng tư tưởng, chính trị, thẩm mỹ...

Dạy Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân, giáo viên phải có vốn văn hóa với những hiểu biết về thú chơi chữ của người xưa để giúp học sinh hiểu dược cái gốc của thú chơi chữ kia là khát vọng hướng tới cái chân, thiện, mỹ, là thái độ trân trọng, tự hào về một nét đẹp văn hóa, nét đẹp tâm hồn của người Việt xưa.

Nếu có thể được, giáo viên hãy viết những chữ Hán thật đẹp, thật ý nghĩa để học sinh đến với tác phẩm một cách dễ dàng nhất.

Dạy Một người Hà Nội của Nhà văn Nguyễn Khải, giáo viên phải có những hiểu biết nhất định về văn hoá, lối sống của người Hà Nội, về lịch sử của kinh thành Thăng Long ngàn năm văn hiến mới giúp học sinh hiểu được vẻ đẹp của nhân vật bà Hiền.

"Có vốn kiến thức phong phú, sâu rộng, người dạy văn có thể dễ dàng tung tẩy, tạt ngang, đối chiếu, liên hệ để tác phẩm hiện lên rõ nét nhất, sinh động nhất và người đọc cũng cảm thấy nhẹ nhàng nhất" - thầy Nguyễn Văn Song cho hay.

Nguồn: giaoducthoidai.vn
 
Last edited by a moderator:

Bình luận bằng Facebook

Top