Võ sư Trương Văn Bảo
Võ đường Trần Hưng Đạo Đà Lạt
Võ đường Trần Hưng Đạo Đà Lạt
Giáo dục là sứ mệnh cao cả (nhất) trong xã hội, là giá trị bất khả tư nghị qua các thời đại, là công đức trang nghiêm vì giáo dục là dạy người nên “người”. Có nhiều khái niệm, quan niệm và định nghĩa về giáo dục nhưng tựu trung theo nguyên nghĩa “giáo là dạy bảo, dục là nuôi nấng”. Giáo dục là tác động các biện pháp có hệ thống đến sự phát triển tinh thần, thể chất của con người để dần dần trở nên hoàn thiện.
Ngoài các hình thức học tập, truyền dạy kiến thức, kinh nghiệm, đào tạo ngành, nghề, kỹ năng chuyên nghiệp hoặc các phương pháp nghiên cứu khoa học trong nhiều lãnh vực, thì giáo dục còn chuyên chở một thông điệp giáo hoá, cảm hoá, lấy tâm truyền tâm, lấy “xử vô vi chi sự, hành bất ngôn chi giáo”, không can thiệp mà để cho vạn vật tự nhiên, đã làm nên những điều kỳ diệu trong giáo dục.
Một loại hình giáo dục đặc biệt của các Trường Võ bị đào tạo sĩ quan chỉ huy trên thế giới và cả Việt Nam là chương trình “huấn nhục”. Đây là chương trình khởi đầu cho những người mới bước chân vào đời quân ngũ, trước khi chính thức trở thành Sinh viên sĩ quan phải trải qua một thời gian 8 tuần huấn nhục. Điều này nghe có vẻ nghịch lý nhưng “huấn nhục” có giá trị riêng đối với những ai từng trải nghiệm cuộc đời.
“Huấn nhục” mang ý nghĩa “hành xác”, giáo dục cho con người “biết” chịu nhục về thân thể, tinh thần và nhất là tâm lý, “biết” nhẫn để vượt lên, “biết” chịu đựng những trái ngang, nghiệt ngã của cuộc đời, nhắm đến mục tiêu “tự thắng để chỉ huy”. Người tự thắng mang tinh thần nhân bản, tự do và khai phóng. Mục đích của giáo dục là mang lại hạnh phúc cho con người. Thân không chính, tâm không trực mà muốn tề gia, trị quốc, bình thiên hạ là nuôi mầm loạn và bất công cho xã hội.
Mỗi một giai đoạn, tuỳ theo quan niệm xã hội mà định hướng giáo dục có khác nhau. Có thể điều hôm nay coi trọng lại khác với ngày xưa, điều ngày xưa coi trọng lại bị xã hội hiện đại ngày nay đánh giá là lỗi thời, lạc hậu, thậm chí là “dại”. Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ; người khôn người đến chốn lao xao”.
“Trong những tuần lễ an cư để thiền định của Bankei, nhiều đệ tử khắp nơi trên đất Nhật đến theo học. Trong những cuộc tu tập này, có một đệ tử bị bắt quả tang về tội ăn cắp. Việc này được trình lên Bankei với lời yêu cầu là phải trục xuất tội phạm nhưng Bankei làm ngơ.
Sau đó người đệ tử này lại bị bắt trong một hành vi tương tự, và Bankei cũng bỏ qua luôn. Việc này làm những người đệ tử khác nổi giận, họ làm tờ khiếu nại hành vi xấu của kẻ cắp, tuyên bố rằng nếu thầy không xử lý họ sẽ bỏ đi nơi khác.
Thiền sư Bankei đọc xong lời khiếu nại, ông gọi tất cả mọi người đến và nói rằng: “Các anh là những người khôn ngoan, các anh biết việc gì đúng, việc gì không đúng. Các anh có thể đến nơi nào khác để học, nếu các anh muốn. Nhưng người anh em đáng thương này không biết phân biệt đúng sai. Nếu tôi không dạy thì ai dạy cho anh ta. Tôi sẽ giữ người anh em này lại cho dù tất cả các anh em bỏ đi hết”.
Một suối nước mắt chảy xuống rửa sạch khuôn mặt của người đệ tử ăn cắp đáng thương. Tất cả lòng ham muốn ăn cắp tự nhiên tan biến mất”. (1)
“Nhiều đệ tử theo học thiền định dưới sự hướng dẫn của Thiền sư Sengai. Một người trong lớp thường thức dậy ban đêm vượt tường rào trốn ra ngoài dạo chơi cho thoả thích.
Một đêm Sengai đi giám thị phòng ngủ, thấy một đệ tử vắng mặt và cũng khám phá ra được là chiếc ghế đẩu cao mà anh ta thường dùng để leo qua tường. Sengai dời chiếc ghế đi chỗ khác và đứng thay vào chỗ đó. Khi người đệ tử rong chơi trở về, không biết rằng Sengai đã đứng ngay vào vị trí chiếc ghế, anh ta thản nhiên đặt chân lên đầu thầy và nhảy xuống đất. Sau khi biết việc mình làm, người đệ tử hoảng sợ.
Sengai nhỏ nhẹ bảo:”Sáng sớm này trời còn lạnh lắm. Con hãy cẩn thận kẻo bị cảm”.
Người đệ tử ngộ ra lời giáo huấn của thầy, từ đó không bao giờ trốn ra ngoài ban đêm nữa”. (2)
TVB Đà Lạt
Tham khảo:
(1) và (2) được trích từ Shaseki-shu - Sa thạch tập của Thiền sư Muju. Đỗ Đình Đồng dịch dưới tựa đề “Góp nhặt cát đá”, NXB Lá Bối, Sài Gòn 1972.