Giảng viên không phải “thợ” dạy

Khánh Linh

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Cả hai hoạt động này quan hệ mật thiết với nhau và góp phần nâng cao trình độ giảng viên, quyết định chất lượng đào tạo của nhà trường. Vì thế, Quyết định số 64/2008/QÐ-BGDÐT ngày 28/11/2008, sau đó là Thông tư 47/2014/TT-BGDĐT ngày 31/12/2014 (Thông tư 47) của Bộ GD&ĐT quy định khá rõ nhiệm vụ nghiên cứu khoa học (NCKH) của giảng viên. Cụ thể, với Thông tư 47, Bộ GD&ĐT yêu cầu giảng viên phải dành ít nhất 1/3 tổng quỹ thời gian làm việc trong năm học để làm nhiệm vụ NCKH.

Thế nhưng thời gian qua, ở nhiều các trường đại học, đa số giảng viên vẫn tập trung vào nhiệm vụ giảng dạy, chưa mặn mà với công tác NCKH. Thực trạng giảng viên dạy vượt giờ chuẩn khá nhiều, có những người dạy vượt gấp đôi số giờ quy định, trong khi thời gian dành cho NCKH lại chiếm tỷ lệ không đáng kể. Nếu bám sát quy định của Bộ, số giảng viên không hoàn thành nhiệm vụ vì thiếu giờ NCKH hẳn không thấp.

Để giúp giảng viên đạt thành tích cuối năm, nhiều trường đại học có quy định “mềm”, linh hoạt giải quyết cho trường hợp không đủ định mức NCKH. Phổ biến nhất là bù giờ NCKH từ giờ dạy vượt chuẩn. Có trường cho phép việc bù giờ này tới tối đa 50% nhưng không được thực hiện liên tiếp 2 năm. Không chỉ bù giờ, có trường còn cho giảng viên nộp tiền khi thời gian nghiên cứu bị trừ lớn hơn số giờ giảng dạy vượt định mức!

Đưa ra những quy định làm “phao cứu sinh” kiểu như vậy, thực lòng không nhà quản lý nào muốn. Một hiệu trưởng đại học cho biết: Không làm vậy thì tội giảng viên quá, bởi việc thực hiện nhiệm vụ NCKH của giảng viên còn quá khó khăn! Thực tế cho thấy, quy mô đào tạo của các trường phát triển khá nhanh, giờ giảng nhiều, vì thế giảng viên một phần chung tay giải quyết áp lực chung của trường, một phần do áp lực riêng về đời sống kinh tế nên tập trung lo giảng.

Công việc NCKH lại có quá nhiều rủi ro, khó khăn (nhất là thủ tục hành chính), kinh phí quá ít ỏi. Trong khi đó, quy định chung chưa xem xét đến việc giảng viên có thể tham gia nhiều hoạt động nghiên cứu khác nhau (chứ không chỉ công bố bài báo), chưa phân loại giảng viên tùy theo ngành nghề với mức độ tham gia nghiên cứu khác nhau...

Khó khăn là có thật, tuy vậy, nếu tiếp tục mở lối quy đổi giờ dạy, hay nộp tiền thay cho nhiệm vụ NCKH không phải là cách để giảng viên và nhà trường nâng cao chất lượng. Mới đây, Dự thảo quy định về chế độ làm việc đối với giảng viên đại học được Bộ GD&ĐT công khai lấy ý kiến có một điểm nhấn đáng chú ý: Kết quả NCKH của giảng viên được đánh giá thông qua các sản phẩm khoa học và công nghệ, hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học giao nhiệm vụ NCKH cho giảng viên và quy định cụ thể về số giờ NCKH được quy đổi từ sản phẩm khoa học và công nghệ, hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.

Đây là quy định cần thiết, hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng giảng viên, chất lượng giáo dục đại học. Bởi trong giai đoạn nền giáo dục đang chuyển từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực, phẩm chất của người học, hướng đến giáo dục 4.0, giảng viên chắc chắn không phải là “thợ” dạy!

Tuy vậy, để thực hiện được điều này, cần phải có cơ chế, biện pháp giải quyết các khó khăn trong NCKH hiện tại. Trong đó, việc xây dựng môi trường NCKH, bảo đảm nguồn kinh phí hỗ trợ cho hoạt động NCKH, giúp giảng viên không chỉ sống được bằng tiền giảng dạy là ưu tiên hàng đầu.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top