Giải pháp với học sinh yếu kém môn Vật lý

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
7 biện pháp “vực” học sinh yếu Vật lý

Nhấn mạnh vai trò của giáo viên, cô Nguyễn Thị Ánh Nguyệt - giáo viên Trường THPT Tháp Mười (Đồng Tháp) - chia sẻ 7 biện pháp hồi dưỡng học sinh yếu kém Vật lý. Những giải pháp này đã được cô Nguyệt áp dụng vào dạy học và phát huy hiệu quả tích cực.

Biện pháp đầu tiên là nhấn mạnh những sai lầm thường gặp của học sinh. Ví dụ, với yêu cầu tính chu kì và tần số của con lắc lò xo khi biết m và k, học sinh thường không xác định được cả 2 nằm ở đâu, căn bậc hai m chia cho k hay căn bậc hai k chia m. Tương tự, với công thức tính chu kì, tần số con lắc đơn cũng vậy. Không ít học sinh hay sự nhầm lẫn giữa chu kì, tần số của hai con lắc.

Chỉ ra sai lầm này, cô Nguyệt lưu ý, với nội dung trên học sinh chỉ cần ghi nhớ công thức tính chu kì, phải xác định được chu kì con lắc lò xo liên quan đến k và m, tương tự cho con lắc đơn. Chu kì con lắc 2 phải nằm ở tử, căn k nằm ở mẫu; tương tự, con lắc đơn, căn g nằm ở mẫu. Để tìm công thức tần số ta chỉ cần nghịch đảo chu kì.

Biện pháp 2: Giáo viên cần rèn luyện kỹ năng từ dễ đến khó, nâng cao mức độ.

Biện pháp 3: Tóm tắt công thức thường dùng theo từng chuyên đề Vật lý 12, khoa học, ngắn gọn và đầy đủ. Thường xuyên trả bài công thức theo hình thức cuốn chiếu.

Biện pháp 4: Cho các bài tập tương tự để học sinh tự làm, giáo viên quan sát và hướng dẫn khi thấy các em đi lệch hướng và phân tích kỹ để thấy chỗ sai mà khắc phục. Sau khi thấy học sinh làm được bài tương đối thì gọi các em lên bảng giải.

Biện pháp 5: Dùng công nghệ thông tin hỗ trợ giảng dạy, nhất là các bài có tính trừu tượng để học sinh tiếp thu bài tốt hơn, cũng như kích thích sự hứng thú học tâp của các em. Ví dụ, giáo viên dùng powerpoint để thấy được chiều của lực kéo về của con lắc lò xo; hoặc dùng powerpoint thể hiện cấu tạo và nguyên tắc hoạt động của máy biến áp hay thể hiện ứng dụng của hiện tượng tán sắc.

Biện pháp 6: Tổ chức phụ đạo cho các học sinh yếu kém.

Biện pháp 7: Giáo dục ý thức tự học cho học sinh yếu kém. Theo cô Nguyệt, đây là việc rất quan trọng, rèn tính tự giác, chủ động và sáng tạo cho học sinh; dần dần, học sinh không thấy ngại trước các bài tâp phức tạp, cảm thấy Vật lý không còn là môn học khó và sự cố gắng của các em mang lại kết quả chứ không phải là vô ích. Giáo viên cần tùy vào từng đối tượng học sinh, tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến sức học kém để có biện pháp phù hợp. Để làm được điều này, rất cần sự quan tâm, yêu thương thực sự từ phía giáo viên.

Không thể vội vàng

Đây là lưu ý của cô Nguyễn Thị Ánh Nguyệt đối với giáo viên khi rèn học sinh yếu môn Vật lý. Công việc đầu tiên và không thể thiếu đó là phải tìm lập được danh sách những học sinh này để phân nhóm một cách hợp lý; tiếp xúc, gần gũi để tìm hiểu hoàn cảnh cũng như tính cách từng em, tránh làm cho các em thêm tự ti, mặc cảm.

Cách phân nhóm, theo cô Nguyệt nên có từ hai đến ba học sinh (em giỏi kèm em yếu). Sau đó, giáo viên phân tích rõ mục tiêu mà cần đạt được; giao nhiệm vụ cho các nhóm sau mỗi tiết học, lưu ý các nhiệm vụ không nên làm mất quá nhiều thời gian của học sinh. Đầu mỗi tiết, học sinh khá giỏi báo cáo kết quả của nhóm, giáo viên kiểm tra một vài thành viên để xác định hiệu quả làm việc của các nhóm. Không thể quên việc nhận xét, khuyến khích, động viên đúng lúc khi học sinh đạt kết quả (cho dù chỉ có sự tiến bộ nhỏ), cũng như phê phán và có khích lệ các em chưa tiến bộ.

Giáo viên cũng nên thường xuyên kiểm tra lí thuyết 5 phút đầu giờ toàn lớp, chấm điểm và nhiều cột cộng lại để lấy điểm kiểm tra miệng. Trong mỗi tiết, giáo viên cần có kế hoạch dạy các học sinh yếu kém, như chuẩn bị bài tập, thường xuyên gọi các em trả lời với câu hỏi đơn giản; luôn tạo cơ hội cho các em học yếu xung phong giải bài tập để tạo sự tự tin và ý chí vươn lên.

Khi nhận thấy việc học giảm sút, giáo viên có thể dành vài phút để hướng nghiệp hoặc kể chuyện nêu gương những học sinh có thành tích cao những năm trước. Đây là cách đơn giản nhưng thường mang lại nhiều kết quả thiết thực, có tác dụng kích thích sự hứng thú học tập của học sinh.

Cô Nguyệt cũng chia sẻ, việc giáo viên dạy chậm, nói ngắn gọn, cụ thể chi tiết và dễ hiểu cũng rất quan trọng. “Bản thân tôi khi giảng bài luôn nhấn mạnh hơn các nội dung quan trọng, nhắc lại nhiều lần để học sinh khắc sâu; chú ý phân tích chỗ sai học sinh thường gặp. Khi dạy lí thuyết, tôi hướng dẫn các em cách học, cách ghi nhớ, cách nhận dạng bài không cần học thuộc lòng. Đối với các em yếu Toán, các thầy cô lưu ý không nên cung cấp kiến thức toán quá nhiều, cùng một lúc sẽ gây rối và học sinh không nắm được. Kinh nghiệm của tôi: Chỉ cung cấp kiến thức cho bài tập đó; sau đó ra những bài tập tương tự để học sinh dần thích nghi” – cô Nguyệt cho biết.

Từ kinh nghiệm nhiều năm bồi dưỡng học sinh, cô Nguyệt cũng nhấn mạnh việc tổ chức học phụ đạo; dành thời gian gặp riêng học sinh phân tích điểm số và đưa ra mục tiêu về điểm số cần đạt của các em để các em cố gắng hơn nữa; kết hợp với công nghệ thông tin với các bài giảng trừu tượng giúp học sinh tiếp thu bài tốt hơn...

“Các giáo viên cũng không nên quên “Học thầy không tày học bạn”. Đôi lúc học ở bạn cũng có nhiều lợi thế, giảm được sự căng thẳng, tự ti, mặc cảm cũng như có sự phấn đấu học theo bạn. Bên cạnh đó, nhiều năm nay, đề thi Vật lý ra theo hình thức trắc nghiệm, vì vậy sau mỗi câu hỏi (có đáp án như trắc nghiệm), tôi để trống một vài hàng để các em viết công thức, thế số và đáp án.

Làm như thế, giáo viên sẽ phát hiện học sinh chưa thuộc công thức, không đổi đơn vị hay sai cách tính toán... để nhắc nhở các em khắc phục chỗ sai. Giáo viên cần trông kiểm tra tuyệt đối nghiêm túc. Ngoài ra, việc thường xuyên liên hệ với phụ huynh học sinh là không thể thiếu để thông báo sự tiến bộ cũng như các sai phạm của các em mỗi tháng, từ đó kịp thời động viên hoặc khắc phục khuyết điểm của mỗi em” – cô Nguyệt cho biết thêm.
Nguồn: giaoducthoidai.vn
 

Bình luận bằng Facebook

Top