Giải pháp tiết kiệm

Khánh Linh

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Tại phiên họp thứ 45 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện, triển khai Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới Chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã thay mặt Chính phủ báo cáo Ủy ban cho phép tiếp tục thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK và trường hợp đã có ít nhất 1 bộ sách được phê duyệt, Bộ không tổ chức biên soạn một bộ sách (sử dụng ngân sách Nhà nước) nữa. Trước đó, theo Nghị quyết 88, Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm biên soạn một bộ SGK.

Qua thẩm tra sơ bộ báo cáo của Chính phủ, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đã thống nhất với đề nghị của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK, không sử dụng ngân sách Nhà nước. Bởi lẽ, theo Thường trực ủy ban, với SGK lớp 1 phục vụ cho năm học 2020 - 2021, đã có 5 bộ của 3 nhà xuất bản (thực hiện theo chủ trương xã hội hóa) được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt ban hành; Các tác giả biên soạn SGK đều là nhà khoa học uy tín, thậm chí là thành viên Ban xây dựng Chương trình Giáo dục phổ thông của Bộ GD&ĐT; Các bộ SGK đều được thẩm định bởi Hội đồng quốc gia thẩm định SGK do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thành lập theo luật định; Cả 3 nhà xuất bản tham gia biên soạn SGK thuộc ngành Giáo dục. Thời gian từ nay đến khai giảng năm học 2020 - 2021 rất ngắn để triển khai biên soạn, thực nghiệm và thẩm định một bộ SGK lớp 1 mới; Việc tập hợp chuyên gia sẽ khó khăn khi các nhà khoa học có kinh nghiệm đều tham gia nhóm biên soạn của 3 nhà xuất bản; Việc xã hội hóa biên soạn SGK đã huy động được nguồn lực, các tổ chức, cá nhân tham gia trực tiếp vào công tác giáo dục; Tạo điều kiện cho Bộ GD&ĐT tập trung vào nhiệm vụ quản lý Nhà nước, kiểm tra, giám sát và chịu trách nhiệm về chất lượng SGK theo quy định của Luật Giáo dục 2019.

Không chỉ có Thường trực ủy ban và các đại biểu Quốc hội mà đông đảo dư luận xã hội, các chuyên gia, nhà giáo, nhà quản lý, phụ huynh… những ngày qua cũng bày tỏ sự đồng tình với đề xuất của Chính phủ. Bởi đề xuất này không chỉ phù hợp với chủ trương một chương trình, nhiều bộ sách, tạo thuận lợi cho việc phát triển xã hội hóa biên soạn SGK, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các nhà xuất bản mà còn mang lại nhiều sự lựa chọn cho thầy và trò, tránh lãng phí ngân sách Nhà nước. “Bộ GD&ĐT không nên quá tập trung nhân lực, vật lực để làm công việc mà các nhà xuất bản có thể làm hiệu quả hơn. Theo đó, Bộ GD&ĐT sẽ quản lý chất lượng qua Bộ Chuẩn kiến thức môn học, chứ không bằng SGK do Bộ tự soạn thảo và xuất bản”, GS Võ Tòng Xuân nêu ý kiến. Còn PGS.TS Trần Thị Tâm Đan cho rằng, đề xuất này là tiết kiệm cho ngân sách. “Ngân sách định dùng để làm sách có thể thu lại hoặc đầu tư trang thiết bị giáo dục hay giáo dục miền núi. Giáo dục Việt Nam còn cần đầu tư nhiều lắm…”, bà Tâm Đan nhấn mạnh.

Thực tiễn khách quan cho thấy Bộ GD&ĐT không cần thiết phải làm thêm một bộ SGK nữa như Nghị quyết 88 đã dự phòng. Chắc chắn tới đây, Quốc hội sẽ căn cứ trên thực tiễn khách quan này để quyết nghị một cách sáng suốt. Vấn đề đáng quan tâm nhất tới đây là làm sao kiểm soát để giá SGK không cao quá, phải bảo đảm theo mặt bằng thu nhập của người dân, đồng thời, tiếp tục chính sách hỗ trợ đối với học sinh vùng cao, các em có hoàn cảnh khó khăn.

Bởi thực tế cho thấy khi xã hội hóa làm SGK cũng đồng nghĩa các nhà xuất bản có xu hướng chạy theo thị trường. Trong khi đó SGK là mặt hàng thuộc nhóm thiết yếu phục vụ quốc sách hàng đầu. Vì thế, song song với đẩy mạnh xã hội hóa, Chính phủ cần ban hành sớm chính sách hỗ trợ các cơ sở giáo dục tại vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số; sớm xác định nguồn kinh phí và đối tượng cần hỗ trợ SGK (học sinh thuộc diện chính sách và nhóm học sinh có hoàn cảnh đặc biệt), cung cấp SGK cho các thư viện trường phổ thông, có sự kiểm soát và quan tâm tới lộ trình bình ổn giá SGK.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top