Giải pháp thực hiện mục tiêu bài học Sinh học theo hướng phát triển năng lực

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Gia công, chuyển hóa kiến thức thành dạng sơ đồ

Sinh thái học là môn khoa học nghiên cứu mối quan hệ tương hỗ giữa các sinh vật với sinh vật và giữa sinh vật với môi trường. Do vậy, thạc sĩ Đoàn Thị Lan cho rằng, việc sử dụng sơ đồ hóa có thể diễn đạt một cách chặt chẽ các mối quan hệ tương hỗ, cũng như hệ thống hóa các khái niệm, các quá trình, các quy luật trong Sinh thái học nhằm kích thích tư duy cũng như khả năng sáng tạo trong việc thiết lập các sơ đồ kiến thức sinh thái học.

Thông qua sơ đồ hóa giúp rèn luyện cho học sinh các thao tác tư duy cơ bản (phân tích, so sánh, tổng hợp, khái quát hóa, trừu tượng hóa). Học sinh sử dụng kiến thức từ sách giáo khoa, tài liệu liên quan, gia công thành các sơ đồ, bảng biểu - đây là quá trình gia công, chuyển hóa kiến thức thành dạng sơ đồ, giúp rèn luyện năng lực tư duy logic ở học sinh.

Thạc sĩ Đoàn Thị Lan chia sẻ các bước tiến hành như sau:

Bước 1: Giáo viên đưa ra câu hỏi, bài tập liên quan đến nội dung bài học.

Bước 2: Giáo viên yêu cầu học sinh nghiên cứu SGK để có nguồn thông tin.

Bước 3: Học sinh làm việc cá nhân hoặc theo nhóm nhỏ để phân tích nội dung kiến thức, xác định dạng sơ đồ cần lập; huy động vốn kiến thức để tìm ra các thành phần, khái niệm và sắp xếp chúng trong mối quan hệ với nhau; sau đó nối các thành phần, khái niệm có liên quan bằng những đoạn thẳng hay mũi tên, từ đó thiết lập được sơ đồ.

Bước 4: Giáo viên nhận xét, đánh giá các sơ đồ mà học sinh vừa lập được, đưa ra kết luận cuối cùng.

Có 2 dạng sơ đồ (sơ đồ nhánh, sơ đồ dạng vòng), việc hướng dẫn học sinh lập được sơ đồ ở 2 dạng này đều tuân theo các bước trên, chỉ khác ở bước 3 sắp xếp vị trí các thành phần, khái niệm để thiết lập mối quan hệ giữa chúng.

Dạng sơ đồ phân nhánh có thể dùng để diễn đạt loại kiến thức thể hiện giữa cái toàn thể với bộ phận, đồng thời rèn luyện cho học sinh các kĩ năng tư duy như phân tích, tổng hợp, so sánh, khái quát. Dạng sơ đồ vòng dùng để thể hiện mối tương quan giữa các thành phần trong hệ thống sống, đồng thời thể hiện được sự vận động trong hệ thống sống.

Thạc sĩ Đoàn Thị Lan lưu ý: Biện pháp sử dụng câu hỏi, bài tập để tổ chức hoạt động học tập cho học sinh thông qua lập sơ đồ hình thành kiến thức mới có thể theo 2 mức độ từ thấp đến cao, phụ thuộc vào năng lực, trình độ của từng học sinh. Cụ thể, mức 1 - điền sơ đồ bị khuyết; mức 2 - học sinh tự thiết lập sơ đồ.

Tổ chức hoạt động học tập cho học sinh thông qua lập bảng

Với những nội dung kiến thức có đặc điểm cần đối chiếu, thiết lập quan hệ giữa các tiêu chí, thành phần cần so sánh, hệ thống hóa kiến thức được thực hiện thông qua lập bảng. Qua đó, giúp học sinh có cái nhìn toàn diện, đồng thời rèn luyện cho học sinh kĩ năng hệ thống hóa kiến thức, phân tích - tổng hợp, so sánh - đối chiếu.

Đưa ra quan điểm trên, thạc sĩ Đoàn Thị Lan đồng thời cho biết các bước tiến hành như sau:

Bước 1: Giáo viên đưa ra câu hỏi, bài tập liên quan đến nội dung bài học.

Bước 2: Giáo viên yêu cầu học sinh nghiên cứu SGK để có nguồn thông tin.

Bước 3: Học sinh làm việc cá nhân hoặc theo nhóm nhỏ để xác định được mối quan hệ logic giữa các thành phần kiến thức, xác định cột ngang, cột dọc của bảng rồi đặt tên bảng, sau đó xác định nội dung kiến thức cần tìm trong mỗi ô tương ứng với cột ngang, cột dọc phù hợp, sau đó hoàn thiện bảng.

Bước 4: Giáo viên nhận xét, đánh giá bảng mà học sinh vừa lập được, đưa ra kết luận cuối cùng.

Lưu ý: Biện pháp sử dụng câu hỏi, bài tập để tổ chức hoạt động học tập cho học sinh thông qua lập bảng hình thành kiến thức mới có thể theo 3 mức độ từ thấp đến cao phụ thuộc vào trình độ, năng lực của học sinh như sau: Mức 1 - điền khuyết bảng; mức 2 - đưa các tiêu chí, đối tượng, học sinh thiết lập hoàn thành bảng; mức 3 - cho câu hỏi, học sinh tự tìm các tiêu chí của các đối tượng, tự trả lời thiết lập bảng.

Tổ chức hoạt động học tập cho học sinh qua thảo luận nhóm

Theo thạc sĩ Đoàn Thị Lan, thảo luận là một dạng tương tác nhóm trong đó các thành viên hợp sức giải quyết một vấn đề đang cùng quan tâm nhằm đạt tới một sự hiểu biết chung về vấn đề đó. Học sinh tham gia thảo luận sẽ dần được nâng cao khả năng diễn đạt ý kiến của mình cho người khác nghe và sau đó tiếp nhận ý kiến phản hồi về chất lượng ý kiến đã diễn đạt ý kiến của mình. Thông qua thảo luận nhóm phát triển được năng lực hợp tác, năng lực giao tiếp, năng lực sử dụng ngôn ngữ giữa các thành viên trong nhóm.

Giáo viên có thể tiến hành theo 3 bước. Bước 1 chuẩn bị (giáo viên nêu vấn đề đưa ra câu hỏi, bài tập dưới dạng phiếu học tập để thảo luận; sau đó, phân chia, sắp xếp các thành viên trong nhóm; giáo viên quyết định thời gian thảo luận nhóm). Bước 2, tiến hành thảo luận nhóm. Bước 3, kết thúc thảo luận, các nhóm trình bày kết quả trước lớp; giáo viên nhận xét, đánh giá, đưa ra kết luận.

Tổ chức thực hiện mục tiêu khi tổng kết, củng cố hoàn thiện kiến thức

Những ý chủ chốt, những liên hệ cốt yếu, những sự kiện cơ bản, những nguyên tắc và quan điểm nền tảng, những khái niệm hoặc giá trị có tính công cụ cần được nhắc tới dưới những hình thức cô đọng, rút gọn, đặc biệt là những sơ đồ, mô hình, công thức hoặc các tài liệu trực quan. Nhấn mạnh điều này, thạc sĩ Đoàn Thị Lan cho rằng, nội dung cốt lõi của bài cần được phát biểu lại trong những liên hệ và cấu trúc hệ thống, có quan hệ logic với khái niệm tổng thể và được biểu hiện rõ vị trí trong mạng khái niệm hoặc trong quan niệm toàn vẹn. Đó là vai trò và ý nghĩa của tổng kết và củng cố kiến thức, qua đó rèn luyện cho học sinh kĩ năng hệ thống hóa kiến thức.

“Các hoạt động ứng dụng - củng cố thường có hình thức thực hành hoặc nhiệm vụ thực tiễn. Người học phải làm điều gì cụ thể hoặc hoàn tất một công việc cụ thể, qua đó luyện tập và củng cố những điều đã được học bằng công việc quan hệ và chia sẻ trong lớp, trong nhóm” - thạc sĩ Đoàn Thị Lan lưu ý.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top