Giải pháp tăng hiệu quả dạy học lịch sử địa phương

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Điều này cũng dễ hiểu vì tài liệu cho các tiết lịch sử địa phương không nhiều, muốn dạy tốt giáo viên phải tự sưu tầm tranh ảnh, tư liệu, việc làm này rất tốn thời gian.

Biện pháp tốt nhất giúp học sinh hiểu rõ về lịch sử địa phương mình là cho các em đi tham quan thực tế. Nhưng biện pháp này rất khó thực hiện vì có nhiều trường ở xa các khu di tích lịch sử.

Vậy làm thế nào để giúp học sinh học lịch sử địa phương hiệu quả? Sau đây là những chia sẻ của thầy Lê Minh Tường - Giáo viên Lịch sử Trường THPT Tháp Mười (Đồng Tháp).

Dạy ngoại khóa lịch sử

Các tiết lịch sử địa phương thường cuối chương trình, thời gian này học sinh bị áp lực rất nhiều, nên hiệu quả dạy học không cao. Do vậy, tùy theo điều kiện thời gian giáo viên có thể sắp xếp tránh các ngày cận kỳ thi.

Địa điểm có thể tổ chức ở hội trường, mỗi buổi ngoại khóa khoảng 3 lớp tham gia. Tùy thực tế địa phương giáo viên chọn nội dung cho phù hợp và kết hợp với các sự kiện tiêu biểu của địa phương.

Giảng dạy trên địa bàn Tháp Mười, Đồng Tháp, thầy Lê Minh Tường tổ chức các tiết ngoại khóa lịch sử địa phương như sau:

Về lịch sử tỉnh, chọn lăng cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và khu căn cứ Xẻo Quýt. Đối với 2 di tích này, giáo viên chỉ giới thiệu khái quát, cho học sinh xem một số tranh ảnh, tư liệu liên quan và cung cấp địa chỉ cho các em có dịp đi tham quan.

Giáo viên đi sâu giảng dạy phần lịch sử địa phương huyện Tháp Mười. Trước hết, cho học sinh xem một số ảnh về khu di tích Gò Tháp và phát vấn học sinh:

Những hình ảnh trên nói về khu di tích lịch sử nào? Khu di tích đó ở đâu?Hằng năm khu di tích này tổ chức mấy lần lễ hội và vào thời gian nào?

Giáo viên có thể phát vấn nhiều học sinh để các em biết rõ hơn về khu di tích này sau đó chốt ý bổ sung và nhấn mạnh: Đó là khu di tích Gò Tháp, thuộc nền văn hóa Óc eo, hằng năm tổ chức 2 kì lễ hội vào tháng 3 và tháng 11 âm lịch.

Kết hợp giáo dục tư tưởng học sinh khi đến tham quan khu di tích, ngoài việc vui chơi, các em nên tìm hiểu về lịch sử khu di tích này để có thêm kiến thức giới thiệu cho bạn bè và gia đình.

Bên cạnh tìm hiểu khu di tích Gò Tháp giáo viên có thể phát vấn học sinh về các nội dung liên quan: Hiện nay Đồng Tháp có bao nhiêu di tích được xếp hạng cấp quốc gia? Đó là những di tích nào? Thuộc các huyện nào?

Sau khi học sinh trả lời giáo viên chốt ý: Đồng Tháp hiện có 14 di tích được xếp hạng cấp quốc gia: Lăng cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, Khu di tích Gò Tháp, khu căn cứ Xẻo Quýt, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, Chùa Kiến An Cung, Chùa Bửu Hưng, Đình Phú Hựu, Đình Long Khánh, Đài giao bưu thông tin vô tuyến điện Nam Bộ, Đền thờ Đốc Binh Vàng – Trần Văn Năng, Tượng đài chiến thắng Giồng Thị Đam – Gò Quản Cung, Di tích vụ thảm sát Bình Thành, Đình Định Yên, Đình Tân Phú Trung, trong đó Khu di tích Gò Tháp được xếp hạng đặc biệt cấp quốc gia…

Để cho tiết ngoại khóa thêm sinh động, giáo viên có thể có những phần thưởng nhỏ để khuyến khích bạn trả lời đúng.

Lồng ghép giới thiệu di tích lịch sử địa phương vào buổi chào cờ

Ví dụ, kỉ niệm thắng lợi cách mạng tháng 8/1945, giáo viên có thể tuyên truyền dưới cờ: Dưới sự lãnh đạo của tỉnh ủy Sa Đéc, nhân dân Đồng Tháp tích cực chuẩn bị mọi mặt, sẵn sàng giành chính quyền. Khi thời cơ chín muồi, tỉnh ủy lâm thời Sa Đéc chọn ngày 25/8/1945 làm ngày khởi nghĩa ở quận lỵ Cao Lãnh tỉnh Sa Đéc.

Dưới sự khéo léo và cương quyết của bà Trần Thị Nhượng (đại diện Ủy ban khởi nghĩa), 2 giờ chiều ngày 25/8/1945 tỉnh trưởng Bửu tuyên bố giao chính quyền tỉnh Sa Đéc cho Việt Minh, cùng thời gian đó cách mạng tháng Tám thắng lợi ở nhiều nơi trong tỉnh, kết hợp giới thiệu về bà Trần Thị Nhượng.

Ngoài hai biện pháp trên, giáo viên có thể kết hợp với đoàn trường tổ chức thi tìm hiểu về lịch sử địa phương. Nội dung câu hỏi và tổ chức chấm do tổ lịch sử của trường phụ trách.
Nguồn: giaoducthoidai.vn
 

namvtsongda7

Thành viên dự bị
#3
Giải pháp rất có lý, có lẽ như vậy sẽ thu hút được chú ý của học sinh với môn lịch sử
 

Bình luận bằng Facebook

Top