Giải pháp luyện nói cho học sinh lớp 1

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Nhiều giáo viên cũng xác định đây là một bộ phận quan trọng trong giờ học học vần hoặc tập đọc lớp 1, song vì lượng thời gian dành cho nội dung này còn hạn chế (khoảng 10 phút cuối trong tiết học), nên đôi lúc bị “bỏ qua” hoặc có tiến hành thì chỉ được tổ chức một cách qua quýt.

Còn về phần học sinh thì khả năng luyện nói trong các giờ học này thường chỉ dừng lại ở việc trả lời các câu hỏi trong sách hoặc của giáo viên, rất hiếm có học sinh nào biết tự nói một số câu về chủ đề bài học đưa ra.

Dạy nói cho học sinh lớp 1 phải gắn với cả việc dạy đọc, dạy viết, dạy nghe. Vì vậy khi dạy nội dung này người giáo viên phải có nhiều sáng tạo, linh hoạt, biết kết hợp nhiều phương pháp dạy học trong quá trình lên lớp, biết điều chỉnh những nội dung cần thiết để giờ học đạt kết quả tốt.

Giúp học sinh phát triển lời nói

Để giúp học sinh phát triển lời nói, giáo viên cần biết vận dụng lý thuyết hội thoại vào dạy luyện nói:

Thứ nhất, phải tạo được nhu cầu hội thoại cho học sinh. Việc tạo ra nhu cầu nói năng cho học sinh hết sức quan trọng. Khi có nhu cầu biểu đạt, các em sẽ mạnh dạn, hứng thú, trình bày chân thực hơn những suy nghĩ riêng của mình về đề tài đang được nói đến.

Để tạo ra nhu cầu giao tiếp cho học sinh, giáo viên cần tạo ra những tình huống giao tiếp giả định nhưng phải gần gũi và có sức hấp dẫn, kích thích nhu cầu nói của các em. Khi đã hoà mình vào hoàn cảnh đã nhập vai giao tiếp thì khi ấy các em sẽ thể hiện hết mình, muốn nói thực sự hết mình.

Thứ hai, phải tạo ra được hoàn cảnh giao tiếp tốt. Hoàn cảnh giao tiếp trong giờ Tiếng Việt chính là điều kiện lớp học trong giờ luyện nói, gồm: không khí lớp học, tư thế của giáo viên, các hoạt động nghe của học sinh, trật tự lớp học và một số hoạt động khác có ảnh hưởng gián tiếp đến việc nói năng của học sinh.

Bởi vì học sinh không thể nói trong hoàn cảnh lớp học ồn ào hoặc các em sẽ khó diễn đạt trước cặp mắt nghiêm khắc của giáo viên. Các em sẽ tự tin hơn, phấn khởi hơn trước sự chú ý lắng nghe của các bạn, trước ánh mắt trìu mến hoặc những lời động viên khích lệ của cô giáo.

Khi học sinh đang nói giáo viên không nên ngắt lời một cách tuỳ tiện bởi sự gián đoạn trong lời nói thường làm các em lúng túng, giáo viên chỉ nên sửa sai hoặc uốn nắn khi các em đã kết thúc phần nói của mình.

Rèn kĩ năng nói cho học sinh

Để rèn kĩ năng nói và khả năng diễn đạt cho học sinh thì giáo viên cần phải làm những việc sau:

Xác định và nắm rõ mục tiêu chính của chủ đề luyện nói:

Chính chủ đề là điểm tựa, gợi ý cho phần luyện nói. Gợi ý sao cho tất cả học sinh đều được nói, không đi quá xa với chủ đề. Chẳng hạn như chủ đề. “Nói lời cảm ơn; Con ngoan trò giỏi; Giúp đỡ cha mẹ”… nếu đi quá sâu sẽ lẫn sang tiết Đạo đức. Để khắc phục điều này, giáo viên chỉ định hướng các em câu hỏi gợi ý xoay quanh vấn đề trọng tâm cần luyện nói.

Nắm bắt thực tế về khả năng nói của từng em để đưa ra phương pháp, hình thức dạy cho phù hợp : Phải chuẩn bị hệ thống câu hỏi gợi ý cho từng nhóm đối tượng tuỳ nội dung của từng bài.

Tùy theo từng chủ đề mà tôi có định hướng cho học sinh khi luyện nói, khi đặt câu hỏi để giúp các em biết cách nói cho sát nội dung bài và nói một cách tự nhiên, chủ động không gượng ép.

Tôi phải chuẩn bị và dự trù thêm một số câu hỏi cho từng đối tượng, đi từ câu hỏi khái quát rồi mới gợi ý bằng những câu hỏi nhỏ (Khi các em lúng túng sẽ dễ dàng có cơ sở theo định hướng của cô để rèn nói).

Cần lưu ý để tạo nên ấn tượng tốt cho các em khi giảng dạy nói chung và đàm thoại nói riêng thì người giáo viên phải thực sự gương mẫu trong việc nói năng, nói đủ ý, diễn đạt gãy gọn và trong quá trình rèn luyện cho học sinh qua từng câu, từng bài nên kiên trì, không nóng vội mà quát nạt, giận dỗi hay trách móc học sinh.

Phải hết sức nhã nhặn với các đối tượng trong lớp tạo không khí vui vẻ, phấn trấn giúp các em có cảm giác thoải mái thì hoạt động nói mới diễn ra một cách tự nhiên.

Nên chú trọng tìm hiểu điểm tâm sinh lý, những khó khăn của học sinh trong lớp để có sự sẻ chia, thông cảm, động viên các em nói nhiều và mạnh dạn hơn bắt đầu từ những điều đơn giản nhất, dần dần tăng mức độ khó lên theo thời gian.

Phân chủ đề thành nhiều nhóm để lựa chọn phương pháp và hình thức khác thay đổi cho phù hợp với cá nhân, nhóm, đối thoại, độc thoại…:

Với những chủ đề gần gũi với học sinh như bố mẹ, ba má; quà quê; nhà trẻ; bé và bạn bè; người bạn tốt; bữa cơm, hãy kể với cha mẹ hôm nay ở lớp con đã ngoan thế nào?;… Giáo viên gợi mở cho học sinh nói qua vốn hiểu biết thực tế của các em, lựa chọn những hình thức học tập, trò chơi …

Với một số chủ đề khó hơn, chưa thật phù hợp với thực tế địa phương, giáo viên cần hướng dẫn học sinh nghe - nói một cách linh hoạt, khai thác những nội dung gần gũi với học sinhvà ít nhiều liên quan đến chủ đề (không nhất thiết phải có trong tranh minh hoạ ở sách giáo khoa).

Với một số chủ đề chưa phù hợp thông tư 30: Bài 65, chủ đề Điểm mười – sách Tiếng việt 1 tập 1; Trả lời câu hỏi theo tranh trang 56 sách Tiếng Việt 1 tập 2; Hãy kể với cha mẹ hôm nay ở lớp con đã ngoan thế nào trang 101 sách Tiếng Việt 1 tập hai.

Đây là phần mới vì Thông tư 30 quy định không chấm điểm mà chỉ nhận xét. Vậy, khi có chủ đề này, cần giải thích cho học sinh biết những năm học trước, điểm 10 là số điểm cao nhất tương ứng với những bạn nắm chắc kiến thức, thể hiện tốt kiến thức bài học.

Bên cạnh đó giáo viên có thể định hướng để học sinh nói ra những câu khen học sinh nắm kiến thức và thể hiện tốt bài làm của mình mà hàng ngày giáo viên vẫn làm.

Chuẩn bị đồ dùng học tập đầy đủ và phong phú:

Hình ảnh trong sách giáo khoa là chủ yếu. Tận dụng những vật thật, tranh ảnh có sẵn trong thực tế để làm phương tiện giảng dạy. Ví dụ khi dạy về chủ đề: Dế, cá cờ, bi ve, lá đa, có thể chuẩn bị sẵn những vật thật đó để học sinh có thể quan sát trực tiếp tạo hứng thú cho học sinh. Từ đó gợi ý các em có thể lấy những đồ dùng đó làm những trò chơi dân gian mà trẻ em xưa vẫn chơi.

Lựa chọn phương pháp và hình thức tổ chức dạy học thích hợp:

Gợi ý bằng hệ thống câu hỏi qua phương pháp đàm thoại. Trong quá trình đàm thoại giữa giáo viên và học sinh dựa trên lời nói của học sinh giáo viên sẽ chỉnh sửa câu nói sao cho rõ, gọn, đủ ý diễn đạt theo nội dung của chủ đề.

Sử dụng tranh ảnh, đồ dùng trực quan:

Học sinh quan sát và diễn đạt những gì đã đạt được quan sát khi nhìn tranh. Mỗi tình huống trong tranh là một tình huống thể hiện chủ đề của bài. Khi học sinh đã quen với việc luyện nói, giáo viên sẽ nâng dần hình thức trong quá trình dạy luyện nói.

Tổ chức các hoạt động trò chơi:

Tổ chức các hoạt động trò chơi, tạo hứng thú, giúp các em mạnh dạn, tự tin, tích cực tham gia trong quá trình luyện nói. Ví dụ như chủ đề: Nặn đồ chơi; Áo choàng, áo len, áo sơ mi; Ghế đẩu, ghế xoay, ghế tựa; Phim hoạt hình …. học sinh sẽ được tham gia chơi nặn hình bằng đất, tô màu, vẽ tranh, hoặc chọn các loại áo thích hợp với thời tiết…

Tổ chức luyện nói theo hình thức cá nhân, nhóm đôi, nhóm bốn,…học sinh sẽ tự nói cho nhau nghe, cùng trao đổi những nhận biết và bày tỏ cảm xúc của mình về nội dung chủ đề.

Phương pháp quan sát động viên khen thưởng:

Trong tiết dạy, giáo viên chú ý đến học sinh ít nói, thụ động, đặt câu hỏi dễ động viên các em cùng tham gia nói. Đối với những em khá giỏi, khuyến khích, gợi mở bằng những câu hỏi khái quát hơn để giúp các em tự tin, mạnh dạn trình bày ý kiến, cảm xúc của mình một cách chân thành; tạo không khí lớp học thân thiện, cởi mở, động viên khen thưởng kịp thời nhằm kích thích sự hứng thú, ham học hỏi của các em.

Trong khi dạy luyện nói, chú ý đến rèn kĩ năng nói to, rõ tiếng, nói thành câu, đủ ý diễn đạt, câu nói giàu cảm xúc, ngữ điệu tự nhiên, chân thành.

Vận dụng triệt để thông tư 30 vào quá trình dạy luyện nói:

Bám sát Thông tư để nhận xét động viên học sinh kịp thời, tạo hứng thú cho các em khi học luyện nói.

Ví dụ: Với những em nhút nhát chưa mạnh dạn, nếu trình bày đúng chủ đề nhưng nói còn nhỏ, giáo viên có thể khen: Cô khen con nói đủ ý, đúng chủ đề nhưng nếu con nói to hơn nữa thì sẽ rất hay.

Hoặc với những em khá giỏi, tự tin khi nói, có thể khen: Cô khen con nói đúng chủ đề, rõ ý, to rõ ràng nhưng nếu con biết kết hợp cử chỉ, điệu bộ trong khi nói thì thật là tuyệt vời….
Nguồn: giaoducthoidai.vn
 

Bình luận bằng Facebook

Top