Giải pháp khắc phục hạn chế khi sử dụng phương pháp dạy học dự án

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Đó là, dạy học dự án đòi hỏi nhiều thời gian - đây là trở ngại lớn nhất. Nếu không được bố trí thời gian hoặc giáo viên không có sự linh hoạt thì buộc người thực hiện phải làm việc ngoài giờ.

Không thể áp dụng dạy học dự án tràn lan mà chỉ có thể áp dụng với những nội dung nhất định trong những điều kiện cho phép. Dạy học dự án không thể thay thế phương pháp thuyết trình trong việc truyền thụ những tri thức lý thuyết hay việc thông báo thông tin.

Dạy học dự án đòi hỏi có sự chuẩn bị và lên kế hoạch thật chu đáo thì mới lôi cuốn được người học tham gia một cách tích cực.

Hoạt động thực hành, thực tiễn khi thực hiện dạy học dự án đòi hỏi phương tiện vật chất và tài chính phù hợp…

Với dạy học dự án, giáo viên thường gặp khó khăn khi: Muốn hiểu đúng và đầy đủ về dạy học dự án; thiết kế một dự án vừa gắn với nội dung dạy học vừa gắn với thực tiễn đời sống; tổ chức thực hiện, theo dõi dự án, giám sát tiến độ, quản lý lớp học; đưa ra phản hồi và hỗ trợ khi cần thiết; sử dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ dự án; thiết kế các tiêu chí đánh giá cho một dự án cụ thể.

Giáo viên cần cố gắng tạo cho mình thói quen mới

Với dạy học dự án, giáo viên phải từ bỏ thói quen chỉ đạo mọi hoạt động của học sinh trong quá trình dạy học, cố gắng tạo cho mình thói quen mới: Nói ít, góp ý và tư vấn chứ không ép buộc, dân chủ và bình đẳng trong dạy học, sẵn sàng thay đổi vai trò để trở thành người học trong một số trường hợp, lắng nghe ý kiến của học sinh.

Để xây dựng được một dự án lôi cuốn học sinh và phù hợp với nội dung bài học, giáo viên phải dựa vào mục tiêu bài học, chọn lọc nội dung trong bài liên quan đến thực tiễn để xây dựng dự án. Vấn đề thực tiễn mà giáo viên chọn để thiết kế dự án nên là một vấn đề thời sự hay một sự kiện thực tế đang được xã hội quan tâm thì dự án mới hấp dẫn và cuốn hút học sinh.

Xây dựng một lịch trình đánh giá hiệu quả đòi hỏi giáo viên cần thực hiện các công việc sau: Trước khi lập kế hoạch đánh giá, giáo viên cần xác định rõ mục đích của việc đánh giá là:

Đánh giá nhu cầu học sinh; khuyến khích việc học tập có định hướng và hợp tác, theo dõi tự tiến bộ của học sinh; kiểm tra mức độ lĩnh hội kiến thức của học sinh.

Sau khi xác định được mục tiêu đánh giá, giáo viên cần tự đặt cho mình các câu hỏi như:

Ai sẽ đánh giá: Bản thân từng học sinh, các bạn trong lớp hay chính giáo viên là người đánh giá? Việc đánh giá sẽ diễn ra vào lúc nào? Phải sử dụng những công cụ đánh giá nào?

Trong lịch trình đánh giá, giáo viên có thể dùng Bảng tiêu chí đánh giá sản phẩm dự án. Bảng tiêu chí này không chỉ là công cụ để giáo viên đánh giá học sinh trong và sau dự án mà còn là công cụ để học sinh tự định hướng trong quá trình thực hiện dự án. Các tiêu chí đánh giá phải được giáo viên xây dựng cụ thể, vừa tầm với học sinh.

Theo dõi và tư vấn cho học sinh trong quá trình thực hiện dự án, giúp học sinh tự định hướng và tiến bộ là quá trình khó khăn và làm mất nhiều thời gian của giáo viên. Nếu có điều kiện, giáo viên có thể lập wiki, diễn đàn… để tiện việc theo dõi, phản hồi hay tham vấn cho học sinh khi cần.

Đối với các hoạt động diễn ra trên lớp, giáo viên phải ghi chép mọi hoạt động của học sinh để theo dõi sự tiến bộ của các em. Giáo viên cần thường xuyên lắng nghe các ý kiến thảo luận của học sinh một cách dân chủ và khuyến khích sự sáng tạo, ý tưởng mới lạ của các em.

Để có thời gian cho dự án, giáo viên có thể tận dụng những phút cuối giờ trong mỗi tiết dạy để trao đổi thông tin với các nhóm học sinh về dự án hay sử dựng các phương tiện công nghệ thông tin để hỗ trợ…

Học sinh làm tốt vai trò “đóng vai”

Là trung tâm của mọi hoạt động học tập, phải tư duy nhiều hơn khi học tập theo dự án, mỗi học sinh phải biết tự mình vượt qua “sức ỳ” cá nhân, chiến thắng thói quen lười hoạt động, lười suy nghĩ của mình.

Để thực hiện dự án, học sinh phải đóng những vai có thực trong xã hội để tự mình tìm kiếm thông tin và giải quyết công việc. Học sinh cần tìm hiểu xem trong xã hội, những vai mình được giao thường làm những công việc gì, có vai trò, nhiệm vụ gì.

Nắm vững những điều đó, học sinh sẽ thực hiện dự án theo đúng mục tiêu đã đề ra và xây dựng sản phẩm dự án có chất lượng.

Học sinh cần có kĩ năng làm việc theo nhóm khi thực hiện dự án. Theo kết quả thu được sau khi thực hiện điều tra thực trạng sử dụng phương pháp học theo dự án, việc hợp tác tốt và phân chia công việc với các bạn trong nhóm là một trong những khó khăn lớn nhất đối với học sinh.

Để học sinh có thể phối hợp tốt với nhau thì tự bản thân các em phải trang bị cho mình một số kĩ năng cộng tác.

Thứ nhất: Nghe tích cực và phê bình mang tính xây dựng. Có nghĩa là lắng nghe, suy nghĩ về những điều người khác nói và kiểm tra xem mình hiểu ý của người nói đến mức nào trước khi đưa ra ý kiến phản hồi. Trong những buổi làm việc nhóm, học sinh có kĩ năng nghe tích cực và phê bình mang tính xây dựng sẽ giúp cuộc thảo luận của nhóm diễn ra nghiêm túc, hiệu quả, kích thích được sự sáng tạo của mọi thành viên trong nhóm.

Thứ 2: Hợp tác - đây không chỉ đơn thuần là việc học sinh “làm việc cùng nhau” mà là cùng hợp tác trong học tập. Hợp tác theo nhóm giúp học sinh thực hiện dự án dễ dàng hơn, hiệu quả hơn.

Một vấn đề khiến nhiều giáo viên, học sinh và phụ huynh rất băn khoăn khi học sinh làm việc nhóm là đa phần các học sinh khá giỏi đảm nhiệm hết các công việc của nhóm. Do vậy, hiệu quả công việc không cao, không có sự công bằng giữa các thành viên trong nhóm…

Để việc học tập hợp tác hiệu quả hơn và để sử dụng tối u thời gian trên lớp, học sinh cần phải xác định rõ mục tiêu của nhóm và trách nhiệm của từng cá nhân trong nhóm, có sự kiểm tra và đánh giá công việc giữa các thành viên trong nhóm dưới sự hướng dẫn và giám sát của giáo viên.

Khi có sự phân chia công việc hợp lí giữa các thành viên trong nhóm và có sự giám sát, đánh giá của tập thể nhóm và giáo viên, học sinh sẽ ý thức hơn về trách nhiệm của mình và sẽ phải cố gắng hoàn thành tốt công việc được giao.

Thứ 3: Chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau trong công việc. Trong nhóm cần có sự phân công công việc hợp lí để từng thành viên trong nhóm ý thức được vai trò và trách nhiệm của mình.

Tuy nhiên, với sự phân chia công việc đó, không phải thành viên nào cũng dễ dàng hoàn thành nhiệm vụ vì những lí do khác nhau về điều kiện khách quan hay về năng lực cá nhân. Trong những tình huống như vậy, sự chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau của các thành viên trong nhóm là rất cần thiết.

Để lập được một kế hoạch khả thi, tất cả các thành viên trong nhóm phải cùng nhau xác định mục tiêu cần hướng tới, nhiệm vụ phải làm, sản phẩm dự kiến, cách triển khai thực hiện dự án, phân công công việc, thời gian thực hiện và hoàn thành sản phẩm.

Trong nhiệm vụ định hướng học tập và tự đánh giá sự tiến bộ của bản thân, học sinh cần phải: Bám sát mục tiêu dự án; bám sát bộ câu hỏi định hướng; làm việc theo kế hoạch đã đặt ra; phối hợp với giáo viên để đánh giá bản thân và các thành viên trong nhóm; theo sát các tiêu chí giáo viên đưa ra; tham khảo ý kiến của các thành viên trong nhóm và giáo viên khi cần thiết.

Giúp học sinh quản lí thời gian hiệu quả khi học tập theo dự án

Dạy học dự án đòi hỏi sự nỗ lực làm việc của cả giáo viên và học sinh. Để khỏi mất nhiều thời gian với khối lượng công việc khá lớn thì việc sắp xếp một thời gian biểu và làm việc một cách khoa học là rất cần thiết đối với học sinh. Một số biện pháp sau giúp học sinh quản lí được thời gian hiệu quả khi học tập theo dự án:
Lập thời gian biểu cụ thể cho từng ngày. Làm việc theo thời gian và kế hoạch mà nhóm đã vạch ra để đảm bảo công việc hoàn tất đúng tiến độ. Thảo luận, chia sẻ thông tin qua các mạng xã hội hoặc các trang web cộng tác. Các thành viên trong nhóm thường xuyên kiểm tra và đốc thúc lẫn nhau trong mọi công việc.
Nguồn: giaoducthoidai.vn
 

Bình luận bằng Facebook

Top