Giải pháp đột phá thiết lập môi trường học ngoại ngữ trong nhà trường

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Tổ chức ngày hội văn hóa nhằm tạo môi trường học Ngoại ngữ tại Trường THPT Dương Quảng Hàm


Sau 3 năm triển khai, nhà trường trở thành đơn vị tiên phong, đi đầu trong việc đổi mới về hình thức, nội dung dạy học, tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo hỗ trợ dạy học Ngoại ngữ, khai thác hiệu quả các phương tiện, thiết bị dạy học của tỉnh Hưng Yên.

Từ kinh nghiệm triển khai, thầy Nguyễn Văn Thiều - Hiệu trưởng Trường THPT Dương Quảng Hàm - chia sẻ những giải pháp sáng tạo, đột phá trong tổ chức hoạt động thiết lập môi trường học ngoại ngữ trong nhà trường, bước đầu xây dựng trường điển hình đổi mới dạy học Ngoại ngữ theo đề án NNQG 2020.

Phải làm mới công tác tuyên truyền

Khẳng định tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ giáo viên, phụ huynh, học sinh là vô cùng quan trọng, thầy Nguyễn Văn Thiều cũng cho rằng, cách làm cần phải đổi mới.

Đơn cử, trước đây, hiệu trưởng, BGH tổ chức hội nghị quán triệt nội dung chỉ đạo của các cấp quản lý giáo dục, sau đó yêu cầu các tổ, nhóm chuyên môn xây dựng kế hoạch, thực hiện - đó là cách làm cũ, kém hiệu quả.

Thay vào đó, công văn chỉ đạo của Bộ và Sở GD&ĐT được trường gửi mail đến BGH, tổ trưởng chuyên môn, giáo viên Tiếng Anh, giáo viên dạy song ngữ trước khi tổ chức sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn. Hiệu trưởng chỉ đạo giáo viên nghiên cứu tài liệu, truy cập mạng internet, bổ sung thông tin, sau đó mới tổ chức hội nghị quán triệt nội dung chỉ đạo công tác xây dựng trường điển hình trong cán bộ giáo viên.

Với việc tuyên truyền cho phụ huynh cũng vậy. Theo thầy Nguyễn Văn Thiều, cách nhiều trường hay làm là BGH yêu cầu giáo viên chủ nhiệm tuyên truyền, quán triệt nội dung dạy học trong các hội nghị phụ huynh học sinh đầu năm, giữa kỳ và cuối năm học.

Tuy nhiên, sẽ hiệu quả hơn nếu BGH tổ chức hội nghị toàn thể phụ huynh theo khối lớp, hiệu trưởng chủ trì việc tuyên truyền, quán triệt nội dung xây dựng trường điển hình đổi mới dạy học Ngoại ngữ. Nhà trường tổ chức tọa đàm về thực hiện chương trình thí điểm tiếng Anh đối với phụ huynh có con em theo học.

Với học sinh, thay vì để đại diện BGH, giáo viên chủ nhiệm quán triệt nội dung chỉ đạo hoạt động dạy học trong các giờ chào cờ đầu tuần, giờ sinh hoạt lớp, BGH sẽ chỉ đạo Thường trực đoàn trường và giáo viên chủ nhiệm xây dựng, trình diễn các tiểu phẩm với chủ đề xây dựng môi trường học tiếng trong các giờ chào cờ đầu tuần và giờ sinh hoạt lớp.

“Tại Trường THPT Dương Quảng Hàm, các lớp, trước hết là lớp học chương trình thí điểm, lớp có nhiều học sinh tham gia học chuyên đề Tiếng Anh chuẩn bị, tập luyện và đăng ký trình diễn các tiểu phẩm với thời lượng từ 7 đến 10 phút vào giờ chào cờ đầu tuần, giờ sinh hoạt lớp. Với cách làm này, học sinh phấn khởi, tích cực tham gia các hoạt động tuyên truyền hơn rất nhiều” – thầy Nguyễn Văn Thiều chia sẻ.



Tổ chức Lễ hội Halloween tại lớp 10A1 Trường THPT Dương Quảng Hàm


Tích cực xây dựng môi trường học tiếng

Môi trường học tiếng rất quan trọng giúp nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh trong nhà trường. Ở trường Dương Quảng Hàm, môi trường dạy học tiếng Anh được thể hiện qua sự quan tâm của lãnh đạo nhà trường với giáo viên, học sinh, tạo mọi điều kiện để giáo viên, học sinh nâng cao trình độ.

Thầy Nguyễn Văn Thiều chia sẻ, nếu như trước đây, Hiệu trưởng động viên khuyến khích giáo viên Tiếng Anh, giáo viên bộ môn Toán, Lý, Hóa tự bồi dưỡng và tham gia các lớp tập huấn do Sở và Bộ GD&ĐT tổ chức, thì nay, lãnh đạo nhà trường cùng giáo viên xây dựng kế hoạch tự bồi dưỡng, tìm kiếm cơ hội tham gia học tập, bồi dưỡng, tham dự tọa đàm và hội thảo khoa học. Trường đồng thời khuyến khích giáo viên tham gia dạy song ngữ năm học thứ nhất 30.000đ/tiết, năm thứ hai 40.000/tiết, năm thứ ba trở lên 50.000/tiết.

Để nâng cao trình độ tiếng Anh của học sinh, kích thích niềm đam mê với môn học, từ năm học 2012-2013 đến nay, trường liên tục tổ chức cho học sinh tham dự các kỳ thi chọn HSG giải toán bằng Tiếng Anh. Cùng với đó, tổ chức cho học sinh học tập, rèn luyện kỹ năng mềm tại các trung tâm Anh ngữ và các trường THPT điển hình đổi mới dạy học Ngoại ngữ. Tổ chức hoạt động trải nghiệm nâng cao năng lực nghe, nói Tiếng Anh cho học sinh theo lớp học, theo khối lớp và liên hoan Anh ngữ cấp trường (thực hiện từ năm học 2014-2015). Tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực nghe, nói Tiếng Anh do giáo viên người nước ngoài trực tiếp giảng dạy (thực hiện từ năm học 2015-2016.

Trong hoạt động trải nghiệm nâng cao năng lực nghe, nói Tiếng Anh, tất cả giáo viên Tiếng Anh và giáo viên dạy song ngữ đều tham gia và phụ trách các nội dung trong kế hoạch tổng thể của nhà trường, trong kế hoạch hoạt động của tổ chuyên môn và trong kế hoạch của giáo viên. Ban giám hiệu chỉ đạo tổ chuyên môn và giáo viên xây dựng kế hoạch hoạt động trải nghiệm theo các cấp độ: giờ học trên lớp, theo khối lớp và liên hoan Anh ngữ cấp trường.

Học sinh tiếp cận với các hình thức trải nghiệm bằng Tiếng Anh: Hùng biện, sân chơi trí tuệ, văn hóa ẩm thực, văn hóa lễ hội, văn hóa tình yêu tiền hôn nhân, giới thiệu di tích lịch sử, hoa cây cảnh và các sản vật của địa phương.

Trải nghiệm trên lớp học hướng tới các hoạt động như tổ chức sinh nhật giáo viên và học sinh, kỷ niệm các ngày lễ, các chủ đề liên quan đến thầy cô và mái trường, tệ nạn xã hội, các vấn nạn học sinh hay mắc phải, thi hùng biện tranh cử các chức vụ trong trường trong lớp, thi làm profile,... Hoạt động này được giáo viên Tiếng Anh, giáo viên chủ nhiệm lớp thực hiện thường xuyên trong giờ sinh hoạt lớp và một số tiết học Tiếng Anh.

Trên cơ sở các hoạt động trải nghiệm trên lớp, Ban giám hiệu chỉ đạo tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch hoạt động trải nghiệm theo khối lớp: Tổ chức 1 lần/học kỳ với tổ hợp các nội dung như thi làm thiệp Tiếng Anh các ngày lễ lớn và tổ chức ngày hội văn hóa các nước bản địa hoặc tổ chức thi rung chuông vàng, sân chơi trí tuệ,...

Với trải nghiệm cấp trường (Liên hoan Anh ngữ), Hiệu trưởng sẽ trực tiếp xây dựng kế hoạch, ban hành quyết định thành lập ban chỉ đạo, ban tổ chức và các tiểu ban chuyên môn; phân bổ và huy động các nguồn lực tài chính đảm bảo cho các ban hoạt động trải nghiệm hoàn thành mục tiêu của kế hoạch đề ra…

Việc đổi mới nội dung trang trí lớp học, tựa đề Pano sân trường thông qua các danh ngôn, tục ngữ bằng Tiếng Việt và Tiếng Anh cũng được chú trọng.

“Chúng tôi thực hiện việc này từ năm học 2015-2016. Theo đó, các thông tin tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh trong lớp học, ngoài sân trường được viết bằng hai thứ tiếng: Tiếng Việt và Tiếng Anh. Nội dung tuyên truyền ngoài sân trường là những danh ngôn, tục ngữ liên quan đến phẩm chất đạo đức, lối sống và nhân cách học sinh.

Chỉ việc làm đơn giản như vậy nhưng giúp cả thầy và trò có cảm quan mới về không gian môi trường học tiếng. Học sinh tích cực nghiên cứu, thường xuyên bổ sung các thông tin làm giàu nội dung tuyên truyền giáo dục và đặc biệt là thái độ ứng xử với môn học” – thầy Nguyễn Văn Thiều chia sẻ.

Mỗi tuần có 1 “Ngày tiếng Anh”

Thầy Nguyễn Văn Thiều cho biết: Trên cơ sở kế hoạch thời khóa biểu thực hiện chương trình dạy học, Ban giám hiệu nhà trường sắp xếp thời khóa biểu định kỳ “Ngày Tiếng Anh” trong tuần với mục đích học sinh được bổ sung không gian, thời gian tăng cường môi trường thực hành tiếng, làm phong phú nội dung học tập, nghiên cứu khoa học.
Hiệu quả của việc này rất khả quan. Học sinh phấn khởi, tích cực trong sử dụng Tiếng Anh trao đổi bài, tiếp cận tài liệu với thầy cô và bạn bè làm phong phú nội dung tiết học. Giáo viên tăng cường trách nhiệm, bồi dưỡng và tự hoàn thiện nâng cao chất lượng thiết kế, thi công bài giảng phù hợp với đối tượng học sinh, hỗ trợ việc tạo lập môi trường học tiếng trong nhà trường.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top