Giải pháp đổi mới dạy học Lịch sử, Địa lý năm học 2016 - 2017

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Tăng cường dạy học tích hợp, liên môn

Thực hiện dạy học tích hợp, liên môn là nội dung được nhấn mạnh trong chỉ đạo triển khai dạy học Lịch sử và Địa lý của Sở GD&ĐT Bến Tre trong năm học mới. Theo đó, tổ/nhóm chuyên môn chủ động lựa chọn nội dung xây dựng các chủ đề dạy học trong mỗi môn học và các chủ đề tích hợp, liên môn; đồng thời xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp với các chủ đề và theo hình thức, phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực.

Cùng với đó, tăng cường các hoạt động nhằm giúp học sinh vận dụng kiến thức liên môn vào giải quyết các vấn đề thực tiễn; chú trọng lồng ghép các nội dung giáo dục đạo đức và giá trị sống, rèn luyện kỹ năng sống, hiểu biết xã hội, thực hành pháp luật.

Kế hoạch dạy học của tổ nhóm chuyên môn, giáo viên phải được lãnh đạo nhà trường phê duyệt trước khi thực hiện và là căn cứ kiểm tra, giám sát, nhận xét, góp ý trong quá trình thực hiện.

Bên cạnh yêu cầu tiếp tục tổ chức dạy học Chương trình Lịch sử, Địa lý địa phương theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT, theo ông Nguyễn Văn Huấn, việc tiếp tục thực hiện tích hợp giáo dục (học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, giáo dục pháp luật, giáo dục phòng chống tham nhũng, giáo dục chủ quyền quốc gia về biên giới, biển, đảo; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; bảo vệ môi trường; đa dạng sinh học và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên; ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai; giáo dục an toàn giao thông,...) phù hợp với bộ môn được coi trọng với lưu ý tránh gượng ép và nặng nề quá tải đối với học sinh.

Đổi mới tổ chức hoạt động dạy học

Đổi mới hoạt động của tổ chuyên môn là một nội dung được lưu ý nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy Lịch sử và Địa lý. Nhấn mạnh điều này, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bến Tre cho biết, Sở GD&ĐT đã yêu cầu trên cơ sở kế hoạch dạy học đã được phê duyệt, tổ chuyên môn tổ chức sinh hoạt chuyên môn qua việc nghiên cứu bài học, dành nhiều thời gian để trao đổi, rút kinh nghiệm tổ chức các phương pháp, hình thức dạy học tích cực; chú trọng các hình thức tổ chức dạy học theo dự án, dạy học tại thực địa,...

Tăng cường sử dụng tài khoản giáo viên trên trang “Trường học kết nối” để tiến hành sinh hoạt chuyên môn của tổ chuyên môn nhà trường, liên trường.

Cùng với đổi mới sinh hoạt tổ chuyên môn là đổi mới phương pháp, hình thức dạy học. Theo đó, đẩy mạnh vận dụng các phương pháp, hình thức dạy học tích cực như dạy học giải quyết vấn đề, dạy học theo dự án, dạy học tích hợp - liên môn; ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp theo chủ đề, bài học.

Triệt để khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc; chú trọng rèn luyện phương pháp tự học và vận dụng kiến thức, kỹ năng của học sinh vào giải quyết các vấn đề thực tiễn. Tổ chức tốt việc dạy học phân hoá theo năng lực của học sinh, đồng thời bảo đảm đúng chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình bộ môn.

Các nhà trường cũng được yêu cầu đẩy mạnh tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo gắn với nội dung, chương trình của bộ môn, đặc biệt là chương trình Lịch sử, Địa lý địa phương.

Mỗi cụm sinh hoạt chuyên môn của các huyện cần thống nhất tổ chức ít nhất một hoạt động trải nghiệm để rút kinh nghiệm mỗi học kỳ, xem đó là hoạt động chuyên môn trọng tâm nhằm tích cực hóa hoạt động dạy học, giúp học sinh thích học bộ môn và gắn kiến thức được học với thực tiễn cuộc sống.

Các trường mang tên danh nhân phải đảm bảo giáo viên và học sinh có hiểu biết về danh nhân mà trường được mang tên, góp phần thực hiện tốt chương trình của UBND tỉnh về phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể phục vụ giáo dục truyền thống và du lịch giai đoạn 2016 - 2020.

Tích hợp, lồng ghép những nội dung về lịch sử, địa lý, chính trị, xã hội của đất nước, của địa phương bằng nhiều hình thức và phù hợp với điều kiện của nhà trường như: Tổ chức những hoạt động ngoại khóa nhân dịp các ngày lễ lớn; tổ chức hình thức “đố vui để học”, các gameshow, giờ dạy học tại thực địa gắn liền với những di tích lịch sử, văn hóa,... trên địa bàn.

Tổ chức, hướng dẫn học sinh làm quen và chọn các đề tài nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn; tham gia các cuộc thi do Sở GD&ĐT tổ chức như: Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học, Vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các tình huống thực tiễn; Tìm hiểu di sản văn hóa, lịch sử của địa phương,...

Cuối cùng, rà soát, trang bị bổ sung sách giáo khoa, tài liệu, thiết bị dạy học bộ môn cho thư viện trường, giáo viên và học sinh; bảo đảm học sinh có đủ sách, tài liệu, bản đồ... để học tốt chương trình Lịch sử, Địa lý địa phương, cũng như để bổ trợ cho tổ chức các hoạt động giáo dục gắn với thực tiễn, trải nghiệm sáng tạo,...

Đổi mới kiểm tra, đánh giá

Chia sẻ về giải pháp của Sở GD&ĐT Bến Tre trong thực hiện đổi mới kiểm tra, đánh giá, ông Nguyễn Văn Huấn nhấn mạnh việc thực hiện nghiêm túc kiểm tra, đánh giá đúng quy chế ở tất cả các khâu ra đề, coi chấm và nhận xét, đánh giá học sinh trong việc thi, kiểm tra; đảm bảo thực chất, khách quan, công bằng, đánh giá đúng năng lực, sự tiến bộ của học sinh.

Kết hợp tốt giữa đánh giá thường xuyên và đánh giá quá trình học tập; đánh giá bằng cho điểm và nhận xét sự tiến bộ của học sinh. Chú ý hướng dẫn học sinh đánh giá lẫn nhau và biết tự đánh giá năng lực của mình.

Tiếp tục nâng cao yêu cầu vận dụng kiến thức vào thực tiễn, tăng cường ra các câu hỏi mở, gắn với thời sự quê hương, đất nước để học sinh được bày tỏ chính kiến của mình về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội.

Quan tâm đến việc kiểm tra đánh giá các nội dung của chương trình Lịch sử, Địa lý địa phương. Khi chấm bài kiểm tra phải có phần nhận xét, động viên sự cố gắng, tiến bộ của học sinh.

Tiếp tục xây dựng “Nguồn học liệu mở” gồm ngân hàng đề kiểm tra, đề thi biên soạn theo ma trận, kế hoạch bài dạy, hệ thống các câu hỏi theo định hướng phát triển năng lực, gắn liền với thực tiễn, ... đăng tải trên website của đơn vị để làm tư liệu tham khảo cho giáo viên và học sinh trong quá trình giảng dạy và học tập.
Nguồn: giaoducthoidai.vn
 

Bình luận bằng Facebook

Top