Giải pháp chỉ đạo giúp giáo viên nhanh chóng tiếp cận mô hình VNEN

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Vì lẽ đó, lãnh đạo nhà trường cần chỉ đạo giáo viên mạnh dạn tập trung đổi mới các hoạt động sư phạm của mình như: Chỉ đạo đổi mới hình thức tổ chức dạy học, nội dung, phương pháp dạy học; chỉ đạo đổi mới đánh giá và trang trí lớp học theo mô hình trường tiểu học mới VNEN.

Chỉ đạo đổi mới hình thức tổ chức dạy học

Tổ chức dạy học theo hướng lấy học sinh làm trung tâm, do vậy việc bố trí học sinh/lớp đảm bảo tỉ lệ bình quân 32 học sinh/lớp; học 2 buổi/ngày (9 - 10 buổi/tuần); mỗi lớp 1 phòng học độc lập với đầy đủ trang thiết bị cần thiết.

Sắp xếp bàn ghế theo từng nhóm, mỗi nhóm nhiều nhất từ 5 đến 6 học sinh. Lớp có Hội đồng tự quản, được rèn luyện các kỹ năng, thói quen trong các hoạt động tự quản và được tập huấn thường xuyên hàng tuần, hàng tháng.

Lớp học được trang trí với góc học tập, hộp thư, sơ đồ cộng đồng, theo dõi chuyên cần, nội qui lớp học, trưng bày sản phẩm, bảng thi đua...

Giáo viên và học sinh được trang bị tài liệu dạy và học, có tủ, kệ tại lớp để chưng bày sách vở, phương tiên dạy học hợp lý.

Chỉ đạo đổi mới về nội dung, phương pháp dạy và học

Tổ chức phân nhóm học sinh và rèn nề nếp học tập, kĩ năng điều hành cho Hội đồng tự quản, nhóm trưởng ... ngay từ đầu năm học.

Thực hiện nghiêm túc mọi sự chỉ đạo của nhà trường và của tổ chuyên môn về chương trình mới VNEN: Thực hiện theo 5 bước giảng dạy và 10 bước học tập của học sinh, điều chỉnh nội dung, hình thức học tập phù hợp với đặc điểm tình hình học sinh/lớp; đo tiến độ học tập, chất lượng học học tập bao gồm kiến thước, kỹ năng và phẩm chất đúng tình thần đã được tập huấn.

Thường xuyên đầu tư, nghiên cứu tài liệu (như lô gô, câu lệnh, ngữ liệu, 15 hình ảnh không rõ ...) để thống nhất trong tổ về cách điều chỉnh cho phù hợp; đồng thời nhằm hiểu dụng ý của tài liệu và nắm chắc nội dung bài dạy để linh hoạt, sáng tạo trong sử dụng tài liệu, hướng dẫn học tập phù hợp với đối tượng học sinh của lớp và đặc điểm của tiết học.

Làm tốt công tác tổ chức lớp học theo mô hình trường học mới. Thường xuyên sử dụng các công cụ hỗ trợ học tập được trang trí ở trên lớp (Bảng thi đua, hộp thư vui, hộp thư cá nhân ...) vào quá trình học tập nhằm gây hứng thú học tập cho học sinh và tạo không khí lớp học thoải mái.

Phát huy vai trò của các thành viên trong Hội đồng tự quản lớp, đội ngũ nhóm trưởng trong các hoạt động dạy học. Thực hiện luân phiên thành viên Hội đồng tự quản, đội ngũ nhóm trưởng và cơ cấu nhóm để nhiều học sinh trong lớp có cơ hội thể hiện bản thân, học sinh trong lớp được hợp tác với tất cả các bạn trong lớp.

Giáo viên thực hiện khá nhuần nhuyễn 5 bước giảng dạy khi lên lớp. Đã nắm bắt, phân loại đối tượng học sinh trong lớp để kèm cặp giúp đỡ học sinh một cách chủ động.

Linh hoạt chủ động điều chỉnh nhịp độ học tập tùy theo đối tượng học sinh của mình; thực hiện ghi chép nhật kí cụ thể ở mỗi bài dạy để điều chỉnh, rút kinh nghiệm khi gặp những vướng mắc về nội dung, hình thức tổ chức các hoạt động theo tài liệu. Có sổ theo dõi, nhận xét kết quả học tập của học sinh qua từng bài, từng thời điểm cụ thể. Thường xuyên khen ngợi, khích lệ học sinh trong học tập

Tham gia đầy đủ các hoạt động chuyên môn của tổ khối cũng như của nhà trường, cụm chuyên môn như thao giảng, dự giờ để học hỏi lẫn nhau và tích luỹ kinh nghiệm trong dạy học theo mô hình trường học mới.

Chuẩn bị chu đáo đồ dùng dạy học: Phiếu bài tập, hình ảnh, đồ dùng trực quan...; dự kiến tình huống trả lời, đáp án các câu hỏi, bài tập... ; học sinh được trang bị đồ dùng học tập và Tài liệu hướng dẫn dạy học.

Được tương tác với các bạn trong nhóm; được tự đánh giá quá trình học tập của bản thân; khẳng định được vai trò của mình trong điều hành các bạn trong nhóm học tập; trong các hoạt động của lớp học sinh khá nhuần nhuyễn trong việc thực hiện theo 10 bước học tập.

Chỉ đạo đổi mới đánh giá

Động viên học sinh là chính, giúp học sinh tự tin, hứng thú, tiến bộ trong học tập. Đánh giá cả quá trình học tập, không chỉ đánh giá kết quả học tập; đánh giá năng lực. Tự đánh giá là chính (bản thân, nhóm, tổ);

Giáo viên đánh giá thường xuyên qua theo dõi, hướng dẫn trong quá trình; kiểm tra kết quả; đánh giá quá trình, đánh giá năng lực…

Mỗi học sinh tự đánh giá, đánh giá trong nhóm, trong nhóm đôi quá trình học tập của mình. Đánh giá thông qua sự tham gia vào hoạt động học, thời gian hoàn thành, thứ tự hoàn thành công việc trong nhóm, kết quả học tập.

Đánh giá sự tiến bộ về kiến thức, kĩ năng, khả năng tự học, khả năng giao tiếp, hợp tác, khả năng độc lập, sáng tạo.

Giáo viên đánh giá học sinh thông qua: Quan sát sự tích cực, sẵn sàng học tập, sự hợp tác,…; năng lực học tập như nhận thức, linh hoạt, độc lập, sáng tạo; năng lực xã hội như giao tiếp, hợp tác, thích ứng; kiểm tra vấn đáp, viết; hoạt động thực tiễn, câu lạc bộ, chuyên đề,... Đánh giá thường xuyên, toàn diện, cụ thể là quan trọng nhất.

Các môn học Đạo đức, Âm nhạc, Mĩ thuật, Thủ công, Thể dục hiện nay đã được thiết kế các bài dạy theo hướng tổ chức các hoạt động giáo dục. Đánh giá bằng nhận xét nhẹ nhàng (không nặng nề, nhồi nhét, áp đặt). Trong mô hình VNEN, các môn học này được coi là các hoạt động giáo dục, góp phần tích cực đào tạo con người toàn diện.

Đánh giá không nặng về kiến thức, hướng vào phát triển các kĩ năng cần thiết, phát triển năng lực cho học sinh.

Tích hợp các nội dung vào các môn Tiếng Việt, Toán, Tự nhiên - xã hội - Đạo đức, Âm nhạc tích hợp vào Tiếng Việt để giáo dục lòng yêu quê hương, đất nước, con người; Mĩ thuật, Thủ công tích hợp để làm ra các sản phẩm giáo dục, làm các đồ dùng dạy học để học các môn học;

Thể dục tổ chức các sân chơi, trò chơi vận động, phát triển thể chất, tinh thần; ý thức tổ chức, kỉ luật cho học sinh. Mục đích nhẹ nhàng về kiến thức, tích hợp các nội dung, phong phú về tổ chức nhằm mục tiêu chung phát triển con người.

Chỉ đạo trang trí lớp học theo mô hình VNEN

Ngay từ đầu năm học, hiệu trưởng cần chủ động hướng dẫn giáo viên kết hợp với cha mẹ học sinh , với học sinh để trang trí lớp học theo mô hình VNEN.

Tại Trường tiểu học A Trực Đại (Nam Định), xung quanh lớp học được trang trí các phương tiện hỗ trợ học tập như: 10 bước học tập; sơ đồ Hội đồng tự quản; góc học tập của em; góc chờ; góc thư viện; góc sinh nhật; góc môi trường; hộp thông tin “Điều em muốn nói”; hộp thư cá nhân; nội quy lớp học; sơ đồ cộng đồng... Tất cả đã tạo nên một không gian và môi trường học tập thân thiện.

Giáo viên và học sinh thường xuyên sử dụng các công cụ hỗ trợ học tập được trang trí ở trên lớp (Bảng thi đua, hộp thư vui, hộp thư cá nhân, góc chờ, góc học tập ...) vào quá trình học tập nhằm gây hứng thú học tập cho học sinh và tạo không khí lớp học thoải mái nâng cao hiệu quả giờ lên lớp.
Nguồn: giaoducthoidai.vn
 

Bình luận bằng Facebook

Top