Nơi bắt đầu hạnh phúc
Đối với các em học sinh, mỗi ngày đến trường là một ngày vui vẻ và học được, khám phá được những điều mới mẻ về tri thức, kỹ năng sống và được sống trong sự yêu thương, đoàn kết, thấu hiểu của thầy cô và bè bạn. Tuy nhiên, để có được niềm vui ấy, điều kiện không thể thiếu là gia đình, nơi bắt nguồn tình yêu thương, sự nuôi dưỡng, dạy bảo, nguồn cội của niềm vui trong mỗi học sinh.
Thực tế cho thấy, thời gian các em học sinh ở nhà, được sống với cha mẹ, người thân, đó là không gian gia đình ấm áp tình thân, nơi các em được chở che, được chăm sóc và được dạy bảo những điều cần thiết về nhân cách, lối sống. Mỗi học sinh sẽ có một hoàn cảnh riêng, không ai giống ai, tuy nhiên, ngọn lửa yêu thương trong mỗi gia đình sẽ làm nên bao điều hạnh phúc cho các em bước chân đến trường.
Hạnh phúc của học sinh từ gia đình có nhiều biểu hiện khác nhau, mỗi gia đình có một cách quan tâm riêng đến con em mình. Cụ thể là các yếu tố xuất phát từ cha mẹ, người thân như sự chăm sóc vật chất và tinh thần, yêu thương, dạy bảo, lắng nghe, thấu hiểu, tôn trọng, sự nghiêm khắc... sẽ có tác động không nhỏ đến nhân cách, kỹ năng sống và điều quan trọng là giúp cho mỗi học sinh có nhiều niềm vui trong cuộc sống. Với các em, gia đình là chỗ dựa tinh thần vững chắc nhất, là nơi các em được sinh ra và cũng là nơi đón các em trở về.
Ngày ngày, các em đến trường, khi còn nhỏ, cha mẹ đưa đón các em đến tận cổng trường dù công việc có bận rộn đến mấy, những bữa cơm gia đình ấm áp mỗi khi các em tan lớp về nhà... Đó là những hạt giống để làm nên hạnh phúc trong mỗi gia đình, hạnh phúc trong mỗi đứa con. Chỉ khi nào gia đình, cha mẹ hòa thuận, con cái vui vẻ, hiếu thảo, cha mẹ làm gương cho con, biết lắng nghe tâm tư nguyện vọng của con, định hướng cho con những điều hay lẽ phải và biết động viên con khi các con gặp phải chuyện buồn thì chắc chắn hạnh phúc trong gia đình sẽ luôn trào dâng, luôn ăm ắp trong tâm hồn các em. Để mỗi khi đến trường, các em sẽ mang theo niềm vui ấy, hòa vào niềm vui chung của mái trường, ngôi nhà thứ hai của mình.
Trong những năm gần đây, việc quan tâm chăm lo đến việc học tập đối với con em của gia đình phụ huynh được đẩy mạnh hơn. Các gia đình đã rất tận tình, chu đáo và quan tâm đến cái ăn cái mặc rồi sách vở cũng như thời gian học tập của con em mình khi đến trường. Chính điều này đã mang lại hiệu quả tốt trong việc phối hợp giữa gia đình và nhà trường để giáo dục và rèn luyện học sinh, là yếu tố quan trọng để làm nên trường học hạnh phúc. Phụ huynh học sinh đã phối hợp tốt với nhà trường để cùng chung tay xây dựng cơ sở vật chất, tạo những điều kiện tốt nhất để phục vụ cho công tác dạy và học. Chính phụ huynh là những người luôn kề vai sát cánh cùng nhà trường để góp phần vào sự phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục.
Một buổi họp phụ huynh ở Trường THPT Hạ Hòa (Phú Thọ)
Không phó mặc cho nhà trường
Nhiều gia đình bị cuốn hút bởi công việc làm ăn buôn bán nên không có điều kiện chăm sóc con cái. Do vậy đành nghĩ tới một giải pháp là tiền đóng gạo góp rồi “trăm sự” nhờ thầy cô và nhà trường cả. Miễn sao, hàng ngày, các cháu được ở trường để học tập.
Chính vì không có điều kiện để bảo ban con em nên ngày càng nảy sinh nhiều tư tưởng của phụ huynh là phải bắt các cháu học nhiều, học thêm giờ, thêm buổi, thậm chí học cả Chủ nhật và những ngày lễ. Nếu không học thì sẽ bị tụt hậu so với các bạn và con mình sẽ không đỗ nổi đại học. Có trường hợp học sinh học ca sáng 5 tiết, ca chiều 4 tiết rồi ở lại học luôn ca tối đến 22 giờ.
Từ tư tưởng phó mặc con em cho nhà trường của một bộ phận gia đình nên đã phần nào làm con em trở nên hư hỏng. Nắm được “thóp” cha mẹ tin tưởng tuyệt đối, lại đầu tư hết mức, không chút nghi ngờ nên một số hàng ngày cứ cắp cặp đến trường học theo đúng thời gian nhưng kỳ thực lại không hề đến trường và vào lớp học theo kế hoạch của nhà trường. Nhiều kế hoạch các cháu tự xây dựng cho mình nào là đi sinh nhật bạn, đi đánh bi-a, điện tử, đi tắm sông…
Cần sự thay đổi từ gia đình
Gia đình là tế bào của xã hội, là nền tảng quan trọng trong sự cất cánh và hoàn thiện nhân cách của mỗi đứa trẻ. Mỗi gia đình cần nắm được quan điểm trong giáo dục học sinh là cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường. Trong đó, gia đình là tế bào, là điểm xuất phát trong việc giáo dục nhân cách của học sinh. Phụ huynh cần nắm được lịch học tập của con em ở trường để có kế hoạch theo dõi thời gian học của con đồng thời, thường xuyên liên hệ với nhà trường, với giáo viên chủ nhiệm lớp để nắm được tình hình con em mình.
Các bậc phụ huynh dù ở địa vị nào, dù công tác xã hội bận đến mấy cũng nên dành cho con em mình khoảng thời gian nhất định để quan tâm, giáo dục và chăm sóc. Khi ấy, phụ huynh sẽ có điều kiện để nắm bắt được tâm lý của con và có dịp uốn nắn những sai lệch mà con mình mắc phải.
Hạnh phúc của con trẻ phải thực sự được bắt nguồn từ gia đình. Ngọn lửa yêu thương trong mỗi gia đình sẽ là yếu tố quan trọng để mỗi học sinh khi đến trường trong tâm thế luôn cảm thấy vui tươi, phấn khởi, hạnh phúc. Có như vậy, chúng ta mới có thể thực hiện được các tiêu chí xây dựng trường học hạnh phúc.
Nguyễn Thế Lượng
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
Đối với các em học sinh, mỗi ngày đến trường là một ngày vui vẻ và học được, khám phá được những điều mới mẻ về tri thức, kỹ năng sống và được sống trong sự yêu thương, đoàn kết, thấu hiểu của thầy cô và bè bạn. Tuy nhiên, để có được niềm vui ấy, điều kiện không thể thiếu là gia đình, nơi bắt nguồn tình yêu thương, sự nuôi dưỡng, dạy bảo, nguồn cội của niềm vui trong mỗi học sinh.
Thực tế cho thấy, thời gian các em học sinh ở nhà, được sống với cha mẹ, người thân, đó là không gian gia đình ấm áp tình thân, nơi các em được chở che, được chăm sóc và được dạy bảo những điều cần thiết về nhân cách, lối sống. Mỗi học sinh sẽ có một hoàn cảnh riêng, không ai giống ai, tuy nhiên, ngọn lửa yêu thương trong mỗi gia đình sẽ làm nên bao điều hạnh phúc cho các em bước chân đến trường.
Hạnh phúc của học sinh từ gia đình có nhiều biểu hiện khác nhau, mỗi gia đình có một cách quan tâm riêng đến con em mình. Cụ thể là các yếu tố xuất phát từ cha mẹ, người thân như sự chăm sóc vật chất và tinh thần, yêu thương, dạy bảo, lắng nghe, thấu hiểu, tôn trọng, sự nghiêm khắc... sẽ có tác động không nhỏ đến nhân cách, kỹ năng sống và điều quan trọng là giúp cho mỗi học sinh có nhiều niềm vui trong cuộc sống. Với các em, gia đình là chỗ dựa tinh thần vững chắc nhất, là nơi các em được sinh ra và cũng là nơi đón các em trở về.
Ngày ngày, các em đến trường, khi còn nhỏ, cha mẹ đưa đón các em đến tận cổng trường dù công việc có bận rộn đến mấy, những bữa cơm gia đình ấm áp mỗi khi các em tan lớp về nhà... Đó là những hạt giống để làm nên hạnh phúc trong mỗi gia đình, hạnh phúc trong mỗi đứa con. Chỉ khi nào gia đình, cha mẹ hòa thuận, con cái vui vẻ, hiếu thảo, cha mẹ làm gương cho con, biết lắng nghe tâm tư nguyện vọng của con, định hướng cho con những điều hay lẽ phải và biết động viên con khi các con gặp phải chuyện buồn thì chắc chắn hạnh phúc trong gia đình sẽ luôn trào dâng, luôn ăm ắp trong tâm hồn các em. Để mỗi khi đến trường, các em sẽ mang theo niềm vui ấy, hòa vào niềm vui chung của mái trường, ngôi nhà thứ hai của mình.
Trong những năm gần đây, việc quan tâm chăm lo đến việc học tập đối với con em của gia đình phụ huynh được đẩy mạnh hơn. Các gia đình đã rất tận tình, chu đáo và quan tâm đến cái ăn cái mặc rồi sách vở cũng như thời gian học tập của con em mình khi đến trường. Chính điều này đã mang lại hiệu quả tốt trong việc phối hợp giữa gia đình và nhà trường để giáo dục và rèn luyện học sinh, là yếu tố quan trọng để làm nên trường học hạnh phúc. Phụ huynh học sinh đã phối hợp tốt với nhà trường để cùng chung tay xây dựng cơ sở vật chất, tạo những điều kiện tốt nhất để phục vụ cho công tác dạy và học. Chính phụ huynh là những người luôn kề vai sát cánh cùng nhà trường để góp phần vào sự phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục.
Một buổi họp phụ huynh ở Trường THPT Hạ Hòa (Phú Thọ)
Không phó mặc cho nhà trường
Nhiều gia đình bị cuốn hút bởi công việc làm ăn buôn bán nên không có điều kiện chăm sóc con cái. Do vậy đành nghĩ tới một giải pháp là tiền đóng gạo góp rồi “trăm sự” nhờ thầy cô và nhà trường cả. Miễn sao, hàng ngày, các cháu được ở trường để học tập.
Chính vì không có điều kiện để bảo ban con em nên ngày càng nảy sinh nhiều tư tưởng của phụ huynh là phải bắt các cháu học nhiều, học thêm giờ, thêm buổi, thậm chí học cả Chủ nhật và những ngày lễ. Nếu không học thì sẽ bị tụt hậu so với các bạn và con mình sẽ không đỗ nổi đại học. Có trường hợp học sinh học ca sáng 5 tiết, ca chiều 4 tiết rồi ở lại học luôn ca tối đến 22 giờ.
Từ tư tưởng phó mặc con em cho nhà trường của một bộ phận gia đình nên đã phần nào làm con em trở nên hư hỏng. Nắm được “thóp” cha mẹ tin tưởng tuyệt đối, lại đầu tư hết mức, không chút nghi ngờ nên một số hàng ngày cứ cắp cặp đến trường học theo đúng thời gian nhưng kỳ thực lại không hề đến trường và vào lớp học theo kế hoạch của nhà trường. Nhiều kế hoạch các cháu tự xây dựng cho mình nào là đi sinh nhật bạn, đi đánh bi-a, điện tử, đi tắm sông…
Cần sự thay đổi từ gia đình
Gia đình là tế bào của xã hội, là nền tảng quan trọng trong sự cất cánh và hoàn thiện nhân cách của mỗi đứa trẻ. Mỗi gia đình cần nắm được quan điểm trong giáo dục học sinh là cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường. Trong đó, gia đình là tế bào, là điểm xuất phát trong việc giáo dục nhân cách của học sinh. Phụ huynh cần nắm được lịch học tập của con em ở trường để có kế hoạch theo dõi thời gian học của con đồng thời, thường xuyên liên hệ với nhà trường, với giáo viên chủ nhiệm lớp để nắm được tình hình con em mình.
Các bậc phụ huynh dù ở địa vị nào, dù công tác xã hội bận đến mấy cũng nên dành cho con em mình khoảng thời gian nhất định để quan tâm, giáo dục và chăm sóc. Khi ấy, phụ huynh sẽ có điều kiện để nắm bắt được tâm lý của con và có dịp uốn nắn những sai lệch mà con mình mắc phải.
Hạnh phúc của con trẻ phải thực sự được bắt nguồn từ gia đình. Ngọn lửa yêu thương trong mỗi gia đình sẽ là yếu tố quan trọng để mỗi học sinh khi đến trường trong tâm thế luôn cảm thấy vui tươi, phấn khởi, hạnh phúc. Có như vậy, chúng ta mới có thể thực hiện được các tiêu chí xây dựng trường học hạnh phúc.
Nguyễn Thế Lượng
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại