Ghế làm cáng cứu thương, đệm mút làm bông cầm máu

thanh huyen

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1




Nhóm phượt Phong Vân đã được vinh danh sau hành động cứu người bị nạn. Ảnh: T.L

Dũng cảm và sáng tạo trong cứu hộ


Điều dưỡng Lê Quang Trí - Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai, người trực tiếp di chuyển ngay trong đêm từ Bệnh viện (BV) Bạch Mai lên BV Đa khoa Lào Cai để ứng cứu cho bệnh nhân bị tai nạn cho biết: “Đội phượt Phong Vân có kỹ năng cứu hộ tại hiện trường rất tốt. Các nạn nhân được đưa đến đều được chằng cố định vào nệm của giường nằm chiếc xe bị tai nạn. Việc nẹp định vị bằng phương tiện sẵn có tại hiện trường giúp các nạn nhân hạn chế các tổn thương khi đi chuyển. Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ của những lực lượng khác, từng nạn nhân được đánh số thứ tự bằng bút dạ trên phần ngực để kiểm soát được số người đã được tìm kiếm. Đó là điều mà không phải vụ tai nạn nào cũng được xử lý chuyên nghiệp như vậy”.


Phạm Lê Tiến, người thành lập ra nhóm phượt Phong Vân tâm sự: “Nhiều người hỏi em đã được học về kỹ năng xử lý tai nạn ở đâu chưa? Nói thật là bọn em chưa được trang bị kỹ năng cấp cứu một cách bài bản trước đó. Nhưng trong những tình huống khẩn cấp, nước sôi lửa bỏng bọn em vận dụng tất cả những gì mình có trong hành trang của đội phượt rồi áp dụng tại hiện trường”. Theo Tiến, điều quan trọng nhất mà các bạn đã làm được là đã bước qua nỗi sợ để xuống vực sâu cứu nạn nhân. “Chúng em đã phải đi qua những nạn nhân đã tử vong, phải đối mặt với máu, những hình ảnh thương tâm mà trước đó chưa từng chứng kiến. Có bạn sau khi tham gia cứu hộ nạn nhân đã kiệt sức vì mệt và quá sốc nên phải truyền nước. Lợi thế mà nhóm phượt có là mọi người còn trẻ nên họ có sức khỏe cũng như sự nhiệt tình, đặc biệt là đầy sáng tạo trong những tình huống éo le”, Tiến kể.


Tiến chia sẻ thêm: “Các thành viên trong nhóm là những người đầu tiên chứng kiến vụ tai nạn. Tai nạn xảy ra lúc 18h45 phút và phải tầm 1,5 tiếng sau xe cứu thương mới có mặt tại hiện trường. Lúc xuống hiện trường, tất cả mọi người đều quên đi sự sợ hãi, ai cũng lo cứu thương, băng bó, bê nạn nhân lên bờ vực. Mọi người bám cỏ tụt xuống, lê đầu gối khi bê nạn nhân lên cho đỡ trượt”…


Là thành viên nữ duy nhất trượt xuống tận đáy vực cứu nạn, Quỳnh Trang (26 tuổi) kể lại: Khi bắt đầu tìm thấy các nạn nhân, cô cố giữ liên lạc với các bác sĩ để hỏi xem sơ cứu như thế nào thì tốt nhất. Có một câu chuyện mà chỉ có trong những tình huống đặc biệt đôi khi mới nghĩ ra và đó cũng chính là giải pháp tình thế nhưng cần thiết lúc đó. Thành viên trong đoàn phượt sử dụng cờ lê để cắm vào mặt đất, lấy sức leo lên leo xuống khi vận chuyển nạn nhân. Các thành viên trong đoàn còn nghĩ ra cách tháo những chiếc ghế xe làm cáng cứu thương; Rạch ghế ngồi lấy bông để cầm máu; dùng rèm xe, khăn quàng cá nhân để cố định nạn nhân rồi đội lên đầu, chuyền nhau đưa họ lên khỏi vực…

Mỗi người cần được trang bị những kỹ năng sơ cứu


Bác sĩ Nguyễn Bá Huệ - Giám đốc BV Đa khoa Lào Cai cho biết, khi tai nạn xảy ra, với số người bị nạn đông như vậy nhưng có sự giúp sức của các bạn trẻ trong đội phượt cùng người dân và các lực lượng khác nên công tác xử lý ban đầu xong trong vòng 3 tiếng đồng hồ. Đó thực sự là một nỗ lực rất lớn vì thời tiết xấu, địa hình hiểm trở…Chính nhờ xử lý ban đầu nhanh nên việc phân loại bệnh nhân cũng nhanh hơn, tạo thuận lợi cho các bác sĩ trong cấp cứu, điều trị cho nạn nhân.


Điều dưỡng Lê Quang Trí cho rằng: “Trong cuộc sống, người ta gặp phải nhiều tai nạn khác nhau nên phải có những kỹ năng khác nhau. Và mỗi người nên trang bị cho mình những kiến thức về các kỹ năng này, nó rất có ích cho bản thân và cho cộng đồng”. Theo các bác sĩ, khi xảy ra tai nạn ở đầu thì phải có kỹ năng sơ cứu chấn thương đầu. Bên cạnh đó, mọi người cũng cần biết về sơ cứu chấn thương cột sống cổ, sơ cứu chấn thương ngực, sơ cứu chấn thương bụng, sơ cứu bỏng và đuối nước... Nếu bản thân mỗi người đều được đào tạo các kỹ năng này thì khi xảy ra tai nạn, các thảm họa, sẽ cứu sống được nhiều người.


Khi sơ cứu ban đầu tốt, nạn nhân được đưa tới cơ sở y tế sẽ thuận lợi hơn trong điều trị, cơ hội bình phục sẽ nhanh hơn. Ngược lại, nếu thiếu kiến thức, sẽ gây nguy hiểm cho tính mạng người bệnh.


Phạm Lê Tiến cho biết, là dân phượt thì phải biết những kiến thức cơ bản khác dù thực sự là chưa được học bài bản. Khi đi phượt hay leo núi có những lúc xảy ra tai nạn vì vậy, mỗi người cần trang bị cho mình những kỹ năng sơ cứu cần thiết. Trước hết là để cứu mình, sau là cứu được người khác một cách đúng đắn nhất. Sau vụ tai nạn vừa qua, các thành viên trong đội cũng đã có những kinh nghiệm và sẽ trang bị thêm cho mình những kỹ năng này trên những chặng đường sắp tới.


Ở nhiều nước tiên tiến, người dân được trang bị rất nhiều kỹ năng sơ cứu tai nạn thương tích. Đối với cảnh sát giao thông một số nước họ phải được trang bị kiến thức cấp cứu cho người tai nạn giao thông, thậm chí cảnh sát giao thông cũng phải có khả năng… đỡ đẻ.




Các bước sơ cứu tai nạn giao thông cần biết


Cần làm:


- Kiểm soát được đường hô hấp cho bệnh nhân, làm đường thở thông thoáng. Nếu đường thở bị tắc nghẽn do đất, cát, răng giả, đờm dãi... phải dùng tay móc ngay ra.


- Nếu nạn nhân bị chảy máu thì phải cầm máu tại chỗ bằng cách lấy ngón tay, nắm tay, khăn hay một cục bông đè mạnh vào vết thương.


- Với người có tổn thương chi như gãy xương, tay, chân, phải cố định chi gãy. Gãy chi trên thì lấy khăn làm máng treo tay, nếu là chi dưới thì phải nẹp rồi mới đưa đi bệnh viện.


- Với người bị hôn mê cần thông đường thở: Làm bệnh nhân thở được (hà hơi, hồi sức); Kiểm tra tim, xoa bóp tim và lồng ngực nếu cần thiết; Chuyển ngay đến cơ sở y tế. Lưu ý, cần từ 2 - 3 người nhấc người bệnh lên chứ không bế xốc bổng hay bế gập người lại, đưa đến chỗ an toàn và gọi xe cứu thương đến hoặc chuyển ngay đến bệnh viện.


Cần tránh:


- Không đặt người bị nạn nằm ngửa.


- Không lấy bỏ bất cứ một dị vật nào ở da đầu và xương sọ. Nếu bị vật gì nhọn đâm vào cơ thể, nhất là ngực, bụng, tuyệt đối không được rút vật nhọn đó ra, vì lúc này nó có tác dụng bịt mạch máu. Nếu rút ra, máu sẽ phun mạnh, nạn nhân mất máu nhiều, có thể bị tử vong.


- Không dùng tay nâng đầu lên cao làm gập cổ người bị nạn, có thể gây tổn thương cột sống cổ.


- Không di chuyển người bị nạn khỏi hiện trường khi chưa cố định.


- Không di chuyển người bị nạn bằng xe đạp, xe gắn máy vì có nhiều trường hợp gãy cột sống cổ do chở đi bị xóc đã tử vong trước khi vào viện do liệt hô hấp.


- Không đưa bất cứ một vật lạ, nước vào miệng người bị nạn, có thể gây tử vong do sặc, ngạt thở.


(Nguồn: Uỷ ban ATGT quốc gia và một số bệnh viện)

Hoài Nam


Nguồn: giadinh.net.vn
 

Bình luận bằng Facebook

Top