Đường Huyền Tông vì sao lại để con trai đè nén?

Khánh Linh

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Đường Huyền Tông Lý Long Cơ có thể được xem là vị hoàng đế gây tranh cãi nhất trong lịch sử triều đại nhà Đường. Trong những năm tháng đầu, ông cần mẫn với việc triều chính, đưa nhà Đường đi đến thời gian đỉnh cao mà sau này được đặt tên theo chính niên hiệu của nhà vua - Thịnh thế Khai Nguyên. Nhưng rồi thời gian sau đó, ông đã tự mãn với thành tựu đạt được, góp phần gây ra loạn An Sử và sự suy tàn của nhà Đường.





Chân dung Đường Huyền Tông trong tranh cổ


Khi loạn An Sử nổ ra, Đường Huyền Tông vội vàng chạy trốn đến Thành Đô. Trên đường chạy nạn, một cuộc binh biến đã xảy ra bởi quân lính bất mãn với tể tướng Dương Quốc Trung – anh trai của Dương Quý Phi. Khi quân lính vẫn không thoả mãn với việc xử tử Dương Quốc Trung, Đường Huyền Tông chỉ có thể ra lệnh ép Dương Quý Phi treo cổ tự tử để chấm dứt binh biến.

Khi Đường Huyền Tông chuẩn bị đi vào ngày hôm sau, ông đã bị người dân chặn đường và yêu cầu giữ thái tử ở lại. Sau đó, Đường Huyền Tông tiếp tục chạy nạn còn Thái tử đi về phía bắc để tập kết quân đội. Thái tử sau đó lên ngôi ở Linh Vũ – tức vua Đường Túc Tông. Đường Huyền Tông trong tình thế bấy giờ buộc phải chấp nhận sự thật bản thân không còn là vua của nhà Đường.

Năm 755, nhà Đường lấy lại Trường An. Sau đó, Đường Túc Tông tôn cha làm Thái Thượng Hoàng. Dù vẫn được dân chúng tôn kính bởi danh hiệu Thái Thượng Hoàng cũng như thành tích trong thời kỳ đầu, cuộc đời của Đường Huyền Tông đã rẽ sang một hướng mà ông không mong muốn. Những năm tháng cuối đời của Đường Huyền Tông không hề yên bình.





Hình tượng Đường Huyền Tông trên phim ảnh (ảnh Sohu)


Đường Túc Tông vốn có sức khoẻ yếu hơn cả vua cha nên dần nảy sinh tâm lý nghi kỵ. Với sự thao túng của hoạn quan Lý Phụ Quốc, Đường Túc Tông đã cho Đường Huyền Tông an trí ở cung điện khép kín, đồng thời hạn chế vua cha tiếp xúc với người ngoài. Đến thời điểm này, trên triều đình chỉ còn một thân tín của Đường Huyền Tông là Cao Lực Sĩ nhưng rồi rất nhanh sau đó, Cao Lực Sĩ cũng bị điều chuyển đi nơi khác. Thậm chí có những thời điểm, việc tiếp xúc giữa Đường Huyền Tông và các chị em ruột cũng bị hạn chế.

Có thể nói sau khi loạn An Sử kết thúc, Đường Huyền Tông đã bị quản thúc tại chính nơi ở của mình. Sau nhiều năm chịu đựng sự kiểm soát của chính người kế vị, Đường Huyền Tông băng hà vào năm 762 tại Trường An, kết thúc một cuộc đời nhiều tranh cãi trong cô độc.
Nguồn: Báo điện tử Kiến Thức
 

Bình luận bằng Facebook

Top