Đứng trước bảng

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Nhưng, thi và học trường sư phạm là một việc. Ra trường đi dạy lại là việc khác. Học có lúc dễ lúc khó, thi đầu vào có lúc thấp lúc cao. Nhưng đứng trước bảng, bất kể thời nào, đều chưa bao giờ là công việc dễ dàng!

Nói đến nghề dạy học, nhiều người vẫn hay gắn với từ “thiên chức” như một mĩ từ để chỉ danh xưng người thầy. Điều này tuyệt đối không đúng. Danh xưng người thầy không phải tự nhiên mà có, càng không phải từ trên trời rơi xuống. Nó cũng không đơn giản là từ dùng để chỉ người làm nghề dạy học. Khi mỗi người thầy “… là một tấm gương về đạo dức, tự học và sáng tạo” thì hai tiếng Người thầy tự nó đã vượt lên khuôn khổ một nghề. Và để xứng với hai tiếng đó, người dạy học cần cả một quá trình hoàn thiện lâu dài cả về chuyên môn lẫn nhân cách.

1. Người Việt vốn có truyền thống “Tôn sư” – đề cao vai trò người thầy. Từ cách nói bóng bẩy trong ca dao “Muốn sang thì bắc cầu kiều/ Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy” đến cách nói trang trọng trong thành ngữ “Trọng thầy mới được làm thầy”, hay sỗ sàng hơn trong tục ngữ “Không thầy đố mày làm nên”… Và trong suốt chiều dài của hơn mười thế kỷ của thời phong kiến gắn liền với nền Hán học - cái thời mà vai trò người thầy gần như tuyệt đối “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” - lịch sử đã vinh danh những người thầy vĩ đại như Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn, Nguyễn Đình Chiểu… Họ không chỉ là người dạy chữ thánh hiền, mà còn là người truyền dạy về đạo đức, đạo lý, mà hơn ai hết, chính sự tỏa sáng về nhân cách và trách nhiệm với quốc gia, dân tộc ở họ đã là những bài học vô giá cho bao thế hệ học trò sau này.

2. Rồi chữ Quốc ngữ được phổ biến và chính thức được đưa vào nhà trường khi nước nhà độc lập (trước đó, trong hệ thống giáo dục dưới chế độ Pháp thuộc, ở nhiều trường, chữ Quốc ngữ chỉ được sử dụng trong giờ Quốc văn – Văn học Việt Nam). Nó cũng mang đến cái không khí dân chủ cho giáo dục, dân chủ hơn trong cách nhìn về người thầy, và dân chủ hơn trong quan hệ thầy – trò.

Ngoại trừ những ngày đầu của phong trào Bình dân học vụ, “người thầy” chỉ đơn giản là “người biết chữ” dạy cho người chưa biết chữ với mục tiêu “diệt giặc dốt” và xóa nạn mù chữ, ở các bậc học cao hơn, đất nước cũng vinh danh những người thầy mà tên tuổi của họ sẽ còn mãi gắn liền với nền giáo dục nước nhà. Đó là thầy Nguyễn Văn Huyên, thầy Tạ Quang Bửu, thầy Hoàng Xuân Hãn, thầy Nguyễn Lân, thầy Đặng Thai Mai, thầy Trần Văn Khê, thầy Văn Như Cương, thầy Tôn Thất Tùng, thầy Trần Văn Giàu, thầy Nguyễn Đình Tứ, thầy Lê Văn Thiêm, thầy Đào Văn Tiến... Họ là những tên tuổi lớn của nền giáo dục của một nước Việt Nam mới. Ngoài việc dạy học, họ còn là những “chuyên gia” trong lĩnh vực của mình. Họ còn là những nhà viết sử, nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà khoa học... và còn rất nhiều, rất nhiều những người thầy trên khắp mọi miền đất nước, từ đồng bằng trung du đến chiến khu Việt Bắc, từ vùng giải phóng đến vùng bị tạm chiếm... đã cống hiến không chỉ trí tuệ, tài năng mà còn hy sinh cả xương máu và tính mạng trong suốt hai cuộc kháng chiến của dân tộc. Và cả dân tộc tôn vinh những người thầy đó không chỉ bởi tài năng, tâm huyết, mà còn bởi lòng yêu nước và lý tưởng thời đại luôn sáng ngời ở mỗi người.

3. Đất nước thống nhất, rồi bước vào thời kỳ đổi mới. Nền tảng xã hội sau gần nửa thế kỷ đã mang khuôn mặt hoàn toàn mới. Tất nhiên, giáo dục không đứng ngoài công cuộc đổi mới đó. Mang trong mình trọng trách là “Quốc sách”, lại là “Quốc sách hàng đầu”, nền giáo dục nước nhà đã trải qua những bước chuyển mình mạnh mẽ. Từ “Cải cách giáo dục” ở thập niên 80 của thế kỷ trước đến “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục” hiện nay là một bước đi dài với rất nhiều những thay đổi.

Thay đổi về chiến lược, mục tiêu, thay đổi về triết lý, quan niệm, thay đổi về nội dung, chương trình sách giáo khoa... Nhưng với người thầy, thay đổi lớn nhất là thay đổi về phương pháp, cũng tức là đã có sự dịch chuyển to lớn về vai trò: Từ Dạy – Học thuyết trình (người thầy là trung tâm) đến Dạy – Học tích cực (thầy – trò đối thoại, bình đẳng) và giờ là dạy – học chủ động (học sinh là trung tâm). Bục giảng bây giờ không còn là nơi để người dạy thể hiện khả năng giảng giải, thuyết phục. Càng không phải là nơi để người thầy “phô diễn” kiến thức uyên thâm?! Song, việc dạy không vì thế mà trở nên dễ dàng. Thậm chí còn khó khăn gấp bội.

Phương pháp mới và mục tiêu giáo dục toàn diện đòi hỏi người thầy vừa phải giỏi về chuyên môn vừa phải am tường về nghiệp vụ. Cái khó là ở chỗ, để có nghiệp vụ tốt, người thầy trước hết phải hội tụ đầy đủ những đam mê, tâm huyết, kinh nghiệm, và còn phải là... “người đạo diễn”, “người tổ chức”, “người truyền lửa”, và đôi khi còn đóng vai trò là “nhà tâm lý” đối với học trò của mình? Chưa dừng ở đó, nếu đặt hoạt động giáo dục trong ba mối quan hệ: Nhà trường – Gia đình – Xã hội như hiện nay, người thầy còn đứng trước thử thách của sự nhìn nhận, đánh giá (và cả phán xét) từ nhiều phía: Đồng nghiệp, cha mẹ học sinh và dư luận xã hội. Lúc này, tất cả những phẩm chất kể trên cũng sẽ là chưa đủ nếu người thầy thiếu một nhân cách cao cả và một tấm lòng bao dung.

Quả thật, để đứng trước bảng, để trở thành một “kỹ sư tâm hồn”, một người Thầy đúng nghĩa, là cả một quá trình rèn luyện không ngừng để tự hoàn thiện của những ai đã, đang và sẽ chọn nghề dạy học cho cuộc mưu sinh (còn nếu chỉ để mưu sinh, thì xin ai đó hãy chọn cho mình con đường khác)! Vì xét cho cùng, dù vai trò có chuyển dịch thế nào thì vị trí người thầy trong giáo dục, vị trí người thầy trong tâm thức người Việt vẫn luôn là những gì đẹp đẽ và trang trọng nhất.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top