Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể: Đổi mới căn bản trong Chương trình giáo dục...

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Dạy học tích hợp là định hướng dạy học giúp học sinh phát triển khả năng huy động tổng hợp kiến thức, kĩ năng


Không còn tình trạng cắt khúc, chồng lấn

Điểm mới đầu tiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, đó là lần này, chúng ta có riêng một “Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể”, khác với lần làm chương trình trước, chỉ có phần chung, giống như phần “nhập môn”.

Chương trình tổng thể là phương hướng và kế hoạch khái quát toàn bộ Chương trình giáo dục phổ thông, trong đó quy định những vấn đề chung của giáo dục phổ thông. Nó giống như một kế hoạch chung của cả 3 cấp học.

Chương trình tổng thể sẽ gợi ý cho các chương trình bộ môn, đảm bảo sự hài hòa, thống nhất trong từng môn học, giữa các môn học, trong từng lớp, từng cấp và giữa các lớp, các cấp học. Từ đó, khắc phục tình trạng chương trình cắt khúc, chồng lấn nhau giữa môn học này với môn học khác...

Minh định hơn mục tiêu từng cấp học

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển, chương trình cũ chưa đáp ứng tốt yêu cầu về hình thành và phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh; khi thực hiện lại chủ yếu quan tâm định hướng về mặt nội dung; không đặt ra yêu cầu cụ thể cần đạt được về phẩm chất và năng lực trong từng cấp học.

Cụ thể, chương trình trước đây chưa xác định thật rõ và đầy đủ sự khác nhau, kế thừa và phát triển về mục tiêu của từng cấp học. Trong chương trình mới, mục tiêu của từng cấp học được viết cụ thể hơn, minh định hơn.

Theo đó, chương trình cấp tiểu học nhằm giúp học sinh hình thành những cơ sở ban đầu cho việc phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần, phẩm chất và năng lực được nêu trong mục tiêu Chương trình giáo dục phổ thông; định hướng chính vào giá trị gia đình, dòng tộc, quê hương, những thói quen cần thiết trong học tập và sinh hoạt; có được những kiến thức và kỹ năng cơ bản nhất để tiếp tục học THCS.

Chương trình giáo dục cấp THCS nhằm giúp học sinh duy trì và nâng cao các yêu cầu về phẩm chất, năng lực đã hình thành ở cấp tiểu học; tự điều chỉnh bản thân theo các chuẩn mực chung của xã hội; hình thành năng lực tự học, hoàn chỉnh tri thức phổ thông nền tảng để tiếp tục học lên THPT, học nghề hoặc bước vào cuộc sống lao động.

Chương trình giáo dục cấp THPT nhằm giúp học sinh hình thành phẩm chất và năng lực của người lao động, nhân cách công dân, ý thức quyền và nghĩa vụ đối với Tổ quốc trên cơ sở duy trì, nâng cao và định hình các phẩm chất, năng lực đã hình thành ở cấp THCS; có khả năng tự học và ý thức học tập suốt đời, có những hiểu biết và khả năng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở thích, điều kiện và hoàn cảnh của bản thân để tiếp tục học lên học nghề hoặc bước vào cuộc sống lao động.

Tăng cường hoạt động trải nghiệm sáng tạo

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: Chương trình mới sẽ chú trọng hơn việc rèn luyện cho học sinh năng động, có tư duy độc lập, có khả năng phát hiện, giải quyết vấn đề, hợp tác làm việc theo nhóm... Cho nên, về mặt thiết kế chương trình, ngoài những môn học tiếp tục được phát huy, còn có yêu cầu tăng cường hoạt động xã hội của học sinh.

Đây không phải hoạt động xã hội bình thường mà là hoạt động có hướng dẫn, hướng tới sự sáng tạo, phát triển khả năng của con người - gọi là hoạt động trải nghiệm sáng tạo.

Trong chương trình cũ cũng đã có một số hoạt động trải nghiệm, như hoạt động ngoài giờ lên lớp, sinh hoạt đoàn đội, hoạt động ngoại khóa...

Nhưng giờ yêu cầu sẽ cao hơn, thiết kế một cách khoa học hơn, phong phú hơn về nội dung và hình thức tổ chức hoạt động, phù hợp với mục tiêu và điều kiện thực hiện.

Sẽ thiết kế thành những hoạt động khác nhau để nhà trường phổ thông lựa chọn và có quy định thời gian cho các hoạt động của từng lớp.

Ngoài những hoạt động được thiết kế riêng thì trong từng môn học cũng coi trọng việc tổ chức, hướng dẫn các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, phù hợp với đặc trưng nội dung môn học và điều kiện dạy học.

Chú trọng đặc trưng riêng từng lĩnh vực giáo dục

Một điểm mới nữa, theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển là thiết kế các môn học và hoạt động phù hợp với đặc điểm riêng của từng lĩnh vực giáo dục.

Ví dụ, môn Ngữ văn không phải chỉ có hiểu văn, cảm thụ văn… mà phải coi trọng cả khả năng sử dụng tiếng Việt tốt. Ngoại ngữ là phải nghe, nói, đọc, viết tốt.

Tin học phải thực hành, biết sử dụng máy tính từ đơn giản đến phức tạp, từ thấp đến cao; coi trọng cách nghĩ, cách làm, cách giải quyết vấn đề trong môi trường kỹ thuật số...

Các môn Đạo đức và Giáo dục công dân phải coi trọng trải nghiệm, coi trọng giáo dục thông qua tình huống, đánh giá trong tình huống, không phải chỉ đánh giá trong lớp học...

Những điểm mới về tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá

Với chương trình mới, hình thức dạy học phong phú hơn, tăng cường trải nghiệm sáng tạo. Đổi mới phương pháp vẫn theo hướng phát huy tính chủ động, sáng tạo, rèn luyện phương pháp tự học, nhưng không chỉ ngồi suy nghĩ trong lớp học mà còn ở ngoài lớp, ở gia đình, tại các di tích, danh lam thắng cảnh...

Riêng với đánh giá, không chỉ quan tâm đánh giá kiến thức cốt lõi của học sinh mà quan trọng là học sinh vận dụng kiến thức đó đến mức độ nào.

Như Thông tư 30 quy định về đánh giá học sinh tiểu học, đánh giá toàn diện học sinh nhưng coi trọng phẩm chất chủ yếu, năng lực chung. Điều này yêu cầu phải thay đổi cả cách thức đánh giá, cách thức ra đề, nội dung ra đề...

“Đặc biệt, từ trước đến nay, chúng ta kiểm tra xem kết thúc mỗi giai đoạn thì học sinh đạt đến mức độ nào, nhưng bây giờ đánh giá phải giúp học sinh từng bước vượt qua khó khăn, đánh giá để học sinh từng bước thành công thông qua tự giác học tập.

Chính việc đánh giá đó cũng như là phương pháp dạy học, làm cho học sinh thích học và học được” - Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh.

Dạy học tích hợp, phân hóa và hai giai đoạn của giáo dục phổ thông

Nếu như trước đây, chương trình có một mạch, từ lớp 1 - 12, do đó việc phân luồng khó khăn. Đến nay, Chương trình phổ thông 12 năm được chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn giáo dục cơ bản (gồm cấp tiểu học 5 năm và cấp THCS 4 năm); Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp THPT 3 năm).

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, liên quan đến điều này là dạy học tích hợp và phân hóa.

Dạy học tích hợp là định hướng dạy học giúp học sinh phát triển khả năng huy động tổng hợp kiến thức, kĩ năng... thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau để giải quyết có hiệu quả các vấn đề trong học tập và cuộc sống.

Tính tích hợp thể hiện qua sự huy động, kết hợp, liên hệ các yếu tố có liên quan với nhau của nhiều lĩnh vực để giải quyết có hiệu quả một vấn đề và thường đạt được nhiều mục tiêu khác nhau.

Dạy học phân hóa là dạy học phù hợp với từng đối tượng học sinh, để phát huy cao nhất khả năng của từng học sinh. “Mục tiêu của mình là vừa tích hợp, vừa phân hóa.

Nên phân hóa và tích hợp được quán triệt ở tất cả các thành tố của hoạt động dạy học: Mục tiêu, nội dung, phương pháp và kiểm tra - đánh giá ở cả 3 cấp học” - Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết.

Hai yếu tố then chốt để thực hiện dạy học tích hợp và phân hóa là nội dung dạy học và phương pháp dạy học.

Về nội dung, muốn tích hợp phải dạy phối hợp nhiều kiến thức liên quan đến nhau. Do đó, trước đây là 2 - 3 môn, nay có thể thành 1 môn học; hay các phân môn khác nhau trong một môn học; muốn dễ phân hóa thì lại cần có những nội dung học khác nhau cho các đối tượng học sinh khác nhau.

Với phương pháp, để tích hợp được phải rèn luyện cho học sinh biết huy động, vận dụng tổng hợp kiến thức, kỹ năng; ra câu hỏi thế nào, dạy thế nào, đặt tình huống ra sao để học sinh vận dụng tổng hợp được kiến thức, kỹ năng; muốn phân hóa thì cần có những cách thức hướng dẫn, yêu cầu khác nhau, phù hợp với sở thích, năng lực từng học sinh.

Như vậy, cấp học nào cũng phải chú ý đến phương pháp; riêng nội dung, chú ý như thế nào để chú trọng tích hợp ở cấp dưới và phân hóa dần lên cấp học trên.

Một điều rất quan trọng là tùy theo điều kiện về cơ sở vật chất, người dạy… của từng trường để tổ chức dạy học phân hóa theo hình thức tự chọn phù hợp cho học sinh. Càng về sau thì nhà trường càng có khả năng đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tự chọn của học sinh.

Thực nghiệm chương trình: Tập trung những vấn đề mới và khó

Cách thức thực nghiệm chương trình cũng có nhiều điểm mới được Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng, với chương trình hiện hành, trước khi triển khai áp dụng đại trà có một đến hai năm thí điểm tất cả các nội dung dạy học, sau đó có một năm chỉnh sửa rồi mới triển khai đại trà.

Cách làm này phải thí điểm cả những nội dung không mới, không khó, mất nhiều thời gian, công sức mà không tập trung được vào những vấn đề mới, vấn đề khó.

Nhằm khắc phục hạn chế này, Chương trình giáo dục phổ thông mới được tiến hành thực nghiệm ngay khi cần thiết trong quá trình xây dựng chương trình và do các tác giả chương trình thực hiện.

Nội dung thực nghiệm tập trung vào những vấn đề mới so với chương trình hiện hành, trong đó đặc biệt chú trọng thực nghiệm những hình thức hoạt động giáo dục/dạy học mới, những yêu cầu cần đạt của mỗi chương trình môn học và hoạt động trải nghiệm sáng tạo; cần phải xác định mức độ phù hợp của yêu cầu cần đạt của chương trình với khả năng nhận thức và điều kiện của học sinh.

Lộ trình triển khai áp dụng Chương trình, SGK mới như sau: Năm học 2018 - 2019: Lớp 1, lớp 6, lớp 10; năm học 2019 - 2020: Lớp 2, lớp 7 và lớp 11; năm học 2020 - 2021: Lớp 3, lớp 8, lớp 12; năm học 2021 - 2022: Lớp 4, lớp 9; năm học 2022 - 2023: Lớp 5.

Hiện đã có nhiều nội dung mình đã thực nghiệm và thực nghiệm thành công như dạy học tích hợp, dạy học phân hóa; thực nghiệm về trải nghiệm sáng tạo, dạy học theo dự án, dạy học bằng di sản; một số mô hình nhà trường, như nhà trường vườn chè, nhà trường vườn đào, nhà trường du lịch, nhà trường trang trại...


Hầu hết các nhà trường sẽ thực hiện được chương trình mới

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: Với chương trình mới, hầu hết các nhà trường đều đảm bảo được yêu cầu tối thiểu.

Chỉ còn khoảng 5 - 10% trường còn thiếu, Nhà nước sẽ tập trung đầu tư, bổ sung. Tất nhiên, tất cả các trường đều tiếp tục trong quá trình phát triển để ngày càng đáp ứng tốt hơn, đạt được chất lượng giáo dục cao hơn.

Không phải năm 2018 triển khai như nhau đối với Chương trình, sách giáo khoa mới ở tất cả các trường mà triển khai ở các mức độ khác nhau, rõ nhất là ở các nội dung giáo dục tự chọn. “Đây là điểm rất mới” - Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định.

Điều quan trọng đầu tiên, theo Thứ trưởng là nhà trường được tự chủ. Theo Nghị quyết 29, nhà trường được tự chủ về thực hiện nhiệm vụ, về quản lý nhân sự, về tài chính.

Tự chủ như vậy, nhà trường mới có thể chủ động thiết kế được những hoạt động trải nghiệm khác nhau; hoặc sắp xếp học sinh vào các nhóm khác nhau; mới có thể mời giáo viên, nhà doanh nghiệp, nghệ nhân về dạy...

Thêm nữa, nhà trường phải “mở”, phải liên hệ với nhau, liên hệ với các cơ sở sản xuất... mới thực hiện được chương trình mới một cách tốt nhất.

“Đừng quan niệm dạy học chỉ có trong nhà trường, đừng nghĩ rằng học sinh cứ ngồi vào bàn mới là học. Học sinh trao đổi với bố mẹ ở nhà cũng là học; học sinh sinh hoạt đoàn đội ở địa phương cũng là học...

Và, không phải chỉ có nhà trường mới đưa học sinh đi trải nghiệm sáng tạo mà phụ huynh học sinh, đoàn thanh niên của địa phương... cũng có thể chủ động tổ chức, nhà trường cùng tham gia...” - Thứ trưởng nói rõ thêm.

Để thực hiện được điều này, cả cán bộ quản lý và giáo viên phải được bồi dưỡng, phải hiểu được cái mới và có năng lực mới, có cách nghĩ khác. Đặc biệt, cán bộ quản lý cần có tầm nhìn, phải nhìn nhận giáo viên trong điều kiện có thể phát triển, không thể cầu toàn ngay từ đầu.

Với giáo viên, sẽ chú trọng bồi dưỡng qua mạng, bên cạnh hình thức truyền thống là bồi dưỡng trực tiếp. Đồng thời, coi trọng sinh hoạt tổ chuyên môn.

Tổ chuyên môn góp ý lẫn nhau, cùng giúp đỡ, động viên nhau là chính. Chuyển từ dự giờ chủ yếu nhằm mục đích xếp loại sang dự giờ để trao đổi trên tinh thần phát huy sáng kiến tập thể, cùng học hỏi...
Nguồn: giaoducthoidai.vn
 

Bình luận bằng Facebook

Top