Dự báo về AI, hệ sinh thái và những lớp nghĩa trong 'Xứ Cát'

Khánh Linh

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Xứ Cát - tác phẩm kinh điển của thể loại tiểu thuyết khoa học giả tưởng - mới được tái bản sau nhiều năm vắng bóng. Trong một chương trình trò chuyện về nghề dịch và công việc biên tập, dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng đã nói về Xứ Cát, tác phẩm do ông chuyển ngữ đã ra mắt bản tiếng Việt năm 2009.





Tiểu thuyết Xứ Cát mới được tái bản. Ảnh: Nhã Nam.

Tác phẩm viễn tưởng có tính dự báo

Theo dịch giả, Xứ Cát của Frank Herbert là tác phẩm lớn, bạn đọc lần đầu tiếp xúc cần chuẩn bị tinh thần để tiếp nhận. Đó không phải tác phẩm "đọc chơi chơi”, độc giả cần sự chuẩn bị để đi vào một cuộc phiêu lưu cùng tác giả.

Người dịch cho rằng khi người đọc đã chuẩn bị tinh thần, đầu tư thời gian, dành tâm trí thì cuộc phiêu lưu đó sẽ rất hứng thú, được thỏa mãn với hành trình. “Cuốn sách vừa sâu thẳm vừa rộng mênh mông, lại vừa hấp dẫn, có phiêu lưu, huyền bí, có khoa học, triết lý, tình yêu, tội ác, võ thuật, sinh thái”, dịch giả nói.

Nhiều triết lý sâu sắc, trong đó có những trích đoạn trở thành kinh điển trong vũ trụ Xứ Cát. Một khi bạn đọc đã chuẩn bị tinh thần, đầu tư thời gian, tâm trí, bạn sẽ thỏa mãn với hành trình của mình.

Xứ Cát là tác phẩm viễn tưởng, đưa ra dự báo nhất định. Tác phẩm lấy bối cảnh tương lai nhân loại sau 20.000 năm nữa, nơi loài người đã sinh sống trên nhiều hành tinh khác nhau, chia làm nhiều gia tộc, có nhà nước cũng như thể chế của riêng mình.

Thời đại diễn ra trong tiểu thuyết là khi nhân loại đã trải qua cuộc nổi loạn của người máy. Trong tương lai, con người quá lệ thuộc người máy và trí tuệ nhân tạo nói chung, đến mức người máy nổi loạn, chiếm quyền kiểm soát. Phải mất một thời gian rất dài loài người mới chiến thắng máy móc.

Đó là lý do trong thế giới của Xứ Cát, loài người loại bỏ và cấm sản xuất trí tuệ nhân tạo, tập trung phát triển trí tuệ của con người. Một số thành tựu của khoa học kỹ thuật vẫn được sử dụng như du hành không gian.

Ở xã hội Xứ Cát, con người sinh sống trên nhiều hành tinh khác nhau, công nghệ không gian phát triển, nhưng không có bóng dáng người máy.

“Đó là một sự tưởng tượng lớn của tác giả. Hiện nay, chúng ta mới đứng ở ngưỡng cửa của trí tuệ nhân tạo, nhưng 57 năm trước Frank Herbert đã nhìn thấy vài hình ảnh thoáng hiện của thế giới, thời đoạn đó”, dịch giả đánh giá.

Hiện nay, AI đã đạt đến những điểm mà con người khó hình dung, thậm chí một người máy đã được một quốc gia công nhận là công dân.





Dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng (trái) nhận giải A Giải thưởng Sách quốc gia 2021. Ảnh: Việt Linh.

Tiểu thuyết gợi suy tư

Câu chuyện người máy chỉ là một trong những thông điệp đáng lưu tâm, nghiền ngẫm từ Xứ Cát. Ở đó, câu chuyện về hệ sinh thái cũng được ghi khắc rõ nét. Trong vũ trụ Xứ Cát, mỗi hành tinh (là nơi sinh sống của loài người) có một hệ sinh thái khác nhau.

Tác giả tưởng tượng về khả năng thích ứng của loài người với từng thế giới khác nhau ấy. Ví dụ Xứ Cát là hành tinh chỉ có cát mà không có nước, tác giả đã tưởng tượng ra khí hậu, môi trường tự nhiên, hệ động vật, thực vật sống ở đó như thế nào, con người thích ứng ra sao? Những tưởng tượng của tác giả đều gợi cho người đọc nhiều liên tưởng, suy nghĩ.

Không dừng lại ở việc đề cập, Xứ Cát thể hiện sự can thiệp nhân tạo lên hệ sinh thái, với mục đích biến nơi sa mạc cằn cỗi trở thành một nền sinh thái xanh. Frank Herbert dành phụ lục để nói về hệ sinh thái Xứ Cát, đặt ra câu hỏi có nên hay chăng, con người can thiệp lên một hệ sinh thái để biến đổi nó theo ý muốn của mình.

“Xứ Cát là một tác phẩm gợi suy tư. Sẽ rất tiếc nếu đọc xong mà bạn không nghĩ ngợi gì cả. Tác phẩm dành cho những người sẵn sàng suy nghĩ”, dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng nói.

Hiện nay, bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết Xứ Cát mới ra rạp. Dịch giả nói một bom tấn gây xôn xao dư luận chắc chắn sẽ tạo hiệu ứng để mọi người quay lại tìm hiểu tác phẩm văn chương. Nhưng người làm sách cũng không nên quá lạc quan. Có một bộ phận không nhỏ công chúng chỉ quan tâm tới phim mà ít để ý tới việc đọc sách; nhất là với một tác phẩm có độ dầy như Xứ Cát.

Với những ai thực sự là "fan cứng" của thể loại sci-fi, từng đọc cuốn sách, chắc chắn sẽ nhận thấy nhiều điều mà bản phim chưa chuyển thể được. Chỉ khi đọc vào văn bản, mới có thể đi vào chiều sâu tư duy mà tác giả gửi gắm. “Chắc chắn những triết lý nhiều tầng ấy không dễ đưa hết lên phim được”, Trần Tiễn Cao Đăng nói.

Dịch giả khẳng định nếu là "fan cứng" của thể loại sci-fi, muốn tiếp cận tác phẩm kinh điển của thể loại này, bạn đọc không thể bỏ qua Xứ Cát.

Trần Tiễn Cao Đăng là biên tập viên sách, dịch giả chuyển ngữ tiếng Anh, Nga và Tây Ban Nha. Ông là người dịch một số tác phẩm nổi tiếng như: Biên niên ký chim vặn dây cót, Từ điển Khazar, Nếu một đêm đông có người lữ khách, 2666… Năm 2021, cuốn Súng, vi trùng và thép do ông dịch đoạt giải A giải thưởng Sách quốc gia.

Xứ Cát là tác phẩm của Frank Herbert, xuất bản lần đầu năm 1965. Tiểu thuyết được vinh danh là tác phẩm khoa học giả tưởng bán chạy nhất mọi thời đại. Cuốn tiểu thuyết đã giành được giải thưởng văn học Nebula (1965) và Hugo (1966), có mặt trong danh sách các tác phẩm lớn do độc giả bình chọn.

Nói tới Xứ Cát, nhiều người thường nhắc đến Chúa tể những chiếc nhẫn khi tiểu thuyết của J.R.R Tolkien là trụ cột của thể loại fantasy còn tác phẩm của Frank Herbert là trụ cột của thể loại sci-fi.
Nguồn: Báo điện tử Kiến Thức
 

Bình luận bằng Facebook

Top