Đối thoại với sinh viên: Lắng nghe để phục vụ tốt hơn

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Theo TS Trương Tiến Tùng – Viện trưởng Viện Đại học Mở Hà Nội: “Có đối thoại thẳng thắn, chúng tôi mới nghe được những lời góp ý chân tình, việc này không chỉ giúp sinh viên có tiếng nói bảo vệ quyền lợi của mình mà cũng mang lại hiệu quả thiết thực đối với công tác đào tạo của nhà trường”.

Lắng nghe và thấu hiểu

Từ thực tế đối thoại với sinh viên ở Viện Đại học Mở Hà Nội nhiều năm qua cho thấy, các vấn đề đã ngay lập tức được xử lý, có những việc mà theo như phản ánh của nhiều giảng viên, nếu không đối thoại với sinh viên thì khó có thể tìm ra hướng giải quyết thấu đáo vì thực tế là suy nghĩ của thầy cô nếu không có thêm ý kiến của sinh viên thì cũng chỉ là một chiều.

Hiểu và thấy rõ lợi ích của việc này nên hoạt động đối thoại với sinh viên đã thành một nếp sinh hoạt không thể thiếu được, nó diễn ra hàng năm từ cấp cơ sở cho đến cấp khoa, trường. Hoạt động đối thoại được tiến hành thường xuyên với nhiều hình thức, cấp độ, không chỉ trực tiếp, mà cả trực tuyến và tin nhắn... sinh viên thực sự được lắng nghe và cảm nhận được mình là được coi trọng, thực sự giữ vai trò trung tâm trong hoạt động đào tạo của nhà trường.

ThS Lương Tuấn Long – Trưởng phòng CTHSSV, Viện Đại học Mở Hà Nội, cho biết: “Tại cuộc đối thoại với sinh viên mới đây, chúng tôi đã báo cáo kết quả giải quyết các vấn đề mà sinh viên đề cập trong năm học 2016 - 2017. Bên cạnh việc ghi nhận các ý kiến, câu hỏi mới, Viện trưởng trực tiếp điều hành và giải đáp ngay với các bạn sinh viên. Những vấn đề được các bạn quan tâm nhiều nhất là đề xuất đi thực tế trong quá trình học tập, đầu tư trang thiết bị dạy học tốt hơn, kết nối với các cơ sở, doanh nghiệp để sinh viên có điều kiện thực hành”.

Theo ThS Lương Tuấn Long, đây là nhóm vấn đề được sinh viên quan tâm nhiều năm và đều được Viện trưởng chỉ đạo các phòng nghiệp vụ trợ giúp tốt nhất. Trong cuộc đối thoại năm 2018 này, Phòng Công tác HSSV ghi nhận 7.528 lượt sinh viên tham gia ý kiến qua cả kênh trực tiếp và trực tuyến. Các ý kiến đều được ghi nhận, giải đáp kịp thời.

Mỗi ý kiến là một lời vàng

Theo Chủ tịch Hội đồng trường Viện Đại học Mở Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Mai Hương: Chúng ta phải coi mỗi ý kiến góp ý của các bạn sinh viên là một lời vàng. Được nghe được những phản hồi về hoạt động điều hành và đào tạo của các khoa, trường từ sinh viên để lấy đó điều chỉnh theo hướng đáp ứng yêu cầu tốt nhất của người học là quan điểm chỉ đạo nhất quán nhiều năm nay của Hội đồng trường và Ban giám hiệu.

“Cũng chính từ việc lắng nghe các ý kiến đó, chúng tôi đã kịp thời giải quyết những thắc mắc của sinh viên và chính việc này cũng hỗ trợ nâng cao chất lượng đào tạo. Việc làm này với Viện Đại học Mở chúng tôi đã có ngay từ những năm đầu thành lập, cách đây 25 năm, và đến nay vẫn được thực hiện, cách thức và nội dung ngày càng sâu rộng, bám sát hơn vào những vấn đề thực tiễn liên quan đến việc học, sinh hoạt đoàn hội, thực hành – thực nghiệp và quan trọng nhất là việc làm sau tốt nghiệp của các bạn” – PGS.TS Nguyễn Mai Hương cho biết.

Chia sẻ suy nghĩ của sinh viên, Bí thư Đoàn trường Đỗ Ngọc Anh, cho rằng: Mạng xã hội ngày càng phát triển và là kênh thông tin tác động không nhỏ đến sinh viên. Nếu các bạn không được nói, không được đưa ra ý kiến của mình và chúng ta không lắng nghe các bạn là sai lầm.

Thêm nữa, những câu hỏi đó đều gắn với quyền lợi của các bạn trách nhiệm của thầy cô và nhà trường. Thế nên, đối thoại dân chủ trong sinh viên là hết sức cần thiết. Hơn nữa, cũng chính từ các cuộc đối thoại này sinh viên cũng được tôi rèn bản lĩnh và những hiểu biết chính trị, tinh thần trách nhiệm cá nhân của chính mình và với nhà trường và xã hội.

“Chúng tôi coi đây là một sinh hoạt chính trị - dân chủ, mỗi ý kiến đóng góp của sinh viên đã tạo ra không khí dân chủ, cởi mở trong công tác đào tạo của toàn viện, đồng thời nêu cao trách nhiệm của cả lãnh đạo, giảng viên và sinh viên trong hoạt động đào tạo” – Bí thư Đoàn trường Đỗ Ngọc Anh nêu rõ.


Đối thoại với sinh viên để lắng nghe những lời góp ý thẳng thắn - cho dù đây là một chủ trương hay, được đông đảo sinh viên hưởng ứng nhưng không phải giảng viên nào cũng đồng tình, hơn ai hết chúng tôi hiểu và cảm thông vì thầy cô cũng có lúc khiến sinh viên không vừa ý và việc e ngại có ý kiến về mình cũng là điều dễ hiểu. Nhưng quan điểm của chúng tôi đây là dịp để không chỉ các giảng viên mà chính lãnh đạo khoa, trường cùng phải lắng nghe sinh viên để sửa mình nên không có gì phải e ngại. Chúng tôi cũng đã giải thích rất rõ cho các thầy cô, đây không phải là vấn đề khó nhất. Và các giảng viên đều đã hiểu và xác định đối thoại với sinh viên là việc quan trọng, mình có được nghe những góp ý chân tình thì mới có những đổi thay và sửa đổi thích hợp, đáp ứng tốt hơn công tác giảng dạy của mình. TS Trương Tiến Tùng, Viện trưởng Viện Đại học Mở Hà Nội
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top