Đổi mới kiểm tra đánh giá góp phần đổi mới cách dạy, cách học

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
GD&TĐ - ThS Nguyễn Ngọc Dung (Trường CĐSP Hà Nội) cho rằng, một trong những vấn đề quyết định chất lượng đào tạo khi chuyển đổi sang học chế tín chỉ, về phía người thầy, đó là đổi mới cách dạy và cách kiểm tra đánh giá theo hướng kích thích tính chủ động, tích cực của người học.


Đổi mới cách dạy bắt đầu từ nhận thức về vai trò người thầy

Cho rằng, bất kì sự đổi mới nào trong hành động phải được bắt đầu từ đổi mới trong nhận thức, theo ThS Nguyễn Ngọc Dung, đối với việc đổi mới phương pháp dạy học phải xuất phát từ việc thay đổi về nhận thức đối với vai trò của người thầy trong quá trình dạy học.

Theo phương thức đào tạo truyền thống, giảng viên là người thuyết trình, diễn giảng; sinh viên là người nghe, cố gắng ghi nhớ, ghi chép và suy nghĩ theo.

Như vậy, người thầy đóng vai trò là chủ thể, là tâm điểm, sinh viên là khách thể, là quỹ đạo. Cách thức dạy học này có ưu điểm là làm nội dung bài dạy có tính hệ thống, tính logic cao.

Song do quá đề cao vai trò của người thầy nên tất yếu dẫn đến hệ quả là sinh viên rơi vào trạng thái thụ động tiếp thu kiến thức và do đó kĩ năng tìm tòi, năng lực sáng tạo, vận dụng thực tế .. .của các em bị hạn chế.

Trong đào tạo theo tín chỉ, bên cạnh là người truyền đạt kiến thức, người thầy có vai trò quan trọng trong việc định hướng cho sinh viên phát huy tính chủ động, năng lực sáng tạo, khả năng tự phát hiện vấn đề và giải quyết vấn đề.

Để làm được điều này, người dạy phải biết lựa chọn những vấn đề cơ bản, cốt lõi, quan trọng để dạy, còn những vấn đề đơn giản, những vấn đề cần sự tư duy, sáng tạo độc lập thì phải để cho người học tự nghiên cứu.

Theo đó, việc lựa chọn kiến thức để xây dựng thành các bài tập cá nhân, bài tập nhóm, áp dụng các hình thức tổ chức dạy học mới, song song với việc hướng dẫn và tạo ra cơ chế để các em thực hiện tốt các yêu cầu trên của giáo viên là vấn đề cốt lõi trong việc thay đổi cách dạy.

Như vậy, với phương thức đào tạo mới này, người thầy phải chuyển từ vai trò của người đơn thuần truyền thụ kiến thức sang vai trò của người hướng dẫn, hỗ trợ và cố vấn.

“Theo chúng tôi, việc đổi mới nhận thức về vai trò của người thầy có ý nghĩa quan trọng trong việc đổi mới phương pháp dạy học. Bởi không có hệ thống phương pháp dạy học tích cực nào được coi là chung, là chuẩn mực cho mọi môn học, cho mọi nội dung kiến thức, cho mọi đối tượng người học.” - ThS Nguyễn Ngọc Dung chia sẻ.

Nhưng, với nhận thức đúng đắn về vai trò của mình trong xu hướng mới của giáo dục đào tạo, ThS Nguyễn Ngọc Dung cho rằng, mỗi người thầy sẽ biết mình phải làm gì, lựa chọn phương pháp nào để không những truyền đạt kiến thức cho người học một cách tốt nhất mà còn góp phần cung cấp cho họ khả năng tư duy độc lập, sáng tạo và những kĩ năng cần thiết khác cho quá trình lập nghiệp của sinh viên sau này.

Đổi mới kiểm tra đánh giá góp phần đổi mới cách dạy, cách học

Song song với đổi mới cách dạy và để tạo cơ chế đổi mới cách học của sinh viên, ThS Nguyễn Ngọc Dung đồng thời lưu ý tầm quan trọng của đổi mới đánh giá.

Giảng viên này đưa ví dụ: Đối với các môn khoa học xã hội, nếu việc kiểm tra đánh giá chủ yếu thông qua kì thi kết thúc học phần và nội dung kiểm tra chỉ dừng ở mức độ ghi nhớ và giới hạn trong 2 đến 3 câu hỏi tự luận thì mong muốn thay đổi cách học ở sinh viên và nỗ lực đổi mới cách dạy của người thầy sẽ gặp nhiều bước cản.

Bởi lẽ, cách thức và nội dung đánh giá như trên sẽ khuyến khích người học học một cách máy móc, thụ động, tiêu cực hơn là trông chờ vào việc học tủ và quay cóp.

Vì vậy, việc đổi mới kiểm tra đánh giá, với tính chất là cú hích quan trọng đối với việc đổi mới cách dạy, cách học phải đáp ứng hai yêu cầu cơ bản.

Cụ thể: Ngoài việc kiểm tra khối lượng kiến thức thu nhận được, cần tập trung đánh giá khả năng tư duy và các kĩ năng như phân tích, tổng hợp, vận dụng thực tiễn... của người học.

Để đạt được yêu cầu này, việc lựa chọn nội dung và hình thức kiểm tra, đánh giá có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Ví dụ, ở những môn lí luận chính trị, có thể kết hợp đánh giá bằng câu hỏi trắc nghiệm khách quan và câu hỏi tự luận.

Trong đó, nội dung câu hỏi tự luận nên hướng vào việc phát triển tư duy phân tích, tổng hợp, đánh giá, vận dụng và liên hệ kiến thức đã học với thực tiễn đời sống xã hội.

Câu hỏi tự luận cũng có thể là vấn đề mở và cho phép sinh viên được tham khảo các tài liệu liên quan để giải quyết vấn đề.

Việc kiểm tra, đánh giá, theo ThS Nguyễn Ngọc Dung, phải được tiến hành một cách thường xuyên.

Đánh giá thường xuyên có hệ thống sẽ cung cấp kịp thời những thông tin phản hồi cho người dạy và người học, thông qua đó điều chỉnh hoạt động dạy và học sao cho phù hợp.

Để đảm bảo tính tính thường xuyên, ThS Nguyễn Ngọc Dung cho rằng, cần tiến hành kiểm tra đánh giá sau mỗi bài học, chương học.

Có thể sử dụng các phiếu bài tập trắc nghiệm khách quan giúp kiểm tra mức độ tư duy của sinh viên, khả năng tự đọc, tự nghiên cứu một cách nhanh chóng và thuận tiện, đồng thời đó cũng là kênh thông tin giúp giáo viên kịp thời điều chỉnh phương pháp dạy học một cách thích hợp.

Ngoài hình thức kiểm tra đánh giá trên lớp, giáo viên cần kết hợp các hình thức đánh giá khác như bài tập cá nhân, bài tập nhóm, tiểu luận...
Nguồn: giaoducthoidai.vn
 
Last edited by a moderator:

Bình luận bằng Facebook

Top