Đổi mới dạy học Lịch sử với sơ đồ tư duy

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Sử dụng SĐTD trong kiểm tra bài cũ

Vì thời gian kiểm tra bài cũ không nhiều, chỉ khoảng 5-7 phút nên yêu cầu của giáo viên thường không quá khó, không đòi hỏi nhiều sự phân tích, so sánh để trả lời câu hỏi.

Giáo viên thường yêu cầu học sinh tái hiện lại một phần nội dung bài học bằng cách gọi học sinh lên bảng trả lời câu hỏi; chấm điểm tùy vào mức độ thuộc bài của học sinh. Cách làm này vô tình để nhiều học sinh rơi vào tình trạng “học vẹt”, đọc thuộc lòng mà không hiểu bài.

Do đó, cần phải có sự thay đổi trong việc kiểm tra, đánh giá nhận thức của học sinh, yêu cầu đặt ra không chỉ “phần nhớ” mà cần chú trọng đến “phần hiểu”. Cách làm này vừa tránh được việc học vẹt, vừa đánh giá chính xác học sinh, đồng thời nâng cao chất lượng học tập.

Sử dụng sơ đồ tư duy vừa giúp giáo viên kiểm tra được phần nhớ lẫn phần hiểu của học sinh đối với bài học cũ. Các bản đồ thường được giáo viên sử dụng ở dạng thiếu thông tin, yêu cầu học sinh điền các thông tin còn thiếu và rút ra nhận xét về mối quan hệ của các nhánh thông tin với từ khóa trung tâm.

Ví dụ: Trước khi dạy học Bài 5: Các nước Châu Phi và Mỹ la tinh (Lịch sử 12), giáo viên sẽ kiểm tra kiến thức của học sinh ở bài 4: Các nước Đông Nam Á và Ấn Độ, giáo viên yêu cầu học sinh lên bảng điền các thông tin còn thiếu để hoàn thiện SĐTD về sự ra đời và quá trình phát triển thành viên của tổ chức ASEAN (Phần I, mục 3)



Sử dụng SĐTD trong giảng bài mới

Sử dụng bản đồ tư duy là một gợi ý cho cách trình bày. Giáo viên thay vì gạch chân đầu dòng các ý cần trình bày lên bảng thì sử dụng SĐTD để thể hiện một phần hoặc toàn bộ nội dung bài học một cách rất trực quan.

Ví dụ 1: Bài 16: Phong trào giải phóng dân tộc và Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm (1939 -1945). Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (Lịch sử 12), để xác định lệnh Tổng khởi nghĩa, việc giành chính quyền ở Hà Nội, trong cả nước và ý nghĩa lịch sử, nguyên nhân thành công của cách mạng tháng Tám là phần kiến thức không khó nhưng không dễ nhớ đối với học sinh. Nếu giáo viên sử dụng phương pháp trình bày truyền thống thì vấn đề vẫn được giải quyết nhưng không hiệu quả.

Vì nội dung dàn trải, hết nội dung này đến nội dung khác, học sinh sẽ không thấy được mối quan hệ về việc chớp thời cơ để Tổng khởi nghĩa và việc giành chính quyền ở Hà Nội có ý nghĩa như thế nào đối với việc giành chính quyền trong cả nước và đặc biệt là ý nghĩa to lớn, nguyên nhân thành công của cách mạng tháng Tám.

Do vậy, sau khi giới thiệu xong nội dung kiến thức cần nắm trong bài học, giáo viên có thể tổ chức cho học sinh làm việc cá nhân hoặc theo nhóm nhỏ, dựa vào nội dung trong sách giáo khoa, bản đồ trong sách giáo khoa, bản đồ treo tường để hoàn thành bài tập. Cuối cùng giáo viên cùng học sinh hoàn thiện được một sơ đồ tư duy kiến thức theo ý muốn của mình

Sử dụng sơ đồ tư duy trong việc củng cố kiến thức bài học

Củng cố kiến thức cho học sinh sau bài học thì dạng bài tập thích hợp là cho học sinh tự thiết kế một sơ đồ theo ý muốn sáng tạo của mình với màu sắc tùy ý.

Giáo viên có thể giao cho học sinh vẽ sơ đồ thiếu nội dung kiến thức cụ thể hoặc đầy đủ lượng kiến thức của bài học vừa được dạy, cho học sinh hoạt động cá nhân hoặc nhóm. Tuy nhiên, các thông tin còn thiếu này sẽ bao trùm nội dung toàn bài để một lần nữa khắc sâu kiến thức và lưu ý đến trọng tâm bài học.

Ví dụ: Khi dạy Bài 1: Trật tự thế giới mới sau chiến tranh thế giới thứ hai (lịch sử 12), sau khi học sinh đã tự thiết kế cho mình một SĐTD xong thì giáo viên có thể củng cố kiến thức bài học cho học sinh với SĐTD mà giáo viên đã chuẩn bị sẵn như sau:


Ví dụ: Khi dạy Bài 18 : Những năm đầu của cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp (1946-1950) (lịch sử 12), sau khi dạy xong mục IV: Hoàn cảnh lịch sử mới và chiến dịch Biên giới thu – đông 1950, giáo viên có thể nhấn mạnh nội dung kiến thức bài học này một cách đầy đủ và trực quan bằng SĐTD mà giáo viên đã chuẩn bị sẵn:

Qua việc củng cố nội dung bài học theo hình thức này học sinh sẽ nhớ lâu, nhớ kỹ nội dung bài học và phát huy được tính sáng tạo, tư duy của mình, các em sẽ yêu thích môn Lịch sử hơn.
SĐTD hỗ trợ cho tiết tổng kết, ôn tập kiến thức

Sau mỗi chương, mỗi phần, giáo viên cần phải tổng kết, ôn tập, hệ thống hóa kiến thức cho học sinh trước khi các em làm bài tập và làm bài kiểm tra chương, kiểm tra học kì, thi cuối năm.

Với thế mạnh của SĐTD là kiến thức được hệ thống hóa dưới dạng sơ đồ, các đường nối, là sự diễn tả mạch logic kiến thức hoặc các mối quan hệ nhân quả hay quan hệ tương đương, cộng thêm màu sắc của các đường nối, màu sắc của các đơn vị kiến thức, SĐTD sẽ giúp học sinh nhìn thấy “Bức tranh tổng thể” cả phần kiến thức đã học. Có nhiều cách xây dựng SĐTD trong tiết ôn tập, củng cố:

Thông thường giáo viên cho một số câu hỏi và bài tập để học sinh chuẩn bị ở nhà. Trong tiết ôn tập, củng cố, giáo viên hướng dẫn học sinh tự lập SĐTD, sau đó cho học sinh trao đổi kết quả với nhau và sau cùng đối chiếu với SĐTD do giáo viên lập ra. Từng em có thể bổ sung hay sửa lại SĐTD của mình và coi đó là tài liệu ôn tập của mình.

Cách khác: Giáo viên lập SĐTD mở. Trong giờ ôn tập, củng cố, giáo viên chỉ vẽ một số nhánh chính, thậm chí không đủ nhánh, hoặc thiếu, hoặc thừa thông tin trong tiết học đó, giáo viên yêu cầu học sinh tự bổ sung, thêm hoặc bớt thông tin, để cuối cùng toàn lớp lập được một SĐTD ôn tập, củng cố kiến thức chương đó tương đối hoàn chỉnh và hợp lý. Cách làm này sẽ lôi cuốn được sự tham gia của học sinh (suy nghĩ nhiều hơn, trao đổi nhiều hơn, tranh luận nhiều hơn) và giờ ôn tập, tổng kết chương sẽ không tẻ nhạt và có chất lượng hơn.

Bên cạnh đó còn có cách khác như chia nhóm và từng nhóm lập SĐTD. Sau đó các nhóm lên trình bày SĐTD của nhóm, nhóm khác nhận xét về:

Nội dung cơ bản kiến thức trong chương đã đủ chưa? Còn sót kiến thức nào không? Cách trình bày đã hợp lý chưa? Vị trí các thông tin như thế nào? Cấu trúc của SĐTD đã hợp lý chưa? Đã làm nổi bật nội dung cơ bản chưa? Nhìn tổng thể có hợp lý không, có hấp dẫn được người học không?

Với cách lập SĐTD như trên, chắc chắn giờ ôn tập, củng cố kiến thức sẽ mang lại hiệu quả cao.
Nguồn: giaoducthoidai.vn
 

Bình luận bằng Facebook

Top