Đoác / báng / mạy pảng / tà vạc / dừa núi / rượu trời

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Cây này, tiếng Việt (gồm tiếng Kinh cùng tiếng các dân tộc ít người) gọi bằng nhiều tên, tạm kể chưa đầy đủ: Đoác / đác / tà vạc / co pảng / mạy pảng / mạy khuông / dừa núi / rượu trời / báng / bụng báng / búng báng / báng búng. Cũng còn gọi quang lang, do phiên âm Hán - Việt tiếng Hoa 桄榔, bính âm phát guāng láng. Các thứ tiếng khác cũng gọi cây này bằng nhiều tên, chẳng hạn:

* Tiếng Anh: Sugar palm, black sugar palm, areng palm, arengga palm, kaong palm, etc.

* Tiếng Pháp: Aren, enau, irok, kaong, palmier à sucre, palmier arenga, palmier areng, palmier à fibres noires, palmier gomuti, etc.

Từ năm 1917, quốc tế định danh khoa học cây này là Arenga pinnata (Wurmb) Merr. thuộc họ thực vật Arecacee còn gọi họ Cau, họ Dừa, họ Cọ.

Đoác / báng có thân cột, cao 8 - 20m, gốc lẫn ngọn có đường kính tương đương 0,3 -0,5m. Ruột đặc, cấu trúc sợi màu trắng mềm trải thưa dọc theo chiều thân cây. Lá xẻ lông chim to, hao hao lá dừa, nên cây này còn mang tên dừa núi. Lá mặt trên màu lục, mặt dưới trắng nhạt, rộng 1,5m, dài 6 - 12m, các lá chét mọc thành 1 - 6 hàng, cuống lá to dài. Bông mo dài 0,9 - 1,2m, phân nhánh nhiều. Hoa đực có 70 - 80 nhị. Hoa cái có 3 lá đài còn lại trên quả. Quả khối cầu, đường kính 7cm, vỏ chuyển từ màu xanh lúc non đến màu đen lúc chín.

Loài thực vật này có nguồn gốc ở khu vực nhiệt đới Á châu, từ phía Đông đất nước Ấn Độ đến phía Đông các quốc gia Malaysia, Indonesia, Philippines. Tại đất nước Việt Nam đoác / báng được phân bố tự nhiên từ các tỉnh biên giới phía Bắc đến miền Đông và miền Tây Nam Bộ, kể cả mũi Cà Mau cùng huyện đảo Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang.

Sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS.TS Đỗ Tất Lợi (NXB Khoa học Kỹ thuật, 1981, trang 682 - 683) cho biết đoác / báng có nhiều công dụng hữu ích: “Nhân dân vùng núi thường trồng để ngả cây khi cây bắt đầu ra hoa rồi lấy từ ruột thân một thứ tinh bột màu nâu hồng nhạt; lấy phần ruột của thân cây, giã nhỏ, lọc lấy tinh bột rồi phơi hay sấy khô. Một cây có thể cho từ 20 - 100kg tinh bột. Tại các chợ, người ta bán với tên bột báng.(…) Khi cây bắt đầu có quả, người ra cắt bông mo hoa đực và cái, được một thứ nước rất ngọt chảy ra. Nước này có thể thêm men để cất rượu hoặc cô đặc thêm vôi được một thứ đường. Nhân hạt luộc chín được ăn với tên hạt đoác. Những sợi còn lại trong thân có thể dùng làm chỉ khâu hay bện làm dây thừng. Những sợi nhỏ mịn có thể làm bùi nhùi.(…) Ngoài ra, thân cây còn được dùng làm thuốc chữa sốt, lợi tiểu”.

Lưu ý rằng, đến giữa thế kỷ XX, lương thực chính của dân tộc Rục ở tỉnh Quảng Bình là bột báng. Còn tại Trung Quốc, bột báng chẳng những được chế biến thành nước giải khát mát bổ, mà còn là chất phụ gia đáng kể trong ẩm thực, đặc biệt là trong công nghệ sản xuất bánh kẹo. Hạt đác, tức lõi của quả đoác, trở thành món ăn được nhiều nơi ưa chuộng, Philippines gọi kaong, Indonesia gọi kolang-kaling.

Tại Việt Nam, một số dân tộc thiểu số như người Dao ở tỉnh Cao Bằng, người Cơ Tu ở tỉnh Quảng Nam có kinh nghiệm truyền thống đầy kỳ công về ủ lên men rồi chưng cất rượu từ cây đoác. Rượu đoác / báng / tà vạc được lâm dân thích thú thưởng thức. Họ mệnh danh thức uống đặc sản này là‚ “lộc rừng” “tình núi”, “bia đại ngàn”. Cây đoác / báng còn có tên cây rượu trời vì vậy.

Bài Nguồn lợi từ cây báng rừng của Văn Hiếu đăng trên báo Cao Bằng điện tử 23/6/2017 có đoạn: “Lõi cây báng chứa nhiều chất bột, đường và một số dưỡng chất khác, do vậy phần lõi của thân cây báng được người dân chế biến thành mật để ăn, bột báng để làm lương thực, thực phẩm. Thông thường, người dân lấy xơ lõi cây báng cho vào nồi nước đun kỹ rồi lọc sạch bã, sau đó đun liên tiếp phần nước đó đến khi quyện thành mật. Mật báng có vị ngọt thanh mát và hương thơm đặc trưng. Ngoài ra, người dân còn sử dụng phần lõi cây báng về ủ men làm nguyên liệu nấu rượu, tiếng địa phương gọi là “lẩu pảng”. Rượu báng có vị ngọt, đắng nhẹ, hơi cay. Hiện nay, ở vùng cao, người dân vẫn nấu rượu báng, nhưng chủ yếu phục vụ cho gia đình. Họ quan niệm rằng khi khách quý đến nhà, dùng rượu báng tiếp là thể hiện tấm lòng thành với anh em, bạn bè.

Món nhộng lấy ra từ thân cây báng nức tiếng thơm ngon và bổ dưỡng, là đặc sản hiếm có của những người dân vùng núi cao. Khi cây báng bị gãy đổ hoặc chặt hạ để khai thác, thường xuất hiện loại bọ cánh cứng, gọi là “tua quăng”, đẻ trứng vào lõi cây, phát triển thành nhộng - một loại côn trùng to bằng ngón chân cái, gọi là “đuổng pảng”. Nhộng báng phát triển và sinh sản mạnh vào thời điểm tháng 5, tháng 6 âm lịch. Nhộng báng có thể chế biến thành món ăn khoái khẩu, như nhộng xào măng chua, nhộng rang lá chanh hoặc lá mắc mật. Hiện nay, nhộng báng được nhiều người tìm mua, là món đặc sản tại nhiều quán ăn, nhà hàng”.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top