“Định vị” vai trò của giảng viên giúp sinh viên rèn điểm yếu tự học

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Thạc sĩ Phan Thị Cẩm Lai - Giảng viên Trung tâm Lý luận chính trị (ĐHQG TPHCM)- chia sẻ những nội dung giảng viên cần đặc biệt lưu ý giúp sinh viên tự học hiệu quả, đặc biệt với những nội dung rất khó như các môn lý luận chính trị.

Xác định đối tượng, động cơ, mục đích học tập

Có một số sinh viên cho rằng, các môn lý luận chính trị là môn học thuần túy chính trị, nặng về đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, không liên quan gì tới chuyên môn, công việc sau này của mình, dẫn tới động cơ học tập không cao, thái độ học tập chưa đúng đắn, học chỉ để thi cho qua, học để trả nợ, học mang tính đối phó.

Vì vậy nhiệm vụ, vai trò của giảng viên khi bước vào đầu những học phần của các môn học lý luận chính trị cần phải xác định cho sinh viên những nội dung khái quát của môn học và trả lời cho được những câu hỏi mà người học đặt ra: Học cái gì? Học để làm gì? Và học như thế nào?...

Một khi đã thấy rõ tầm quan trọng, tính thiết thực của môn học, sinh viên sẽ xác định rõ động cơ và mục đích học tập các môn lý luận chính trị, từ đó tạo niềm say mê, hứng thú học tập của sinh viên và hình thành nên mục đích tự học, tự tìm hiểu để lĩnh hội tri thức.

Giảng viên cần phân tích rõ vai trò của các môn lý luận chính trị trong việc góp phần hình thành, bồi dưỡng cho sinh viên thế giới quan, phương pháp luận khoa học, trang bị những kiến thức cơ bản về tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, góp phần định hướng suy nghĩ, hành động và hoàn thiện nhân cách cho thế hệ trẻ…

Hướng dẫn, phác thảo cho sinh viên xây dựng phương pháp học phù hợp

Khi tiếp cận các môn lý luận chính trị đòi hỏi sinh viên phải có khả năng khái quát hóa, trừu tượng hóa, hệ thống hóa thông qua việc hệ thống các khái niệm, phạm trù, thuật ngữ…

Điều này trái ngược hoàn toàn với thực tiễn khi đa phần thời lượng giảng dạy các môn học này đều rơi vào khoảng thời gian sinh viên đang học năm hoặc năm 2 nên không tránh khỏi những khó khăn nhất định cho sinh viên khi tiếp thu.

Nhiều sinh viên không hiểu và không diễn đạt được các nội dung cơ bản của môn học dẫn đến tình trạng sinh viên tỏ ra chán học và kết quả học tập không cao.

Vì vậy giảng viên sẽ là người hướng dẫn sinh viên phương pháp tự học một cách khoa học ở các khâu: Đọc hiểu giáo trình, tài liệu, cách phát hiện vấn đề khi nghiên cứu, cách ghi chép lại chuỗi thông tin có liên quan đến vấn đề cần giải quyết, cách tổng hợp thông tin thu thập được, cách đánh giá các sự kiện, dữ liệu…

Đồng thời, trong quá trình xây dựng đề cương chi tiết của môn học, giảng viên sẽ nêu rõ nội dung nào sinh viên phải tự nghiên cứu bằng việc tìm đọc các tài liệu có liên quan trong danh mục tài liệu tham khảo phục vụ cho môn học, mục đích kiến thức cần đạt được qua mỗi phần nội dung, các tiêu chí và hình thức đánh giá kết quả tự nghiên cứu, tìm tòi của sinh viên…

Tuy nhiên, trong quá trình hướng dẫn giảng viên cần tránh làm cho sinh viên có tư tưởng ỷ lại, dựa dẫm vào người khác.

Xây dựng đề tài, chủ điểm và tổ chức tốt thảo luận, tranh luận

Phương pháp dạy học hiện đại trên thế giới đều chứng minh hình thức thảo luận đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình dạy và học.

Bởi vì hoạt động thảo luận sẽ tạo cơ hội tối đa cho mọi thành viên trong tổ hoặc nhóm được bộc lộ sự hiểu biết của mình, tạo nên sự dạn dĩ cho các thành viên khi tham gia phát biểu, tranh luận.

Trong quá trình thảo luận, vai trò của giảng viên mang tính hỗ trợ, là người định hướng, trợ giúp, hệ thống hóa kiến thức và khái quát hóa các kết luận sau khi các tổ, các nhóm đã thuyết trình, thảo luận.

Giảng viên không chỉ là người truyền thụ thông tin khoa học, chuẩn xác, mà quan trọng hơn là dạy cho sinh viên phương pháp suy nghĩ, phát triển khả năng tư duy khoa học, biết nêu vấn đề, nhận xét, đánh giá, phản biện và từ đó đi đến khái quát hóa nội dung.

Bên cạnh đó, việc mạnh dạn đưa ra những quan điểm trái chiều của giảng viên sẽ kích thích sinh viên thảo luận và định hướng cho sinh viên.

Tuy nhiên liều lượng kiến thức thảo luận phải sát với thực tiễn, gắn lý luận với thực tiễn, phải phù hợp với trình độ và quy luật nhận thức, phù hợp với nhiệm vụ và chuyên ngành sinh viên đang theo học.

Quá trình phân công nhiệm vụ trong việc chuẩn bị các đề tài, chủ điểm còn giúp cho sinh viên tạo dựng thói quen tổ chức, phân bổ công việc và làm việc nhóm, tương tác trong tập thể một cách hiệu quả.

Hình thành thói quen, kỹ năng sưu tầm, tra cứu tài liệu

Xã hội hiện đại đang khiến phần lớn sinh viên rời xa việc đọc sách và chỉ chú ý đến phương tiện nghe nhìn khác. Vì vậy, vai trò của giảng viên thể hiện ở chỗ chỉ ra được việc đọc sách là phương pháp tự học rẻ tiền và hiệu quả nhất.

Việc rèn luyện thói quen đọc sách là một công việc không thể tách rời trong quá trình tự học. Bên cạnh giáo trình, giảng viên hướng dẫn sinh viên có thể đọc thêm tài liệu ở các thư viện, nhà sách, hội sách, truy cập thông tin trên mạng internet và các phương tiện khác để làm phong phú, đa dạng nguồn dữ liệu.

Dạy cho sinh viên cách thức tổ chức, điều khiển hoạt động tự nhận thức và hình thành cho sinh viên nhu cầu thường xuyên tự học tập, tìm tòi kiến thức, trang bị cho sinh viên năng lực tổ chức lao động trí óc một cách hợp lý, làm cho sinh viên định hướng được kiến thức bài học và tự khai thác tri thức.

Lập kế hoạch học tập

Để tạo điều kiện cho sinh viên lập kế hoạch học tập một cách khoa học không chỉ cho riêng các môn lý luận chính trị mà còn cho tất cả các môn mà sinh viên đăng ký theo học, ngay từ đầu học kì giảng viên sẽ cung cấp cho sinh viên đề cương chi tiết môn học, giới thiệu giáo trình, tài liệu tham khảo, hình thức điểm danh, số lượng bài kiểm tra, hình thức thảo luận trên lớp, cách tính điểm chuyên cần, điểm giữa kì, điểm tổng kết môn, hình thức thi kết thúc môn, hướng dẫn sinh viên tự học ở nhà…

Từ đó giúp sinh viên có thể khái quát và hình thành nên kế hoạch học tập phù hợp cho từng môn học tránh trường hợp bị dồn ứ nhiều môn khi vào mùa thi cử.

Vai trò của giảng viên thể hiện ở việc quán triệt cho sinh viên hiểu rõ: Mọi kế hoạch phải được xây dựng dựa trên những mục tiêu cụ thể và hoàn toàn có thể phấn đấu thực hiện được.

Trong đó, cần xác định rõ nội dung nào nên giải quyết trước và vấn đề nào nên giải quyết sau. Có như thế, quá trình học tập các môn lý luận chính trị sẽ giúp cho sinh viên góp nhặt được những tri thức, tích lũy kết quả học tập một cách bền vững và hiệu quả.

Tuy nhiên, việc tự học của sinh viên chỉ có kết quả tốt khi có sự theo dõi, kiểm tra và đánh giá thường xuyên của giảng viên; bởi vì chỉ thông qua kiểm tra đánh giá mới giúp sinh viên biết rõ ưu, nhược điểm của mình để có thể điều chỉnh hợp lý nhằm nâng cao hiệu quả học tập.
Nguồn: giaoducthoidai.vn
 

Bình luận bằng Facebook

Top