Điểm “SÁNG” của đề thi Lịch sử: Không cứng nhắc, khuôn mẫu

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
>>> F5 để cập nhật thông tin

Thầy Đỗ Quế Chuyên - Giáo viên Trường THPT Mường Chà (Điện Biên):

Ở tất cả các câu hỏi trong đề thi môn Lịch sử đều có sự phân hóa, như câu 1 và câu 2 được cho là dễ nhất trong toàn bộ đề thi, nhưng cũng có sự phân hóa.

Nếu đọc ý thứ nhất của câu hỏi 1, nhiều thí sinh cho rằng chỉ cần "học thuộc lòng" là làm được bài, nhưng vế sau đề yêu cầu "...đặc điểm lớn nhất...", vì vậy thí sinh cũng phải cần phải tư duy, vận dụng kiến thức mới có thể "ăn điểm" trọn vẹn. Đây cũng chính là mức độ phân hóa của câu hỏi.

Câu hỏi 2 ý thứ hai, để đạt điểm tối đa, thí sinh không chỉ nêu vai trò của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đối với cách mạng Việt Nam như trong sách giáo khoa, mà thí sinh cần biết liên hệ, vận dụng kiến thức lịch sử để trình bày vào bài thi.

Câu hỏi 3 và câu 4 thể hiện sự phân hóa rõ rệt nhất, đặc biệt là câu 4. Đây là câu hỏi mở, vì thí sinh không chỉ nắm chắc kiến thức lịch sử mà còn phải liên hệ thực tế và khả năng tư duy cao, trình bày được quan điểm cá nhân về những giải pháp để phát huy đại đoàn kết dân tộc.

Nhìn chung, đề thi môn Lịch sử năm nay không khó, nhẹ nhàng bám sát với định hướng của Bộ GD&ĐT, cấu trúc giống như đề thi năm trước; kiến thức trải đều từ mức độ cơ bản nhất đến mức cao. (Minh Phong ghi).

* Thầy Hà Văn Đường - giáo viên Trường THPT Mù Cang Chải (Yên Bái):

Nhìn một cách tổng thể thì đề thi năm nay hay, không gây áp lực cho học sinh. Tuy nhiên, với đề thi này thì học sinh phải học hiểu thực sự mới có thể làm được bài.

Đề thi năm nay, học sinh dân tộc có học lực trung bình cũng có thể làm được từ 60% đến 70%. Riêng câu 1, câu 2 chỉ yêu câu học sinh nắm chắc kiến thức cơ bản là làm được bài.

Câu 3, câu 4 có sự phân hóa rõ ràng. Mới đọc thì tưởng khó nhưng thực ra đó là những vấn đề rất gần gũi, quen thuộc. Chẳng hạn như ở câu 3 ý thứ nhất, học sinh chỉ cần nêu ý nghĩa của cuộc Tổng tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 -1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ, sau đó phân tích, mở rộng kiến thức là có thể yên tâm "rinh" điểm về cho mình.

Riêng câu 4 là câu có sự phân hóa nhất. Đây là câu mà tôi thích nhất trong đề thi năm nay bởi câu hỏi đã đề cập đến vấn mà bất kỳ công dân Việt Nam cũng phải quan tâm đó là: Đại đoàn kết dân tộc.

Đây không phải là vấn đề mới, thời sự nóng hổi nhưng lúc cùng cần. Để làm được câu này, đòi hỏi thí sinh phải biết vận dụng từ những kiến thức lịch sử trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc đến thời kỳ hội nhập như hiện nay. Câu hỏi này đã khơi dậy lòng yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc cho thế hệ trẻ.

Không chỉ đơn thuần là kiến thức lịch sử, ở câu hỏi này cũng yêu cầu học sinh phải có kỹ năng tư duy logic, kỹ năng trình bày và kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tế. (Minh Phong ghi).

Thầy Nguyễn Trường Sa - Giáo viên môn Lịch Sử Trường THPT Đakmil (tỉnh Đắk Nông):

Là một giáo viên dạy Lịch sử, tôi rất đồng tình với cách ra đề thi năm nay của Bộ GD&ĐT. Nội dung đề thi về cơ bản đề đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và thể hiện rõ sự phân hóa từng đối tượng học sinh.

Những nội dung đề thi rất gần gũi với những vấn đề đang đặt ra ở thực tiễn: Ví dụ nguồn gốc và đặc điểm của cuộc cách mạng khoa học công nghệ nửa sau thế kỷ XX. Từ việc nhận thức sâu hơn về vấn đề này, các em có thể liện hệ đến thực tế phát triển của đất nước ta hiện nay trong thời kỳ công nghiệp hóa mạnh mẽ.

Câu IV của đề thi phát huy được tính tư duy và liên hệ thực tiễn học sinh. Đây cũng chính là câu hỏi để học sinh giỏi lấy điểm cao. Để làm tốt câu này đòi hỏi học sinh phải có lượng kiến thức cơ bản. Biết liên hệ với thực tiễn đoàn kết dân tộc. Nếu học sinh chỉ học tủ trong sách vở, xa rời thực tế sẽ rất khó khăn trong việc lấy điểm cao.

Mức điểm phân bổ cho từng câu hỏi trong đề thi rất phù hợp. Với hệ thống câu hỏi này, tôi tin rằng học sinh một trường thuộc Tây Nguyên như sẽ THPT Đakmil cũng sẽ hoàn thành tốt bài thi.

Dự đoán phổ điểm môn thi Lịch sử kỳ thi THPT quốc gia năm nay sẽ rất nhiều điểm khá (6 -7 điểm), nhiều điểm giỏi và không hiếm điểm tuyệt đối. (Kim Thoa ghi)

Cô Nguyễn Thị Bích Diệp - Giáo viên Lịch sử Trường THPT Vũng Tàu (Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

Đề thi Lịch sử sáng nay đã loại bỏ hẳn tính khô khan, khuôn mẫu trong việc học và “hành” môn học này.

Các kiến thức trong 4 câu hỏi nhìn chung gói gọn trong SGK. Tuy có đòi hỏi sự tư duy và tổng hợp của học sinh nhưng với phổ điểm được phân bố đều cho 4 câu, học sinh sẽ dễ dàng kiếm được 6-7 điểm nếu có học bài và được hệ thống kiến thức một cách chắc chắn.

Đề phân loại học sinh ở câu số IV, yêu cầu học sinh phải có kỹ năng hành văn cũng như phải có phổ kiến thức rộng.

Đây là câu hỏi khó, không dễ để lấy trọn vẹn điểm nếu học sinh không thường xuyên theo dõi thời sự, nắm vững những bước tiến và sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Câu hỏi 2 nhỏ trong câu số III là một câu hỏi “sáng” của đề thi Lịch sử năm nay - là sự đổi mới trong phương thức thi cử mà Bộ GD&ĐT đang hướng đến. Câu hỏi mang đến cho học sinh sự chủ động trên nền kiến thức mà mình nắm được, từ đó đưa ra nhận định, ý kiến và góc nhìn của mình về một sự kiện lịch sử. Loại bỏ hoàn toàn kiểu học và thi cũ. Một sự đổi mới rất đáng ghi nhận.

Theo tôi, đây là một đề thi hay, có sự phân loại học sinh tốt. Đáp ứng được đòi hỏi của một đề thi “hai trong một” cũng như thể hiện tư duy đổi mới trong việc dạy và học môn lịch sử. (Anh Tú ghi)
Nguồn: giaoducthoidai.vn
 

Bình luận bằng Facebook

Top