Đến trường là vui

Khánh Linh

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Dạy học tích cực

Cô Nguyễn Thị Nga, Phó Hiệu trưởng, Trường THCS An Thới (Bình Thủy, thành phố Cần Thơ) cho biết: Năm học 2019 - 2020, trường được lựa chọn xây dựng mô hình trường điển hình tiên tiến của quận Bình Thủy. Vì vậy ngay từ đầu năm học, BGH nhà trường đã xây dựng kế hoạch với mục tiêu dạy học gắn liền với thực tế và hoạt động trải nghiệm cho học sinh các khối lớp.

Những tiết học trải nghiệm đầu tiên được tổ chức ngay tại trường với các bộ môn như Vật lý, Địa lý, Sinh học... Ở các tiết học này, học sinh được học tập theo các chủ đề phù hợp với từng môn học, nhằm kích thích tư duy sáng tạo của các em. Mỗi nhóm học sinh sẽ có ý tưởng riêng và tự lập kế hoạch theo nội dung triển khai của nhóm mình. Ví dụ với môn Ngữ văn, các em được trải nghiệm dưới hình thức sân khấu hóa học đường, tham gia đóng các tiểu phẩm văn học. Sau mỗi lần hóa thân vào nhân vật trong tác phẩm, các em cùng chia sẻ suy nghĩ của cá nhân về những tác phẩm đó.

“Song song với đó, nhà trường lựa chọn địa điểm trải nghiệm ngoài nhà trường, đó là những di tích lịch sử của Cần Thơ, bảo tàng thành phố, làng nghề tại địa phương để giúp học sinh có thêm kiến thức thực tế. Các em được tham quan Nhà máy điện gió Bạc Liêu, Địa đạo Củ chi, Bảo tàng chứng tích chiến tranh, tham quan trải nghiệm vườn hoa Sa Đéc tại Đồng Tháp... Trước mỗi chuyến đi, các thầy cô giáo thường đưa ra những vấn đề để định hướng cho việc tìm hiểu của các em. Qua những hoạt động trải nghiệm này, học sinh có thêm kiến thức thực tế bổ ích và đã có ứng dụng sáng tạo trong học tập”, cô Nguyễn Thị Nga cho biết như vậy.

Trong năm học 2019 - 2020, học sinh Trường THCS An Thới còn được làm quen với phương pháp học tập STEM nhằm từng bước tiếp cận với Chương trình giáo dục phổ thông mới. Học sinh được trải nghiệm tại không gian sáng chế trong Trường ĐH Cần Thơ, làm quen với tính năng của các loại máy chuyên dụng hiện đại. Trong quá trình thực hành, các em trực tiếp tạo ra những sản phẩm độc đáo, điển hình nhất là sản phẩm Công viên thông minh. Đây là công trình nhỏ thể hiện ước mơ sáng tạo về một không gian xanh trong cuộc sống. Để làm ra sản phẩm này, các em đã vận dụng các kiến thức vật lý, toán học, công nghệ, sinh học và mỹ thuật.

Còn tại Trường THCS Trà An (Bình Thủy, Cần Thơ), cô Hoàng Thị Hồng Phượng, Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Hướng tới nội dung dạy học tích cực, BGH nhà trường chỉ đạo giáo viên thực hiện chương trình các môn học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục như: Tổ chức dạy học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của Chương trình giáo dục phổ thông mới; Thực hiện nội dung giáo dục địa phương trong một số môn học; Dạy học tích hợp một số nội dung các môn học theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Nhà trường còn triển khai áp dụng phương pháp “Bàn tay nặn bột”, dạy học theo chủ đề nhằm hướng tới việc vận dụng cách dạy và học gắn liền với thực tiễn.

Trường THCS Trà An cũng đưa nội dung dạy học phân hóa theo năng lực học sinh dựa theo chuẩn kiến thức kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông bậc THCS vào các khối lớp; Tăng cường kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức nhằm phát huy tính tích cực, hứng thú trong học tập của học sinh. Các ứng dụng CNTT được triển khai áp dụng trong đổi mới giảng dạy, phù hợp với nội dung bài học.

Thoải mái khi ở trường


Chia sẻ việc xây dựng môi trường học đường tích cực, cô Lam Mỹ Linh, Hiệu trưởng Trường THCS An Thới tâm sự: Điều quan trọng mà BGH nhà trường cũng như các thầy cô luôn mong muốn là tạo ra môi trường học tập lành mạnh cho học sinh. Nhà trường phải thực sự là trường học hạnh phúc - nơi các em cảm nhận mình thực sự vui vẻ, thích đến đó hàng ngày, được thầy cô thương yêu, bạn quý mến. Tới trường các em có một không gian học tập, vui chơi thân thiện, có thể chia sẻ những vướng mắc trong học tập cũng như những tâm sự vui buồn của bản thân.

“Sau mỗi giờ học căng thẳng, các em có thể vui đùa thoải mái với những trò chơi bổ ích, lành mạnh. Vì vậy, nhà trường tạo những không gian để trò được sáng tạo với những ý tưởng đến từ bài học hoặc trong cuộc sống. Các em có thể sử dụng những nguyên vật liệu từ các đồ nhựa hàng ngày để tái chế ra những sản phẩm có ích với môi trường”, cô Lam Mỹ Linh trao đổi.

Quả thực ở Trường THCS An Thới, mỗi học sinh trong trường đều được học cách biết chia sẻ, thể hiện tình yêu thương. Vừa qua, trường có một học sinh không may mắc bệnh tim, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Nhà trường đã phát động tinh thần ủng hộ chia sẻ vì trái tim yêu thương trong toàn trường. Số tiền ủng hộ được (hơn ba mươi triệu đồng) đã góp phần giành lại sự sống cho bạn của mình. Việc truyền lửa yêu thương đã gắn kết các em lại để biết sẻ chia trong lúc bạn gặp khó khăn.

Trường học hạnh phúc là nơi có sự gắn kết chia sẻ giữa các thầy cô giáo, giữa thầy cô với học trò và giữa học trò với nhau. Để xây dựng trường học hạnh phúc, mọi tâm tư của thầy cô cũng phải được ban lãnh đạo nhà trường nắm bắt, tạo động lực. Thầy cô được hạnh phúc sẽ truyền lửa yêu thương tới học trò.
Mái trường phải trở thành ngôi nhà thân thiết. Tình yêu thương không chỉ qua mỗi bài học về đạo đức mà còn được thể hiện qua hoạt động, tình huống hàng ngày. Cô Lam Mỹ Linh

Minh Châu
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top