Đề thi Vật lí: Nhiều nội dung hay, mang tính thực tiễn

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Nhận xét về đề thi Vật lý kỳ thi THPT quốc gia, TS Bùi Đình Tú - Giảng viên Khoa Vật lý Kỹ thuật và Công nghệ nano - Trường ĐH Công nghệ (ĐHQG HN: Đề thi tích hợp được các kỹ năng cần thiết trong vật lý

Thầy Tú cho biết: “Đề thi khá hay, bao gồm đầy đủ các phần cơ, điện, quang, vật lý hạt nhân. Ở phần đầu ngoài những câu lý thuyết thuần tuý cũng có những câu hỏi về sự hiểu biết trong vật lý, câu hỏi hiện tượng.

Phần đầu gồm 20-25 câu, thí sinh sẽ dễ dàng làm được. Từ câu 30 đến 35 phù hợp với các học sinh khá. Các câu từ 36 đến 40 cho các học sinh phải hiểu được nguyên nhân, hiện tượng rồi thực hiện tính toán qua một số bước mới tìm ra được đáp án.

Các câu hỏi này liên quan phần lớn đến giao thoa ánh sáng, mạch xoay chiều, dao động con lắc. Đây là những câu hỏi phân loại học sinh đòi hỏi các em phải vận dụng tốt lý thuyết vào bài tập. Nhìn chung đề có tính phân loại tốt, tích hợp được các kỹ năng cần thiết trong vật lý”. (Lê Đăng ghi)

Đó là nhận xét của cô Tạ Thị Hương Giang – Giáo viên Vật lí Trường THPT Đoàn Thị Điểm (Hà Nội).

Theo cô Giang, cấu trúc đề thi Vật lí kỳ thi THPT quốc gia 2017 bao quát kín và bám sát chương trình Vật lí 12; cân đối giữa lí thuyết và bài tập. Đề tương tự với các đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT đã công bố, phù hợp với chương trình học và ôn tập của thí sinh nên các thí sinh không bị bỡ ngỡ.

Bố cục đề khá rõ ràng, phát huy năng lực của thí sinh, có tính phân loại cao. Cụ thể, 60% nội dung đề (24 câu) ở mức độ nhận biết, thông hiểu; dùng để xét tốt nghiệp THPT. Nội dung này nằm ở ngay phần đầu đề thi, chỉ gồm các câu hỏi lí thuyết và bài tập đơn giản tạo tâm lí an tâm, thoải mái cho thí sinh. Các thí sinh có học lực trung bình chỉ cần nắm vững kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa thì sẽ không khó đạt 5 - 6 điểm.

40% nội dung đề (16 câu) ở mức độ vận dụng và vận dụng cao; dùng để xét tuyển vào đại học, cao đẳng. So với các đề thi minh họa thì các câu dùng để phân loại thí sinh đòi hỏi tính toán phức tạp, mất thời gian hơn. So với đề thi năm 2016, đề có tăng cường thêm các nội dung hay mang tính thực tiễn, tính thực nghiệm; các bài toán về đồ thị đòi hỏi thí sinh có khả năng phân tích, tổng hợp tốt.

Có khoảng 3 - 4 câu khó mà các thí sinh có năng lực giỏi, khả năng tư duy tốt, kĩ năng giải bài tập tốt, vận dụng kiến thức Toán - Vật lí thành thạo, sắp xếp thời gian làm bài một cách khoa học mới có thể hoàn thành.

Nhận xét chung, theo cô Tạ Thị Hương Giang, các mã đề thi có mức độ tương đối đồng đều. Đề có cấu trúc hợp lí, bao quát các nội dung kiến thức, có bố cục rõ ràng thể hiện tính phân loại cao đáp ứng mục tiêu xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học - cao đẳng theo định hướng của Bộ GD&ĐT. (Hiếu Nguyễn)

Cô Nguyễn Thị Hồng Hạnh – Giáo viên Vật lý trường THPT Nhân Chính (Hà Nội) : Đề thi Vật lý có sự phân hóa cao

Cô Hạnh cho biết, về kiến thức đề thi bám sát chương trình lớp 12. Cấu trúc đề thi sắp xếp từ dễ đến khó. Trong đó chiếm 50% lý thuyết cơ bản. Học sinh nắm chắc kiến thức lớp 12 là có thể dễ dàng đạt 5, 6 điểm.

So với đề thi minh họa, đề thi năm nay cơ bản hơn không có yếu tố gây nhầm lẫn cho học sinh. Theo cô Hạnh, đây là điểm hay của đề thi năm nay. Tuy nhiên, do thời gian thi giảm xuống chỉ còn 50 phút nên áp lực thời gian chính là vấn đề của đề thi năm nay. 3 câu cuối khá khó để phân loại học sinh giỏi.

Với đề thi này, không khó để học sinh đạt điểm 7,8 nhưng để đạt được điểm tuyệt đối, thí sinh cũng phải có tư duy tổng hợp, phân tích, vững về quan điểm. Điểm 10 năm nay không nhiều! (Thanh Thủy ghi)

Trao đổi với báo Giáo dục và Thời đại, thầy Nguyễn Chí Phú - Giáo viên môn Vật lý, trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ, Hà Nội) - nhận xét đề thi Vật lý mã 206: Các thí sinh sẽ không gặp khó khăn với đề thi

Đề thi gồm 40 câu hỏi được trình bày rõ ràng. Nội dung đề thi nằm toàn bộ trong chương trình Vật lý lớp 12 THPT; không có nội dung thuộc phần giảm tải.

Về mức độ đề thi: Đề thi phù hợp với chuẩn kiến thức kĩ năng, cụ thể: 14 câu mức độ nhận biết; 8 câu thông hiểu; 8 câu vận dụng; 10 câu vận dụng cao. Với mức độ này đề thi đủ sức phân loại học sinh; đảm bảo được mục tiêu xét tốt nghiệp và tuyển sinh vào các trường đại học; cao đẳng.

Ưu điểm của đề thi là đề không có câu hỏi quá dài, quá khó. Với thời gian 50 phút những thí sinh học lực trung bình cũng có thể đạt 5-6 điểm; học lực khá có thể đạt 6-7,5 điểm; học lực giỏi có thể đạt 9-10 điểm. Trong thời gian 50 phút thí sinh học lực giỏi hoàn toàn có thể làm được hết 40 câu của đề.

Nội dung của đề thi phân bố ở 7 chương của chương trình Vật lý lớp 12. Cụ thể trong đó các câu hỏi về đồ thị, thí nghiệm có thể đánh giá được năng lực của tất cả thí sinh.

Cấu trúc đề có nhiều điểm tương đồng với đề minh hoạ mà Bộ GD&ĐT đã công bố trước đó. Chính vì vậy tất cả các thí sinh đều hoàn toàn thích nghi được với đề thi này mà không có bất cứ khó khăn nào. (Minh Châu ghi)

Thầy Trần Đức, giáo viên luyện thi môn Vật lý tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI

Đề thi Vật lý có tính phân loại rõ rệt. Để đạt mức 9 điểm học sinh cần nắm chắc kiến thức, có kĩ năng xử lí nhanh chứ không cần học những dạng bài quá khó.

Phân bổ số câu theo chương có sự khác biệt với đề tham khảo. Số câu rơi nhiều vào chương Dao động cơ, Điện xoay chiều, Sóng ánh sáng.

Số câu lí thuyết nhiều nhưng nằm trong SGK, gần như không có “bẫy”. Học sinh chỉ cần học đều, học kĩ thì có thể dễ dàng lấy hết điểm lí thuyết. Nhiều bài tập lặp lại dạng đã ra trong đề tham khảo như sai số…, hầu hết là những dạng đã được ôn luyện nhiều.

Một số câu hỏi như 36 mã đề 206; câu 33 mã đề 201 đòi hỏi học sinh phân tích được hiện tượng, dễ sai sót do tính toán.

(Kim Phượng ghi)
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top