Đề thi minh họa phù hợp với mục tiêu, nội dung và phương pháp dạy học trong trường THPT

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Thí sinh tại Thanh Hóa tham gia kỳ thi THPT quốc gia năm 2016. Ảnh: Nguyễn Quỳng


Nhận xét về cấu trúc và mức độ khó, dễ của đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT đưa ra, đa số các giáo viên và học sinh Trường THPT Đông Sơn 1 (huyện Đông Sơn) đều có chung nhận định:

Đề thi phù hợp với mục tiêu, nội dung và phương pháp dạy học trong trường THPT, đảm bảo sự phân hóa để làm căn cứ xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh Đại học, Cao đẳng. Cấu trúc đề thi đề thi phù hợp, tránh được tình trạng học lệch, học thuộc lòng máy móc.

Cô Trần Thị Hương Lan - Giáo viên dạy Hóa - cho biết: Ngay sau khi có bộ đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT đưa ra, giáo viên bộ môn đã phổ biến cho học sinh để các em làm thử.

Đề thi do Bộ GD&ĐT đưa ra hôm 14/5 khá sát với chương trình học, phân loại tốt học sinh. Đề có cấu trúc phân bố từ dễ đến khó nên thuận lợi cho học sinh làm bài. Tuy nhiên, với học sinh khá, giỏi khó đạt điểm tuyệt đối.

Căn cứ vào sườn đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT, các giáo viên trong bộ môn Hóa học của trường đang tổ chức ôn thi cho học sinh, hệ thống hóa toàn bộ kiến thức lớp 12 cho học sinh và thường xuyên cho học sinh làm đề thi theo cấu trúc mẫu; đặc biệt, hướng dẫn học sinh giải các bài tập bằng phương pháp giải nhanh, phù hợp với hình thức làm bài thi trắc nghiệm.

Em Nguyễn Bá Thành - Học sinh lớp 12 A8 - chia sẻ: Đầu năm học, khi có công bố về những đổi mới về kỳ thi THPT quốc gia, em rất lo lắng.

Tuy nhiên, sau khi có các hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về kiến thức ôn tập, đề thi minh họa… em đã yên tâm và bây giờ thấy tự tin khi bước vào kỳ thi sắp tới.

Đối với đề thi minh họa vừa qua, em thấy đề thi cũng nhẹ nhàng. Em thi theo khối A (Toán, Lý, Hóa) nên với mức độ đề thi minh họa em đã làm tốt. Tuy nhiên, trong quá trình làm bài em vẫn bị sai sót nên không được điểm tuyệt đối.

Thành nhận xét: Đề minh họa có các câu hỏi sắp xếp từ dễ đến khó, học sinh trung bình có thể làm được 15-20 câu đầu tiên. Các câu phân loại học sinh khá, giỏi tập trung ở khoảng cuối, từ câu 45-50. Nếu biết căn chỉnh thời gian, các bạn học sinh khá, giỏi có thể làm hết đề thi trong 90 phút.

Cùng nhận xét về đề thi tham khảo, cô Nguyễn Thị Hồng Hường – Giáo viên dạy môn Toán - nhận định: Căn cứ theo bố cục đề thi tham khảo thì 30 câu đầu học sinh trung bình khá có thể làm được, 5 câu cuối có tính phân hóa cao giành cho học sinh giỏi.

Tuy nhiên, để đạt điểm tuyệt đối các thí sinh cần cẩn trọng trong làm bài, nắm chắc kiến thức lý thuyết. Do thi trắc nghiệm, học sinh sẽ dễ chủ quan nên dễ bị nhầm lẫn, sai sót nhỏ không đáng có.

Điều quan trọng là các em phải bình tĩnh khi bước vào phòng thi để tận dụng triệt để thời gian làm bài thi, kiểm tra lại bài thi; khi làm bài thi nên làm từ dễ đến khó.

Tuy nhiên, cô Hường cũng đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét khi ra đề thi từ câu 30 đến câu 45 ở mức độ để những học sinh trung bình khá có thể làm bài được.

Bên cạnh đó, việc thi theo hình thức tổ hợp môn cũng tạo nhiều áp lực cho học sinh khi trong một buổi phải thi cùng lúc 3 môn. Trường hợp nếu không may trong buổi thi tổ hợp, sức khỏe thí sinh không tốt thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng làm bài thi của thí sinh ở cả 3 môn thi.

Đối với môn Giáo dục công dân (GDCD), cô Lý Thị Ninh vui vẻ chia sẻ: Đây là năm đầu tiên môn GDCD được chọn là môn thi trong tổ hợp Khoa học xã hội (Sử - Địa - GDCD).

Điều này là cần thiết khi trên thực tế hiện nay kiến thức xã hội, kỹ năng sống của học sinh còn yếu. Đưa môn GDCD vào thi sẽ bồi dưỡng thêm cho các học sinh những kiến thức xã hội cần thiết để bước vào đời, đáp ứng được yêu cầu của giáo dục là đào tạo thế hệ học sinh “vừa hồng, vừa chuyên”.

Về cấu trúc đề thi tham khảo, cô Ninh cho rằng đề ra cơ bản bám sát chương trình, các câu hỏi đã được điều chỉnh ngắn gọn, xúc tích và dễ hiểu hơn so với đề thi thử nghiệm lần trước.

Tuy nhiên, để đạt được điểm 10 là tương đối khó, học sinh chỉ làm được khoảng 80% đề thi. Bởi GDCD là môn học có tính thời sự, nhiều vấn đề liên quan đến các chỉ thị, thông tư, luật.. có sự thay đổi liên tục, học sinh chưa cập nhật hết được.

Bên cạnh đó, những câu hỏi về kỹ năng sống thì đáp án chỉ mang tính tương đối vì mỗi người có suy nghĩ khác nhau nên khó có phương án cố định.

Trường THPT Đông Sơn 1 có khoảng hơn 100 trong tổng số 314 học sinh đăng ký thi tổ hợp Khoa học xã hội. Hiện nay, các giáo viên trong tổ bộ môn đang tích cực tổng hợp lại kiến thức, tập trung cho học sinh ôn luyện đề thi mẫu giúp học sinh đạt kết quả cao trong kỳ thi.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top