Đề tham khảo môn Ngữ văn: Cơ bản, phù hợp với mục tiêu tinh giản

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Nghiên cứu đề tham khảo thi THPT quốc gia 2020 môn Ngữ văn, cô Trương Thị Ngọc Hân - giáo viên Ngữ văn trường THPT Nông Cống 1, tỉnh Thanh Hóa đánh giá: Đề thi rất cơ bản, nhẹ nhàng, có lợi cho học sinh, phù hợp với điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT; phù hợp với mục tiêu của kỳ thi THPT quốc gia và thực tiễn dạy-học trong dịch bệnh Covid-19”.

Phần “Đọc hiểu”, các câu hỏi yêu cầu kiến thức rất cơ bản, không đánh đố hay hỏi hóc búa thí sinh. Ở phần này, các câu hỏi đảm bảo 3 cấp độ nhận thức là: nhận biết, thông hiểu, vận dụng. Học sinh chỉ cần đọc kĩ ngữ liệu là có thể "kiếm điểm" và không lo mất điểm ở phần này.

Phần “Làm văn, ở câu hỏi viết đoạn vẫn sử dụng cấu trúc viết đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ mà học sinh đã được rèn luyện thuần thục trong ba năm học THPT. Nội dung yêu cầu gần gũi, trọng tâm, bám sát chủ đề của ngữ liệu; đồng thời có khả năng gợi mở những suy nghĩ riêng, mang tính cá nhân độc đáo của từng thí sinh”, giáo viên Ngọc Hân đánh giá.

Bài nghị luận văn học trong phần “Làm văn” này là dạng đề cảm nhận, phân tích nhân vật, rất quen thuộc và truyền thống trong các đề thi, kiểm tra. Học sinh đã được làm quen với dạng đề này từ cấp THCS, vì thế chắc chắn các em sẽ không bỡ ngỡ mà vận dụng tốt kỹ năng đã được học để thực hiện bài.

“Giới hạn của đề chỉ nằm trong một phần trọng tâm của văn bản là Cảnh mùa xuân ở Hồng Ngài. Điều này phù hợp với mặt bằng chung về mức độ nhận thức của học sinh cả nước nên tất cả các em sẽ dễ viết, dễ lấy điểm. Những học sinh có học lực giỏi, vẫn có nhiều "đất diễn" ở câu hỏi này khi đi sâu phân tích, cảm nhận về nhân vật; đánh giá nghệ thuật xây dựng nhân vật của tác giả; lồng ghép kiến thức lí luận vào bài viết để có thể đạt 9.0 đến 9.5 điểm”, giáo viên môn Ngữ văn trường THPT Nông Cống 1, tỉnh Thanh Hóa đánh giá.

Phân tích đề tham khảo Ngữ văn, Tổ Ngữ văn, Hệ thống giáo dục Học mai cho rằng, các đơn vị kiến thức và kĩ năng được kiểm tra không vượt ra ngoài nội dung chương trình được điều chỉnh theo hướng tinh giản mà Bộ GD & ĐT mới công bố gần đây.

Cấu trúc đề vẫn gồm hai phần, đó là phần Đọc hiểu (3 điểm) và Làm văn (7 điểm).

Câu hỏi Đọc hiểu gồm ngữ liệu đọc hiểu nằm ngoài sách giáo khoa cùng 4 câu hỏi đọc hiểu theo các mức độ: nhận biết/ thông hiểu/ vận dụng và vận dụng cao. Đó là những dạng câu hỏi quen thuộc với học trò từ nhiều năm nay.

Phần Làm văn, câu Nghị luận xã hội (2 điểm) với yêu cầu viết một đoạn văn khoảng 200 chữ, nội dung nghị luận là vấn đề có quan hệ hữu cơ với nội dung trong ngữ liệu đọc hiểu – đó cũng là kiểu dạng câu hỏi từ năm 2016.

Câu nghị luận văn học yêu cầu nêu “Cảm nhận của anh/chị về nhân vật Mị tromg đêm mùa xuân ở Hồng Ngài ( Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài)” – thứ nhất, đây là phần kiến thức trong chương trình Học kì 2 lớp 12, không ra ngoài nội dung tinh giản của Bộ GD & ĐT; thứ hai, đây là đơn vị kiến thức nhỏ, phù hợp với dung lượng bài văn 5 điểm trong thời lượng đề thi 120’; cũng là kiểu dạng bài nghị luận quen thuộc với học trò mấy năm gần đây.

Nhìn chung, nếu đề thi Ngữ văn trong kì thi THPTQG năm 2020 bám sát mô hình đề minh họa, học trò sẽ rất thuận lợi về tâm thế cũng như kiến thức, kĩ năng đã được ôn luyện.

Tuy nhiên, thầy cô Tổ Ngữ văn, Hocmai, cũng muốn nêu một đề xuất không nhỏ - đó là trong đề thi chính thức, đề nghị Ban ra đề lưu tâm việc diễn đạt chặt chẽ hơn các câu lệnh.

Ví dụ câu Nghị luận xã hội trong đề thi minh họa, khi yêu cầu: “Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn ( khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về những hành động nhỏ làm nên người anh hùng giữa đời thường”, học sinh sẽ băn khoăn trong quá trình triển khai hệ thống ý nghị luận, vì đây thực chất là yêu cầu nghị luận cho một bài văn, không phải cho đoạn văn.

Các trò sẽ yên tâm hơn nếu đề bài xác định rõ là “…trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý nghĩa/ hiệu ứng/ tầm quan trọng/ những hành động nhỏ làm nên người anh hùng giữa đời thường”…
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top