Để học sinh nội trú thực sự gắn bó với “ngôi nhà thứ 2”

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
GD&TĐ - Là một trường vùng khó, cơ sở vật chất thiếu thốn với thành phần học sinh đến từ 8 dân tộc, nhưng ký túc xá Trường PTNTNT THCS Tương Dương (Nghệ An) luôn tràn ngập tiếng cười, công tác duy trì sĩ số học sinh luôn đảm bảo con số tuyệt đối.


Giáo viên ăn ở cùng học sinh

Thầy Bùi Văn Chiến - Hiệu trưởngTrường PTDTNT THCS Tương Dương (Nghệ An) - chia sẻ:

Từ ngày đầu thành lập cho đến năm học 2014 - 2015, Trường PTNTNT THCS Tương Dương đã phải trải qua rất nhiều khó khăn, thử thách: Mọi cơ sở vật chất để phục vụ cho việc ăn ở nội trú của học sinh và giáo viên, việc dạy học và tổ chức các hoạt động khác của nhà trường đều phải mượn của các đơn vị khác;

Học sinh phần lớn đều từ các vùng khó khăn, xa xôi của huyện với rất nhiều bỡ ngỡ, lúng túng; đội ngũ cán bộ giáo viên tuy có năng lực chuyên môn, có lòng nhiệt huyết nhưng lại mới lần đầu làm quen với hoạt động của một trường dân tộc nội trú nên còn gặp nhiều khó khăn trong việc dạy và chăm sóc học sinh.

Năm học 2014 2015, trường có 12 lớp, 328 học sinh và 34 cán bộ giáo viên, nhân viên; trong đó, 95% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số và 5% là con em dân tộc Kinh định cư lâu dài vùng đặc biệt khó khăn, còn nhỏ tuổi, lần đầu tiên xa gia đình, chưa quen với việc sống tự lập.

“Hầu như trong thời gian đầu, ngày nào các em cũng khóc vì nhớ gia đình, làng bản, vì sự lạ lẫm.

Vì thế, đã có một số em học sinh ở các xã thuộc vùng biên giới Nhôn Mai, Mai Sơn trốn ký túc xá, bỏ về nhà” - thầy Bùi Văn Chiến tâm sự.

Trước tình hình đó, thầy Bùi Văn Chiến cho biết, nhà trường một mặt báo cáo lên UBND huyện, một mặt chỉ đạo Công đoàn, phối hợp với chuyên môn, các đoàn thể trong nhà trường bàn bạc tìm ra các giải pháp để giải quyết khó khăn.

Tiếp tục cách làm như những năm trước, trường cử giáo viên về tận các xã, bản, phối hợp với chính quyền địa phương, già làng, trưởng bản, anh em dòng họ vận động học sinh trở lại trường.

Cùng với đó, bố trí cho một số giáo viên, nhân viên trẻ của nhà trường làm việc và sinh hoạt cùng các em học sinh trong khu ký túc xá, nhằm gắn chặt mối quan hệ thầy trò, giúp các em có chỗ dựa vững vàng về mặt tinh thần đồng thời hun đúc thêm lòng nhiệt huyết, yêu trò, yêu nghề ở cán bộ giáo viên nhân viên nhà trường.

Tổ chức phong phú các hoạt động nội trú

Một vấn đề quan trọng, theo thầy Bùi Văn Chiến, là cần tạo cho học sinh một cuộc sống nội trú thật vui, thú vị, bổ ích giúp các em đỡ nhớ nhà và yên tâm học tập.

Với tinh thần đó, sau giờ học buổi chiều hàng ngày, trường tổ chức hướng dẫn học sinh tham gia các môn thể thao như bóng chuyền, bóng đá, cầu lông,… do giáo viên bộ môn Thể dục phụ trách. Tối thứ 7 hàng tuần, Ban quản sinh kết hợp với Tổ chuyên môn tổ chức cho học sinh xem phim tài liệu theo chủ đề.

Hàng tháng, nhà trường trích ra từ 1,5 đến 2 triệu đồng để tổ chức cho sinh nhật cho học sinh, có cả thổi nến, cắt bánh sinh nhật và ăn bánh kẹo. Song song với liên hoan sinh nhật là các tiết mục văn nghệ chào mừng sinh nhật được thể hiện và cho các em tự do đăng ký để thể hiện.

“Chỉ với một nguồn quỹ nho nhỏ, chúng tôi đã thắp sáng được ngọn lửa ấm áp trong lòng học sinh, khiến các em dần cảm nhận được tình thân dưới mái nhà chung ký túc xá” - thầy Bùi Văn Chiếu cho hay.

Ngoài tổ chức hội khỏe phù đổng cấp trường, đem đến không khí sôi nổi ở môi trường ký túc xá, trường cũng chú trọng tổ chức tốt nội dung sinh hoạt đội.

Thầy Chiến cho biết: Theo điều lệ Liên đội, mỗi tháng sinh hoạt 2 lần, song tại đơn vị chúng tôi, mỗi tuần sinh hoạt đội một lần chiều thứ 6.

Giáo viên phụ trách đội phải có kế hoạch sinh hoạt cụ thể trình nhà trường phê duyệt ngay từ đầu tuần và cứ mỗi chiều thứ 6 sau buổi sinh hoạt đội các em lại cùng nhau lên tại nghĩa trang liệt sỹ huyện để quét dọn vệ sinh nghĩa trang liệt sỹ.

Công việc đó giúp cho học sinh ý thức một cách sâu sắc về lòng biết ơn thế hệ cha anh có công với đất nước, từ đó biết yêu quê hương hơn và ý thức tự rèn luyện để trở thành người có ích cho xã hội.

Một hoạt động ý nghĩa khác được tổ chức thường xuyên là xây dựng “Thùng quà tình bạn” tại ký túc xá nhằm hỗ trợ học sinh nghèo sách vở, quần áo.

Mỗi tuần, các lớp sẽ chọn ra 4 học sinh có hoàn cảnh khó khăn, mỗi em được nhận một suất quà trị giá 40.000 đồng từ “Thùng quà tình bạn”.

Cùng với đó, trường còn xây dựng quỹ khuyến học, hàng năm trao cho cán bộ, giáo viên, học sinh nhà trường khoảng hơn 40 triệu đồng.

“Số tiền này chia ra cho mỗi cá nhân thì không nhiều nhưng đây là nguồn động viên rất lớn, ghi nhận sự cống hiến của giáo viên và học sinh vào thành tích chung của nhà trường, làm cho mọi người ngày càng gắn bó với nhà trường” - thầy Bùi Văn Chiến chia sẻ.
Nguồn: giaoducthoidai.vn
 
Last edited by a moderator:

Bình luận bằng Facebook

Top