Để dạy và học trực tuyến không chỉ là giải pháp tình thế

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1

Thầy cô cần chuẩn bị bài giảng kỹ lưỡng

Để giải quyết tình trạng gián đoạn học tập và đảm bảo an toàn trong khi dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, Trường ĐH Phenikaa đã nhanh chóng triển khai mô hình lớp học trực tuyến.

Ngay từ những ngày đầu chuẩn bị, Ban lãnh đạo trường, các khoa, bộ môn đã sâu sát vào cuộc để động viên tinh thần, thống nhất phương pháp, cách thức, nội dung chuẩn bị bài giảng để triển khai đến từng lớp sinh viên.

Chia sẻ của GS Nguyễn Văn Hiếu, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Phenikaa, để hình thức học trực tuyến hiệu quả và tiếp cận sâu hơn đến toàn thể sinh viên, nhà trường tiếp tục tăng tiến độ cập nhật các bài giảng trực tuyến, các diễn đàn tương tác giữa giảng viên và sinh viên, diễn đàn thảo luận sinh viên,… để sinh viên nắm bắt được kiến thức.

Bên cạnh đó, giảng viên sẽ tạo lập các nhóm học tập để thu hút sinh viên trao đổi và thảo luận. Người thầy luôn là nhân tố quan trọng nhất cho sự thành công hay thất bại của quá trình dạy - học. Vì thế, giáo án soạn kỹ, quản lý lớp học tốt luôn là yêu cầu trước nhất trong việc khai thác các tính năng giáo dục của công nghệ thông tin trong đào tạo.

“Nhà trường triển khai lớp học online dịp này nhằm giúp sinh viên củng cố kiến thức, nắm bắt được kiến thức của các học phần. Sau khi quay trở lại học tập, Trường sẽ tổ chức giảng dạy, ôn tập trên lớp đảm bảo đầy đủ khối lượng kiến thức cho các em” - GS Nguyễn Văn Hiếu cho hay.

Trong khi đó, TS Diêm Thị Thanh Hải, Phó Trưởng Khoa Kinh tế và Kinh doanh, Trường ĐH Phenikaa lại nhấn mạnh đến ý thức học tập và văn hóa sử dụng mạng xã hội của sinh viên. Nhiều sinh viên vẫn lên mạng học theo trào lưu. Để hiệu quả, hơn hết vai trò tự học là rất quan trọng. Bên cạnh đó, thầy cô cũng cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng, bởi bài giảng trực tuyến trên mạng khác hoàn toàn với những bài giảng trực tiếp. Cùng với đó là xây dựng hệ thống bài học, kiến thức, bảo đảm theo đúng yêu cầu trong quá trình dạy và học.

“Để học online hiệu quả, đòi hỏi sinh viên phải có ý thức tự học và chủ động. Sự tự giác này không bắt nguồn tự nỗi sợ bị rầy la hay áp lực điểm số, mà cần được hình thành từ hứng thú với bài giảng và ham muốn khám phá kiến thức” - TS Diêm Thị Thanh Hải nhấn mạnh.

Để hình thành cho sinh viên kỹ năng tự học, TS Lê Mạnh Tú, giảng viên Khoa Khoa học và Kỹ thuật Vật liệu cho rằng, cần có sự phối hợp tích cực giữa giảng viên và sinh viên. Kỹ năng tự học không phải là đòi hỏi nhất thời trong thời gian dịch bệnh mà đó là một trong những năng lực tiên quyết của công dân toàn cầu và công dân thời đại số.

Sinh viên hào hứng nhưng buồn vì không được gặp bạn bè

Nhiều sinh viên bày tỏ sự thích thú khi học trực tuyến vì cảm giác thoải mái, mới lạ và được sử dụng các thiết bị công nghệ. Ứng Mai Linh, sinh viên K13 khoa Kinh tế và Kinh doanh, Trường ĐH Phenikaa cho biết, trung bình dành từ 5 - 7 tiếng đồng hồ để học trực tuyến với thầy cô giáo. Việc sắp xếp thời gian để tự học, lịch kiểm tra bài tập của thầy cô thông qua những ứng dụng công nghệ thông tin.

Từ trải nghiệm thực tế, Nguyễn Văn Phúc, sinh viên K13 Khoa Khoa học và Kỹ thuật Vật liệu nhận định, học online rất thuận tiện vì ở đâu cũng có thể học, miễn là có kết nối internet. Thừa nhận những lợi ích của học online, nhưng Nguyễn Văn Phúc cũng thừa nhận nhược điểm của phương pháp này.

“Đôi khi nhiều bạn mở tài khoản lên rồi để đó, làm một việc khác. Nếu học lâu dần, các bạn sẽ không còn cảm giác được gặp nhau trò chuyện trực tiếp, mất đi niềm vui của việc đến trường, đến lớp. Học online không thể áp dụng cho các môn thực hành, đường truyền mạng yếu cũng ảnh hưởng đến việc tiếp thu bài” – Phúc chia sẻ.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 
Last edited by a moderator:

Bình luận bằng Facebook

Top