Để đào tạo trực tuyến không chỉ là giải pháp tình thế ứng phó với Covid-19

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Xu thế của giáo dục thế giới

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – Quyền Vụ trưởng Vụ GDĐH (Bộ GD&ĐT) nhấn mạnh: Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý và đổi mới phương thức dạy - học nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng đào tạo, thúc đẩy xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời, là xu thế của giáo dục thế giới.

Đây cũng là một trong những mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (Sustainable Development Goal 4 on Education). Việt Nam cũng không đi ngược lại xu thế đó, nhất là trong kỷ nguyên số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ ở hầu hết các nước trên thế giới.

Khẩu hiệu hành động “Make in Vietnam” của Chính phủ được đưa ra, đã tạo động lực thúc đẩy phát triển hệ sinh thái cho các doanh nghiệp với khát vọng đưa Việt Nam trở thành cường quốc về công nghệ, đặc biệt về công nghệ thông tin và truyền thông (ICT). Việt Nam đã có đủ điều kiện cơ bản để làm chủ về công nghệ, tạo ra sản phẩm Việt Nam và công nghệ Việt Nam.

Trong những năm gần đây, Đảng và Chính phủ đã xác định giải pháp đột phá, quan trọng để phát triển đất nước trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 là dựa vào khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo;

Xây dựng một nền công nghiệp ICT vững mạnh; đi tiên phong trong việc ứng dụng và phát triển các công nghệ mới như: Trí tuệ nhân tạo (AI), Internet kết nối vạn vật (Internet of Things - IoT), tự động hóa, robot, phân tích dữ liệu lớn, 5G,...

Theo đó phát triển ICT chính là nền tảng của cách mạng số, cách mạng công nghiệp 4.0, của chuyển đổi số, kinh tế số và xã hội số. Đây cũng chính là nền tảng hạ tầng công nghệ để có thể phát triển các ứng dụng đào tạo trực tuyến cho các cơ sở đào tạo của Việt Nam hiện tại và trong tương lai.

Trong 20 năm gần đây, với sự phát triển bùng nổ của Internet và ICT, giáo dục mở và ĐTTX phát triển rất nhanh, đặc biệt phương thức giáo dục ĐTTT qua mạng được chú trọng, cùng với đó là hệ thống học liệu điện tử đủ lớn.

Hệ thống quản lý học tập cho đào tạo trực tuyến (Learning Management System - LMS) ở các trường đại học hàng đầu trên thế giới luôn song hành để bổ trợ cho giáo dục truyền thống.


PGS.TS Nguyễn Thu Thủy

Sẽ là một trong những phương thức đào tạo phổ biến

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy trao đổi: Trong những năm gần đây, nhằm mục tiêu đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo theo Nghị quyết của Đảng và Chính phủ về đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT, Bộ GD&ĐT đã xây dựng, tham mưu cho lãnh đạo Chính phủ ban hành một số chính sách về ứng dụng CNTT trong quản lý và trong hoạt động dạy – học.

Cụ thể, ứng dụng CNTT trong dạy, học và quản lý giáo dục đã được xác định là một trong 9 nhiệm vụ chủ yếu của ngành Giáo dục mà Bộ GD&ĐT đã đề ra trong các Chỉ thị năm học và được triển khai thực hiện tích cực từ năm học 2016 - 2017 đến nay.

Bộ GD&ĐT cũng đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 2 đề án: Quyết định số 117/QĐ-TTg ngày 25/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy - học, nghiên cứu khoa học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025” và Quyết định số 1559/QĐ-TTg ngày 10/9/2015 phê duyệt Đề án “Phát triển đào tạo từ xa giai đoạn 2015 - 2020”.

Đây chính là những tiền đề để các cơ sở đào tạo có nhận thức rõ về ý nghĩa cũng như trách nhiệm của cơ sở đào tạo trong việc định hướng đầu tư phát triển, đổi mới ứng dụng công nghệ trong quản lý cơ sở đào tạo nói chung và quản lý việc dạy - học nói riêng.

Từ cuối năm 2019, khi xây dựng, điều chỉnh lại các quy chế đào tạo, xây dựng chuẩn chương trình cho các trình độ của GDĐH, Bộ GD&ĐT cũng đã chú trọng bổ sung, điều chỉnh thêm các quy định theo hướng mở rộng cho phép các khóa chính quy; vừa làm vừa học có thể chuyển sang đào tạo truyền thống, kết hợp với ĐTTT (gọi là Blended learning).

Dự kiến trong thời gian đầu, chúng ta có thể cho phép tối đa 20% thời lượng giảng dạy chương trình sử dụng phương thức ĐTTT. Điều này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế, và theo nội dung các nền kinh tế APEC đã nêu ra tại hội thảo quốc tế về ĐTTT tổ chức tại Hà Nội tháng 11/2019. Theo lộ trình, năm 2020, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành các thông tư này.


“Như vậy có thể nói, việc triển khai ĐTTX theo phương thức ĐTTT trong hệ thống GDĐH Việt Nam đã có chủ trương, kế hoạch và lộ trình thực hiện cụ thể từ trước.

Vì vậy, tôi cho rằng, đây sẽ là một trong những phương thức đào tạo phổ biến trong thời gian tới của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, chứ không phải chỉ là giải pháp tình thế để ứng phó với dịch Covid-19”PGS.TS Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top