Dạy Tiếng Anh bằng hình thức trải nghiệm: Tích cực hóa hoạt động của người học

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Dạy và học tích cực

Cô Đồng Anh Đào, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa, thành phố Cần Thơ cho biết: Hưởng ứng phong trào đổi mới phương pháp dạy học và chuẩn bị cho chương trình sách giáo khoa mới, những năm trở lại đây, thầy và trò nhà trường đã có nhiều thay đổi tích cực. Đặc biệt với bộ môn Tiếng Anh, giáo viên trong tổ ngoại ngữ đã tích cực áp dụng phương pháp dạy học mới, nâng cao năng lực người học như thuyết trình cá nhân, theo nhóm; tự tìm hiểu tài liệu liên quan đến bài học, chia sẻ trong nhóm, làm video clips bằng tiếng Anh. Nhờ đó, các thầy cô đã kích thích được khả năng tự học của các em.

Cho đến nay, 100% giáo viên ngoại ngữ đã áp dụng phương pháp giảng dạy mới, ứng dụng linh hoạt cho từng đối tượng học sinh, giúp các em chủ động lĩnh hội kiến thức. Giáo viên trong trường không ngừng cải tiến phương pháp để nâng cao chất lượng dạy và học như hướng dẫn học sinh lập và sử dụng email chung, giúp học sinh trau đồi kỹ năng viết, tận dụng tiết tự chọn giúp học sinh phát triển kỹ năng nói tiếng Anh thông qua trình bày đề án về chủ đề…

Tại Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa, công nghệ thông tin được áp dụng thường xuyên trong soạn, giảng để HS tiếp thu dễ dàng và hứng thú hơn trong học tập. Hiện các lớp học Tiếng Anh chương trình 10 năm đều được đầu tư máy chiếu, máy tính nhằm tạo điều kiện cho việc giảng dạy bằng CNTT ngay tại lớp. Tất cả giáo viên trong tổ chuyên môn đều đăng kí thực hiện dạy lồng ghép hoặc tích hợp, các thầy cô luôn tích cực dự giờ, trao đổi chuyên môn cùng đồng nghiệp trong tổ.

Cô Đinh Kim Oanh, Tổ trưởng tổ Ngoại ngữ, Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa chia sẻ: “Nhằm kiểm tra, đánh giá trong quá trình dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh, tổ Ngoại ngữ đã thực hiện kiểm tra định kỳ chung 4 lần trong năm. Việc phân công soạn ma trận đề, hướng dẫn chấm cụ thể được thống nhất chung trong tổ bộ môn. Đề kiểm tra thường xuyên (15 phút) cũng được duyệt trước khi kiểm tra 3 ngày. Do đó, độ tin cậy và chất lượng đề kiểm tra được nâng cao. Sau mỗi lần kiểm tra định kỳ và duyệt đề kiểm tra, các GV đều được rút kinh nghiệm trong tổ nhóm. Điều này giúp việc ra đề lần sau tiến bộ, khoa học hơn. Các giáo viên đều được báo cáo kết quả, nhận xét đề và đưa ra biện pháp giúp học sinh nâng cao chất lượng bài làm lần sau”.

Song song với đó, việc thực hiện đổi mới kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực HS của nhà trường được áp dụng rộng rãi. GV đánh giá học sinh qua quá trình học tập bằng nhiều hình thức đa dạng trong đó có điểm thưởng ở các hoạt động trong và ngoài lớp học để động viên và thu hút học sinh vào việc học Tiếng Anh.

Hiệu quả với mô hình CLB tiếng Anh


Hào hứng với hoạt động ngoại khóa

Cô Đinh Kim Oanh cũng cho biết: Những năm gần đây, việc dạy và học Tiếng Anh tại Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa có nhiều sáng tạo nên học sinh hứng thú, không có cảm giác phải chịu áp lực. Trong lớp, giáo viên tăng cường hoạt động theo cặp, nhóm để học sinh có cơ hội giao tiếp nhiều hơn; Tăng cường sử dụng máy chiếu, máy tính, ứng dụng CNTT trong việc dạy và học một cách hiệu quả. Ví dụ, trong các tiết học trên lớp, các em được động viên thuyết trình bằng tiếng Anh theo hình thức cá nhân, hoặc theo cặp, nhóm. Nhờ đó, các em tự tin hơn trong trình bày quan điểm và sử dụng ngoại ngữ. Giáo viên tổ chức các trò chơi ngôn ngữ theo các nội dung bài học, tạo môi trường học tập thú vị và lôi cuốn nên học sinh luôn đón nhận các tiết học một cách hào hứng.

Theo cô Kim Oanh, để học sinh yêu thích, say mê và nâng cao các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, giáo viên bộ môn ngoại ngữ đã không ngừng sáng tạo trong các hoạt động ngoài lớp học. Vì vậy, các em được tạo môi trường rèn luyện ngôn ngữ tích cực, sáng tạo. “Nhiều hoạt động tiêu biểu được áp dụng như: Tổ chức Góc đọc Tiếng Anh (Reading Corner) với 10 bài đọc, tạo cơ hội cho học sinh làm quen với các bài đọc dài, chuẩn bị đáp ứng cho Kỳ thi THPT quốc gia; Tổ chức Thi làm video clip: “We Are Tour Guides” giới thiệu về thành phố Cần Thơ. Kết quả có 30 video clips tham gia, trong đó có 7 clips được trao giải. Nhà trường còn tổ chức chương trình Rung Chuông vàng trong tháng Ngoại ngữ, nhằm tạo ra một sân chơi lành mạnh, bổ ích cho học sinh rèn luyện tiếng Anh. Tham gia cuộc thi này, học sinh năng động hơn, các em có nhiều sáng tạo trong học tập. Cuộc thi còn tạo sự gắn kết trong học đường, góp phần xây dựng “trường học thân thiện và học sinh tích cực”. Ngoài ra, tổ bộ môn còn tổ chức các trò chơi đố vui kiến thức nội dung liên quan đến chương trình tiếng Anh THPT.

Đặc biệt, trong các tiết học Tiếng Anh các em còn được tham gia các trải nghiệm, giao lưu tại các trường bạn với nhiều nội dung gần gũi, thiết thực trong học đường.

“Những cuộc thi hùng biện bằng tiếng Anh hàng năm do trường tổ chức mang đến sân chơi, cơ hội giao tiếp bằng tiếng Anh cho học sinh. Đồng thời, tạo điều kiện cho giáo viên rèn luyện năng lực tổ chức hoạt động trải nghiệm cũng như chọn đội tuyển chuẩn bị cho cuộc thi Hùng biện Tiếng Anh cấp thành phố. Những hoạt động ngoại khóa như lễ hội Halloween với những màn hát, múa, giao lưu bằng tiếng Anh cũng chính là nơi các em học sinh thể hiện năng lực của mình và gắn kết bạn bè”- cô Đồng Anh Đào cho biết.

Minh Châu
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top