Dạy học tiếng Anh - kinh nghiệm từ những người trong cuộc

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
* Thầy Phan Phú Cương - Giáo viên Trường THPT Chu Văn An (Thị xã Hồng Ngự, Đồng Tháp): Thiết kế phiếu học tập

Để dạy học tiếng Anh theo chương trình mới đạt hiệu quả, chúng tôi đã thiết kế phiếu học tập bám sát theo bài học trong sách giáo khoa. Việc này rất cần thiết vì trên phiếu học tập có chỗ cho học sinh chú thích từ vựng, cấu trúc ngữ pháp, ghi câu trả lời .v.v.

Phiếu học tập còn bổ sung một số hoạt động giáo viên tự thiết kế. Các hoạt động trong trong sách giáo khoa không phù hợp với năng lực học tập của học sinh thì giáo viên có thể điều chỉnh lại, sau đó thể hiện trên phiếu học tập.

Ngoài ra, một việc rất cần thiết khi tổ chức dạy học tiếng Anh cho học sinh là khi soạn tài liệu giáo viên cần bám sát và bổ trợ cho sách học sinh.

Sách bài tập được chia thành từng phần cụ thể như: pronunciation, vocabulary, reading, grammar, và writing. Ngoài các nội dung bám sát sách giáo khoa, giáo viên nên bổ sung những kiến thức cần thiết và những kiến thức học sinh còn khiếm khuyết.

Qua nghiên cứu nhiều giáo trình giảng dạy Tiếng Anh quốc tế, chúng tôi nhận thấy giáo trình Solutions của đại học Oxford có cấu trúc gần giống với cấu trúc sách gióa khoa tiếng Anh mới.

Nội dung trong bộ giáo trình phù hợp cho việc chuẩn bị cho học sinh tham gia các kỳ thi kiểm tra năng lực ngoại ngữ. Do đó chúng tôi quyết định đưa bộ giáo trình Solutions vào dạy trong các tiết tăng cường và phụ đạo cho lớp học chương trình tiếng Anh mới.

Do chất lượng học sinh chỉ ở mức trung bình đến trung bình khá, nên chúng tôi sử dụng bộ Solutions Elementary cho khối 10, Solutions Pre-intermediate cho khối 11, và dự kiến Solutions Intermediate cho khối 12.

* Cô Phạm Ngọc Phụng - Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Diệu (Sóc Trăng): Tổ chức tốt nội dung sinh hoạt chuyên môn

Để triển khai có hiệu quả dạy và học môn tiếng Anh trong nhà trường, thì trước tiên cần chỉ đạo tổ chức tốt nội dung sinh hoạt chuyên môn ngay tại trường.

Mặt khác tích cực tham gia các hoạt động chuyên môn như: hội thảo, thao giảng rút kinh nghiệm dạy học, hội giảng giáo viên giỏi giữa các trường THPT trong tỉnh.

Bên cạnh đó, tổ chức một cách chặt chẽ, khoa học việc thi học sinh giỏi ngoại ngữ để làm cơ sở cho tuyển chọn, bồi dưỡng học sinh giỏi dự thi cấp tỉnh và cấp quốc gia.

Đồng thời quan tâm tổ chức các hình thức hoạt động ngoại khóa như: Các CLB ngoại ngữ, đố vui, kể chuyện bằng tiếng Anh, làm báo tường bằng tiếng Anh…) vừa tạo điều kiện cho học sinh có cơ hội giao tiếp vừa gây hứng thú học Ngoại ngữ cho học sinh. Tăng cường củng cố ngữ pháp cho học sinh qua các tiết tự chọn hay giờ phụ đạo.

Ngoài ra, trên cơ sở hướng dẫn thực hiện chuẩn kiến thức kỹ năng tiếng Anh, chúng tôi chỉ đạo tổ bộ môn Ngoại ngữ rà soát lại sách giáo khoa, làm tinh gọn các nội dung để giảm quá tải bài, soạn lại nội dung giảng dạy thống nhất trong tổ trước khi đưa vào giảng dạy.

Việc Bộ GDĐT đưa ra chuẩn kiến thức đã tạo thuận lợi rất nhiều cho giáo viên trong việc soạn giảng. Nhưng giáo viên vẫn có xu hướng bám sát sách giáo khoa bởi vì như thế giáo viên không phải đầu tư nhiều.

Do đó, cần phải yêu cầu giáo viên năng động, tích cực hơn để thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ dạy học của mình đối với môn tiếng Anh.

* Thầy Nguyễn Hữu Đức - giáo viên Trường THCS Giá Rai B, thị xã Giá Rai (Bạc Liêu): Tổ chức các thảo luận chuyên đề

Để nâng cao các kỹ năng trong tiếng Anh, cách làm của chúng tôi là tổ chức các chuyên đề xoay quanh kế hoạch giảng dạy. Đồng thời phân công nhau dạy từng phần như: Getting started, A Closer Look, Communication…

Sau mỗi tiết dạy như vậy, chúng tôi ngồi lại cùng nhau để góp ý, trao đổi kinh nghiệm và rút ra cách dạy phù hợp, hiệu quả nhất. Với cách làm này, những khó khăn ban đầu dần được tháo gỡ. Chúng tôi đã định hướng được những điểm chung trong chương trình và cho từng bài cụ thể, từng phần cụ thể.

Bài viết được biên tập, lược ghi từ các tham luận của các thầy, cô giáo có tên trong bài tại Kỷ yếu Hội thảo khoa học về giảng dạy môn tiếng Anh trong các nhà trường theo Đề án Ngoại ngữ 2020.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top