Đạo diễn Trung Trần: “Tôi không làm hài rẻ tiền câu view bằng cảnh nóng”

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
“Nghệ sĩ Quốc Anh, Phú Đôn diễn không chê vào đâu được!”

- Là đạo diễn của 2 phim hài Tết 2023 “Ai là chưởng lễ” và “Thông gia đón Tết”, anh có thể tiết lộ về hai dự án này?

- Năm nay tôi thực hiện hai dự án hài Tết, trong đó “Ai là chưởng lễ” là hài dân gian, còn một phim hiện đại làm về chủ đề gia đình đó là “Thông gia đón Tết”.

Với “Ai là chưởng lễ”, phim xoay quanh cuộc đua giành chức chưởng lễ (vị chủ tế thực hiện các việc cúng bái ở đình làng) của hai nhân vật là Phú ông giàu có, người theo hệ tâm linh và ông Ki nghèo nhưng mắc bệnh sĩ nặng.

Phim dí dỏm, hài hước, nhẹ nhàng nhưng thâm thúy, phê phán lối sống sĩ diện, rởm đời. “Ai là chưởng lễ” quy tụ dàn nghệ sĩ nổi tiếng như: NSND Quốc Anh, NSƯT Phú Đôn, NSƯT Tạ Tuấn Minh, Thanh Hương …

“Thông gia đón Tết” là câu chuyện hiện đại. Hai nhà hàng xóm vì những hiềm khích trong quá khứ mà ngày nào cũng “mặt giăng, mặt giời” với nhau. Một loạt các tình huống hài hước, dở khóc dở cười diễn ra như cơm bữa khiến họ ngày càng “mất điểm” trong mắt nhau. Phim là một chuỗi những tình huống hài hước, dí dỏm, nhẹ nhàng ấm áp, ca ngợi tình yêu, tình làng nghĩa xóm, tình thông gia. Dàn diễn viên tham gia phim gồm: NSƯT Đức Khuê, Thanh Tú, Thu Hương, Thanh Dương, Kim Oanh, Lưu Hoàng….

Cả hai phim đều rất đáng để khán giả chờ đợi, đón xem.


Đạo diễn Trung Trần. Ảnh: FBNV

- Với “Thông gia đón Tết”, phim có mô típ na ná nhiều dự án của các đạo diễn khác đã thực hiện trước đó, anh có sợ khán giả sẽ nhàm chán?

- Phải khẳng định luôn bộ phim này chúng tôi làm khác hoàn toàn những phim của các đạo diễn khác đã làm trước đó. Chắc tại nghe tên phim mọi người có cảm giác giống phim nào đó đã làm rồi, nhưng không phải vậy. Ở “Thông gia đón Tết” chúng tôi tích cóp những chuyện rất đời nên không sợ nhàm chán. Ngoài ra phim còn mang chất hài hước, rất thú vị.

Trong nghệ thuật, kể chuyện gì rất quan trọng. Nhưng quan trọng hơn là anh kể như thế nào? Mỗi nhà sản xuất, mỗi đạo diễn, mỗi diễn viên sẽ có cách kể chuyện khác nhau. Nếu sợ khán giả nhàm chán, tôi đã không làm phim này.

- Hợp tác với nhiều diễn viên hài, anh đánh giá thế nào về lối diễn của các nghệ sĩ như: Quốc Anh, Phú Đôn, Đức Khuê…?

- Dàn diễn viên góp mặt trong hai phim đều là những người tài năng. Ở mảng dân gian thì nghệ sĩ Quốc Anh, nghệ sĩ Phú Đôn diễn xuất đã có “thương hiệu” trong lòng khán giả. Đặc biệt năm nay có sự tham gia của NSƯT Tạ Tuấn Minh, người đã thành công với nhiều vai chính kịch trên sân khấu. Nay lần đầu vào phim hài dân gian, hứa hẹn một điều tươi mới.

Còn phim hài hiện đại, nghệ sĩ Đức Khuê, Thanh Tú cũng là diễn viên kỳ cựu. Bên cạnh đó, hai dự án phim lần này cũng có nhiều gương mặt diễn viên trẻ, chưa xuất hiện nhiều trên truyền hình, nhưng họ lao động nghệ thuật rất nghiêm túc và luôn có tinh thần cầu thị trong diễn xuất. Tôi khá hài lòng với dàn diễn viên mà mình đã chọn.


NSND Quốc Anh trong phim hài Tết 2023 "Ai là chưởng lễ". Ảnh: FBNV

Khó nhất làm hài dân gian là tìm bối cảnh

- Anh gặp khó khăn gì khi thực hiện hai phim hài Tết trong bối cảnh hậu COVID-19?

- Sau đại dịch COVID-19 mọi việc đã trở lại bình thường, làm phim cũng thoải mái hơn. Tuy nhiên, cái khó nhất với chúng tôi khi làm phim hài Tết dân gian là tìm bối cảnh vì hiện nay đô thị hóa nhiều, rất khó để tìm được bối cảnh ưng ý.

Ví như tìm được cái nhà đúng ý thì cái cổng lại chưa được, hoặc tìm được nhà cổ nhưng nền nhà lại lát đá hoa hiện đại.

- Từng có đoàn phim vướng lùm xùm trong việc mượn nhà dân hoặc di tích, di sản văn hóa làm bối cảnh quay phim, anh có gặp tình huống này khi thực hiện hài Tết 2023?

- Khi thực hiện các phim hài Tết cũng như tìm bối cảnh quay phim chúng tôi đã xin phép từ Sở Văn hóa, đến các Ủy ban địa phương mới triển khai nên không gặp sự cố.

Thực ra các đoàn phim khi tạo dựng bối cảnh dân gian đều làm rất cẩn thận. Ví dụ muốn quay cảnh bức tường rêu phong nhưng tường nhà dân mới xây xong thì chúng tôi phải xin phép bàn bạc với gia đình, cũng như những đơn vị quản lý là dùng bột màu để vẽ lên, hoặc dán một lớp giấy xi măng lên rồi tô vẽ cho giống bức tường cổ. Quay xong dội nước rửa, lớp bột màu trôi hết, bức tường lại trở về nguyên trạng ban đầu.

Đó cũng là lý do đi quay bối cảnh dân gian sợ nhất là gặp trời mưa. Tạo dựng bối cảnh thưởng chỉ sử dụng các vật dụng tạm thời, dễ hỏng, nên mưa là thôi xong.

Việc tìm bối cảnh cũng là khó khăn chung của các đoàn phim vì chúng ta không có trường quay chuyên nghiệp. Như khi thực hiện “Ai là chưởng lễ” đoàn phải đi khắp nơi để chọn bối cảnh.

Khi quay xong cái cổng ở Đường Lâm, cả đoàn lại rút về Hương Ngải (Thạch Thất, Hà Nội) để quay cảnh trong sân. Có những cảnh, khi khán giả xem, thấy nhân vật bước từ cổng vào sân mất có mấy giây thôi. Nhưng thực ra, hai bối cảnh ấy cách nhau đến vài chục km.

- Phim hài dân gian thường có sự xuất hiện của diễn viên quần chúng, hậu trường thực hiện các cảnh này thế nào, thưa anh?

- Thông thường chúng tôi chọn diễn viên ở các câu lạc bộ, các đoàn nghệ thuật hoặc các nhà hát ở Hà Nội để đóng diễn viên quần chúng. Tuy nhiên với những đại cảnh như chợ, cần 50 - 100 người thì nhờ bà con địa phương.

Những đại cảnh để thực hiện rất mệt. Diễn viên quần chúng có ai biết đóng phim đâu, nên ra quay phải hướng dẫn từng li từng tí, từ cách đi đứng, diễn thế nào cho mỗi người. Bởi vậy, cả ngày chỉ quay được một cảnh. Có những cảnh quay đến 40 đúp. Chỉ cần một người làm sai là cả đoàn diễn lại từ đầu. Với những cảnh này mệt nhưng mà cũng vui.


Hậu trường phim "Ai là chưởng lễ". Ảnh: FBNV

Câu view bằng cảnh nóng hơi rẻ tiền, phản tác dụng

- Là đạo diễn của nhiều phim hài Tết, anh nghĩ gì việc dùng cảnh nóng để câu view?

- Chưa bao giờ chúng tôi dùng hot girl ăn mặc hở hang hay các cảnh nóng để câu view. Việc sử dụng cảnh nóng trong phim cũng tùy ý của mỗi người nhưng với tôi, câu view bằng cách này là rẻ tiền và phản tác dụng.

- Còn việc cài cắm quảng cáo cho các thương hiệu trong hài Tết, anh nghĩ sao?

- Làm hài dân gian thì không thể gài quảng cáo vào nội dung phim. Với phim hiện đại mà có nhà tài trợ chúng tôi sẽ cài cắm rất khéo léo, phải xử lý từ kịch bản, ý tưởng để khán giả không cảm thấy phản cảm.


Đạo diễn Trung Trần và dàn diễn viên "Thông gia đón Tết". Ảnh: FBNV

- Anh đánh giá sao về thị trường hài Tết năm nay?

Hài Tết năm nay sôi động, bùng nổ hơn so với năm ngoái. Tính sơ sơ cũng có cả chục đơn vị sản xuất.

- Vậy anh có sợ bị cạnh tranh khi khán giả có nhiều lựa chọn để giải trí trong dịp Tết?

- Tôi không sợ vì hài Tết của Thăng Long Audio Visua đã có thương hiệu, chúng tôi có lối đi riêng và lượng khán giả nhất định.

- Cảm ơn đạo diễn Trung Trần về cuộc trò chuyện!
Nguồn: Báo điện tử Kiến thức
 

Bình luận bằng Facebook

Top