Đang GLTT: Kinh nghiệm xây dựng cộng đồng học tập ngoại ngữ

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Các vị khách mời nhiệt tình trả lời câu hỏi của bạn đọc gửi tới

CÁC KHÁCH MỜI


1. TS Vũ Thị Tú Anh - Phó Trưởng ban Thường trực Đề án Ngoại ngữ 2020;

2. PGS. TS Nguyễn Lân Trung - Chuyên gia Đề án Ngoại ngữ 2020;

3. Ông Hoàng Văn Dương - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai;

4. Thạc sĩ Phạm Thị Hồng Thanh - Quyền Trường khoa Ngoại ngữ Trường ĐH Tây Bắc;

5. TS Ngô Tuyết Mai - Giám đốc Trung tâm Quốc tế, Trường ĐH Hà Nội.

Theo các chuyên gia, trên bước đường hội nhập và phát triển, để nâng cao năng lực ngoại ngữ, cần phải thực hành ngôn ngữ mọi lúc mọi nơi.
Theo đó, phải có một cộng đồng học tập ngoại ngữ để mỗi thành viên tham gia có thể phát huy được hết tiềm năng ngôn ngữ, đồng thời tận dụng tối đa sự giúp đỡ, hỗ trợ của các thành viên khác trong cộng đồng, qua đó tăng cường sự tương tác giữa các thành viên để xây dựng, duy trì và phát triển cộng đồng.


Xây dựng các cộng đồng học tập ngoại ngữ chính là một nỗ lực quan trọng góp phần cá thể hóa các chiến lược học tập của người học dựa trên những sự tương đồng phổ biến về phong cách học của một nhóm người học cụ thể trong những không gian, thời gian cụ thể.

Hiện nay, nhiều địa phương, các bộ ngành, cơ quan Trung ương, các cơ sở giáo dục đào tạo đã bước đầu phát hiện, hình thành, xây dựng và phát triển các mô hình điển hình về triển khai cộng đồng học tập ngoại ngữ với nhiều hình thức dạy - học phong phú, đa dạng, thiết thực và hiệu quả.”

Nắm bắt được nhu cầu học tập, chia sẻ những bài học kinh nghiệm về xây dựng và triển khai các mô hình cộng đồng học tập ngoại ngữ, tạo đà cho việc tăng cường triển khai giải pháp xây dựng cộng đồng học tập ngoại ngữ tại các địa phương, báo Giáo dục và Thời đại phối hợp với Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 tổ chức cuộc giao lưu trực tuyến “Kinh nghiệm xây dựng cộng đồng học tập ngoại ngữ”.

Đúng 14h, buổi giao lưu trực tuyến bắt đầu.

Đây là cầu nối để các chuyên gia, các giáo viên ngoại ngữ, các nhà hoạch định chính sách trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và triển khai các hoạt động cộng đồng, các mô hình cộng đồng trong học tập, giảng dạy và nghiên cứu ngoại ngữ trên toàn quốc.

Đồng thời nhân rộng các mô hình cộng đồng học tập ngoại ngữ hiệu quả để từng bước đạt được mục tiêu “biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người dân Việt Nam, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” đã được nêu trong Đề án NNQG 2020.


Nội dung buổi giao lưu trực tuyến


Liệu tổ chức sinh hoạt online kiểu mobile learning sẽ là một trong những giải pháp hữu hiệu để duy trì cộng đồng học tập ngoại ngữ? Làm cách nào để thực hiện điều này, đặc biệt là vấn đề kinh phí cho trang web?

nguyenluan2003@...

TS Ngô Tuyết Mai:
Xu hướng mobile learning là một xu hướng mới và phù hợp với thế hệ trẻ hiện nay.

Vì vậy, việc tổ chức sinh hoạt mobile learning là một trong nhiều giải pháp hữu hiệu để xây dựng mô hình học tập cộng đồng Ngoại ngữ. Tuy nhiên, nếu 100% là mobile learning thì kết quả đạt được sẽ không thực sự cao.

Xu hướng hiện nay là sử dụng blended learning (Phương pháp học kết hợp cả trực tuyến và học trực tiếp), đem đến hiệu quả cao hơn cho người học.

Để thực hiện điều này, bản thân giáo viên cũng phải được trang bị các phương pháp giảng dạy blended learning để có thể phát huy được tối đa cả mobile learning và học trực tiếp.

Có những hoạt động học Ngoại ngữ cần phải có sự giao tiếp trực tiếp giữa người dạy và người học và một số các hoạt động khác thì có thể được tổ chức dưới hình thức giao tiếp trực tiếp. Việc duy trì trang web cho hình thức mobile learning cũng cần phải được chú trọng và nên sử dụng những phần mềm miễn phí. Ví dụ: Moodle là giao diện hoàn toàn miễn phí để có thể khai thác việc dạy và học.


Muốn xây dựng được một cộng đồng học tập ngoại ngữ thì rất cần có sự kế hoạch, quản lý, chỉ đạo, kiểm tra. Tôi thấy có sự chỉ đạo về đường lối rồi, vậy Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 lên kế hoạch, rồi chỉ đạo, kiểm tra việc xây dựng cộng đồng học tập ngoại ngữ ở Việt Nam như thế nào?

Trần Hồng Hà – 40 tuổi, TP HCM

Lãnh đạo Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020:
TS Vũ Thị Tú Anh rất vui khi được giao lưu trực tuyến với bạn đọc cả nước về chủ đề Xây dựng cộng đồng học tập ngoại ngữ
TS Vũ Thị Tú Anh:
Trong kế hoạch triển khai trong năm 2015, BQL Đề án NNQG 2020 giao nhiệm vụ xây dựng và triển khai 38 mô hình cộng đồng học tập ngoại ngữ cho 19 trường cao đẳng, đại học trên cả nước.
BQL Đề án NNQG 2020 có hướng dẫn các đơn vị được giao nhiệm vụ cách thức, quy trình xây dựng và triển khai mô hình, tạo cơ hội cho các đơn vị chia sẻ kinh nghiệm và cùng đưa ra đề xuất giải pháp cho các khó khăn trong quá trình triển khai.

Dự kiến cuối tháng 12, BQL Đề án NNQG 2020 tổ chức tổng kết, đánh giá việc xây dựng và triển khai mô hình cộng đồng học tập ngoại ngữ tại các đơn vị nhằm nhân rộng quy mô và thành phần tham gia thực hiện.


Đóng trên vùng khó như Sơn La, Trường ĐH Tây Bắc có gặp khó khăn gì trong việc triển khai xây dựng cộng đồng học tập ngoại ngữ hay không? Được biết, nhà trường đã có những kết quả bước đầu trong triển khai hoạt động này. Qua chương trình giao lưu, mong được nghe chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm của trường.

ngothihuong67@...

Thạc sỹ Phạm Thị Hồng Thanh:
Chính những vùng khó khăn như Sơn La mới cần đến cộng đồng học tập ngoại ngữ. Bởi các hoạt động học tập mang tính cộng đồng không nhất thiết phải cần đến những điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất.

Ví dụ: Khi chúng tôi đưa sinh viên tình nguyện đi dạy tại các địa phương, các em không cần đến những trang thiết bị hiện đại, mà chỉ cần đến những thiết bị tối thiểu như: Sách vở, tranh, ảnh... mà vẫn tạo nên những lớp học rất sôi nổi và hiệu quả.

Ngoài ra, điều quan trọng nhất là biết cách khơi gợi lòng nhiệt tình và tinh thần cống hiến sức trẻ của sinh viên đối với cộng đồng.


Tôi là giảng viên đại học. Xin được gửi câu hỏi đến chuyên gia: Giải pháp nào giúp cho người/nhóm học chủ động xây dựng nội dung và tổ chức triển khai mà không phụ thuộc hoàn toàn vào lực lượng giảng viên, giáo viên, tình nguyện viên, sinh viên trợ giảng?

Đặng Quỳnh Liên - thành phố Nam Định

TS Ngô Tuyết Mai:
TS Ngô Tuyết Mai: Thay vì dạy cho sinh viên nghe, nói, đọc, viết, người giáo viên nên tập trung dạy cho sinh viên khả năng tự học nghe, nói , đọc, viết.
Trước hết, người học cần nhận thức được đầy đủ vai trò của mình trong việc quyết định sự thành công về việc học tập nói chung và việc học Ngoại ngữ nói riêng.
Theo nghiên cứu, người học quyết định 50% của sự thành công, còn giáo viên chỉ là 30%, còn lại 20% là những yếu tố khác như bạn bè, gia đình, trường học. Vì vậy, nếu người học ý thức được rằng, giảng viên, giáo viên, trợ giảng có làm tốt nhất vai trò của mình thì cũng quyết định được 30% mà thôi.

Và nếu nhận thức rõ được điều này, người học sẽ tự chịu trách nhiệm hơn với việc học của mình. Vậy, để làm được điều này, người giáo viên ở trên lớp nên có chiến lược giảng dạy để cung cấp cho người học khả năng tự học, tự đánh giá, tự động viên, tự tìm kiếm giải pháp để giải quyết các vấn đề mình gặp phải trong học tập.

Thay vì dạy cho sinh viên nghe, nói, đọc, viết, người giáo viên nên tập trung dạy cho sinh viên khả năng tự học nghe, nói , đọc, viết.


Tôi từng đọc khá nhiều bài báo viết về Trường tiểu học Lê Ngọc Hân ở Lào Cai và đặc biệt ấn tượng với cách trường này xây dựng cộng đồng học tập ngoại ngữ mà ngay ở một trường ở thành phố lớn như chúng tôi cũng chưa chắc đã làm tốt được như vậy. Xin được hỏi ông Ninh, ở Lào Cai có nhiều trường làm tốt như Lê Ngọc Hân hay không? Nhân đây, mong được nghe ông chia sẻ về kinh nghiệm của Sở GD&ĐT Lào Cai về xây dựng cộng đồng học tập ngoại ngữ trong các trường học trên địa bàn tỉnh.

Trịnh Minh Trang - Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội

PGĐ Hoàng Văn Dương:
Ở Lào Cai, mỗi trường có một cách làm riêng để xây dựng môi trường học tập, phù hợp với điều kiện cụ thể của đơn vị mình.

Đối với việc xây dựng cộng đồng học tập ngoại ngữ như Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân có những lợi thế nhất định. Ví dụ: Trường nằm trên địa bàn có nhiều khách du lịch nước ngoài đến tham quan nên nhà trường có điều kiện tốt để thường xuyên tổ chức cho giáo viên và học sinh sử dụng ngoại ngữ để giao lưu với người nước ngoài.

Đối với các trường trên các địa bàn tỉnh đã chủ động lập những kế hoạch mời giáo viên người nước ngoài ở các trung tâm ngoại ngữ đến giao lưu, tọa đàm, trao đổi, tổ chức các cuộc thi,...


Tôi nhớ lãnh đạo một trường ĐH khi chia sẻ kinh nghiệm để triển khai hiệu quả Đề án Ngoại ngữ 2020 là phải tạo ra môi trường học và sử dụng tiếng Anh liên tục. Tuy nhiên, làm được điều này không phải là dễ. Rất mong được nghe chia sẻ về kinh nghiệm tạo ra môi trường học và sử dụng tiếng Anh liên tục tại nhà trường?

Phùng Thị Minh Hiếu - Cao Lỗ, Q8, TP Hồ Chí Minh

TS Ngô Tuyết Mai:
Chào bạn!

Môi trường học và sử dụng tiếng Anh liên tục cần được tạo ra và duy trì bởi chính người học. Bởi vì, khi người học được sở hữu môi trường đó thì môi trường đó mới được phát triển một cách bền vững.

Và để làm được điều này, việc đầu tiên, người học phải được trang bị những kỹ năng và kiến thức cần thiết để tạo ra được môi trường học tập phù hợp nhất cho mình và những người học khác có cùng chung sở thích, điểm mạnh, điểm yếu.

Ví dụ như: Thường người học cần có một môi trường đọc sách tiếng Anh, thì nhà trường cần phải hỗ trợ và giúp các sinh viên tổ chức được một môi trường đọc sách phù hợp. Môi trường này là môi trường của sinh viên, do sinh viên, cho sinh viên và bởi chính sinh viên tạo dựng và duy trì.

Các Câu lạc bộ đọc sách do chính sinh viên làm Chủ tịch và các sinh viên làm các thành viên là ví dự điển hình của môi trường như vậy. Nhưng ban đầu, người lãnh đạo của trường Đại học cần hỗ trợ và hướng dẫn Chủ tịch Câu lạc bộ để duy trì các hoạt động cần thiết.

Thạc sỹ Phạm Thị Hồng Thanh:
Để tạo môi trường học và sử dụng tiếng Anh liên tục, ngoài chương trình học tập chính khóa trên lớp, chúng tôi còn tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa như: Câu lạc bộ tiếng Anh được sinh hoạt theo định kỳ 2 lần/tháng, các chương trình giao lưu giữa sinh viên các lớp với nhau, giữa sinh viên của trường với sinh viên các trường có đào tạo chuyên ngữ; các hoạt động dạy tiếng Anh tình nguyện.

Bên cạnh đó, còn tổ chức các cuộc thi có sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ chính như: Hùng biện tiếng Anh; Rung chuông Vàng và gala ngày hội Văn hóa các nước nói tiếng Anh...


Hiện nay, trường nào cũng mở ra rất nhiều các câu lạc bộ, trường tôi cũng vậy. Tuy nhiên, hiệu quả của việc này còn phải bàn. Làm sao để các câu lạc bộ ngoại ngữ, các hoạt động ngoại khóa trong trường ĐH góp phần thực hiện hiệu quả việc xây dựng cộng đồng học tập ngoại ngữ? Xin gửi câu hỏi này đến chuyên gia và mong được nghe kinh nghiệm từ nhà trường!

Hồ Thụy Khanh - Nam Từ Liêm, Hà Nội

TS Ngô Tuyết Mai:
Chào bạn!


Các CLB cũng cần chuyên sâu vào kỹ năng cụ thể thay vì ôm đồm, chung chung.

TS Ngô Tuyết Mai


Kinh nghiệm của Trường Đại học Hà Nội là cần phải có những chuyên gia về giảng dạy tiếng Anh, trực tiếp tham gia điều hành và hỗ trợ hoạt động cho các Câu lạc bộ (CLB).

Các chuyên gia nên tham khảo kinh nghiệm của các đơn vị khác để học hỏi và phát huy những thành công trong việc duy trì các CLB.

Sự tham gia của các chuyên gia sẽ là động lực lớn cho các CLB đó được duy trì. Ngoài ra, các hoạt động của các CLB cũng được tổ chức phong phú và phù hợp với đối tượng thành viên cảu CLB.

Các CLB cũng cần chuyên sâu vào kỹ năng cụ thể thay vì ôm đồm, chung chung. Ví dụ như CLB đọc sách tiếng Anh, CLB kỹ năng nghe, nói, đọc, viết tiếng Anh, thay vì chỉ thành lập 1 CLB Tiếng Anh chung chung.

Mỗi CLB cần có kế hoạch cụ thể cho từng tháng, có mục đích gì, có những phần thưởng động viên kịp thời cho những thành viên tham gia tích cực.

Các cuộc thi có giải thưởng hoặc đơn giản là các buổi giao lưu chia sẻ kinh nghiệm là những hoạt động nên được duy trì thường xuyên với sự tham gia của các khách mời là chuyên gia đầu ngành để CLB có định hướng phát triển trong thời gian tới.


Xin hỏi ông Dương, hiện ở Lào Cai có nhiều trường đã thành lập câu lạc bộ ngoại ngữ hay không? Việc thành lập các câu lạc bộ này trên địa bàn có khó khăn và thuận lợi như thế nào? Sở GD&ĐT đã có những chỉ đạo ra sao để hoạt động của câu lạc bộ thực sự hiệu quả và thực chất?

Nguyễn Khánh Trà - huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam

PGĐ Hoàng Văn Dương:

Phó Giám đốc Hoàng Văn Dương: Hiện Lào Cai có khoảng 30 CLB ngoại ngữ ở nhà trường các cấp; 9 CLB của giáo viên

Lào Cai là một tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Việc tổ chức dạy và học ngoại ngữ ở vùng cao so với các trường ở thành phố, thị trấn vẫn còn những khoảng cách nhất định. Vì vậy, việc thành lập các Câu lạc bộ Ngoại ngữ thường được thành lập ở các trường lớn tại thị trấn, thành phố và cụm xã.

Hiện tại, Lào Cai có khoảng 30 Câu lạc bộ ngoại ngữ ở nhà trường các cấp và 9 Câu lạc bộ của giáo viên (mỗi huyện/thành phố có 1 CLB), sinh hoạt theo tháng hoặc theo quý tùy theo tình hình cụ thể của từng đợn vị..

Việc thành lập CLB cơ bản là thuận lợi, được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các nhà trường, phụ huynh, học sinh, sinh viên hưởng ứng. Tuy nhiên, công việc này cũng còn gặp khó khăn trong duy trì sinh hoạt thường xuyên.

Để các CLB hoạt động hiệu quả, thực chất, Sở GD&ĐT Lào Cai đã chỉ đạo các nhà trường xây dựng kế hoạch cụ thể và báo cáo phòng chuyên môn của Sở trước khi thực hiện. Đồng thời, Phòng chuyên môn sẽ giám sát chặt chẽ khi các hoạt động đi vào thực tiễn.


Trong quá trình triển khai xây dựng cộng đồng học tập ngoại ngữ, chúng tôi gặp khó khăn, đó là: Người/nhóm học chưa có phương pháp tự học tốt, tính chủ động chưa cao nên cần hỗ trợ nhiều từ phía lực lượng giảng viên, giáo viên, tình nguyện viên, sinh viên trợ giảng (sinh viên chuyên ngữ khá, giỏi đăng ký tham gia) trong việc thiết kế nội dung, tổ chức hoạt động. Vì thế, mặc dù về nội dung không nặng nề như giờ học chính khóa, chủ yếu tham gia các hoạt động "vui để học" nhưng trong suốt các buổi sinh hoạt cộng đồng đều phải có lực lượng này tham gia tổ chức, điều phối. Không biết Trường ĐH Tây Bắc có gặp phải khó khăn này không? Rất mong được nghe chia sẻ của nhà trường?

lethiphuong2011@...

Thạc sỹ Phạm Thị Hồng Thanh:
Trong thời gian đầu mới tổ chức hoạt động học tập cộng đồng, rất cần có sự trợ giúp của giảng viên, tình nguyện viên. Trong đó giảng viên là người điều phối, giám sát, còn sinh viên tình nguyện trực tiếp giúp đỡ học viên.

Khi hoạt động học tập đã đi vào nề nếp thì các học viên có thể tự giúp đỡ nhau và biết cách tiến hành các hoạt động học tập một cách độc lập.


Tôi được biết, Lào Cai đã làm rất tốt việc xây dựng các hoạt động cộng đồng nhằm thu hút đối tượng khách nước ngoài đến du lịch cùng tham gia, từ đó tạo điều kiện cho giáo viên và học sinh được giao tiếp với người nước ngoài. Xin ông chia sẻ rõ thêm về cách làm này. Xin cảm ơn.

Nguyễn Linh Đan - Nam Sách, Hải Dương

PGĐ Hoàng Văn Dương:
Chào bạn, Lào Cai là tỉnh có nhiều tiềm năng du lịch, thu hút lượng du khách quốc tế ngày càng tăng. Đây là lợi thế không nhỏ để chúng tôi xây dựng và phát triển môi trường cộng đồng học tập ngoại ngữ cho giáo viên và học sinh. Từ đó giúp họ có cơ hội giao tiếp với những du khách là người bản ngữ - nói tiếng Anh.

Ngành Giáo dục đã chỉ đạo các trường chủ động phối hợp với các tổ chức, công ty du lịch, tạo điều kiện cho học sinh gặp gỡ các đoàn khách, tăng cường khả năng giao tiếp ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng.

Bên cạnh đó, ngành Giáo dục đã chỉ đạo các nhà trường mời tình nguyện viên, trợ giảng, chuyên gia làm việc tại các cơ sở giáo dục, các tổ chức nước ngoài đang hoạt động tại Lào Cai trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và tổ chức các hoạt động trau dồi ngoại ngữ.

');

Gửi câu hỏi ở đây

Vui lòng viết tiếng Việt có dấu
Nguồn: giaoducthoidai.vn
 

Bình luận bằng Facebook

Top