Với chủ trương trả lại mùa hè trọn vẹn cho HS, hè 2018, học sinh Đà Nẵng sẽ nghỉ hè 3 tháng, từ 1/6 đến 31/8.
Để học sinh có thêm không gian vui chơi, tất cả các trường TH, THCS, THPT, các trung tâm GDTX tiếp tục thực hiện việc mở cổng trường, thư viện, các tủ sách mở, khu tập luyện thể dục thể thao các ngày trong tuần (trừ các ngày lễ, tết, Chủ nhật), buổi sáng từ 8h00 đến 10h00, buổi chiều từ 14h00 đến 17h00, buổi tối từ 18h00 đến 21h00 để học sinh, nhân dân vùng lân cận đến vui chơi, đọc sách.
Trong thời gian hè, các cơ sở giáo dục phối hợp với hội, đoàn thể, cơ quan văn hóa địa phương hướng dẫn, tổ chức cho thanh thiếu niên, nhi đồng chơi các trò chơi dân gian phù hợp như: Rồng rắn lên mây, nhảy dây, múa sạp, kéo co, ô ăn quan, dung dăng dung dẻ, tập tầm vông, thả đỉa ba ba, cướp cờ…; tăng cường tập luyện và biểu diễn các làn điệu dân ca khu V, bài chòi; các trường THCS Nguyễn Tri Phương, THCS Ông Ích Đường và trường THPT Phạm Phú Thứ phối hợp với phòng Văn hóa thông tin huyện Hòa Vang tổ chức tập luyện, biểu diễn điệu múa Ta tung da dá cho học sinh người đồng bào Cơ-tu.
Giáo viên tổng phụ trách đội và Bí thư đoàn của các trường học tham gia tập huấn một số trò chơi dân gian.
Ông Nguyễn Đình Vĩnh – Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết, chủ trương đưa trò chơi dân gian vào trường học ngoài mang lại cho học sinh niềm vui, giúp các em tiếp cận được những nét đẹp trong văn hóa dân tộc thì còn là một kênh để rèn luyện cho các em kỹ năng sống như tinh thần đoàn kết, sự chia sẻ, hỗ trợ, hợp tác thông qua các trò chơi mà không hề gượng ép.
Tùy theo từng độ tuổi học sinh, các trường sẽ chọn lọc những trò chơi phù hợp với lứa tuổi, trong đó, mỗi trường xây dựng khoảng 3 trò chơi, “học sinh có thể chơi không giỏi nhưng các em phải vui và hào hứng. Và việc đưa trò chơi dân gian vào trường học phải tuyệt đối tránh hình thức, làm cho có, cho đẹp để báo cáo” – ông Vĩnh nhấn mạnh.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại