Đa dạng hóa phương pháp dạy học

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Giáo viên không ngừng đổi mới

Theo cô Nguyễn Thị Chiến, giáo viên Trường THPT Tây Hồ (Hà Nội), việc đổi mới phương pháp dạy học đã trở thành phong trào, được ban giám hiệu và tất cả các giáo viên quan tâm, trở thành yêu cầu, mục tiêu của Hội đồng giáo dục. Giáo viên luôn chú trọng các kĩ thuật dạy học, phương pháp dạy học tích cực, dạy học theo định hướng năng lực người học, phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường.

Cô Chiến cho biết: “Với những bài giảng phát huy năng lực của HS tôi giao những nhiệm vụ cụ thể cho từng nhóm. HS tham gia làm thí nghiệm, đồ dùng học tập, thuyết trình về nội dung được giao, cho HS tham gia làm đề kiểm tra, vẽ sơ đồ tư duy khi kết thúc một chương học”.

Ví dụ trong bài giảng về hiện tượng Khúc xạ ánh sáng (lớp 11), cô giáo đưa ra hiện tượng chiếc đũa bị gãy khi cắm trong cốc, hiện tượng đáy bể nâng lên gần mặt nước hơn... để thôi thúc, khơi dậy trí tò mò giúp các em có hứng thú tiếp thu bài giảng.

Là giáo viên luôn tìm tòi những kĩ năng đổi mới phương pháp giảng dạy môn Sinh học, cô Nguyễn Phương Thanh - giáo viên Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) chia sẻ: Tùy từng bài học mình có thể áp dụng các phương pháp khác nhau một cách linh hoạt.

Sinh học là môn khoa học thực nghiệm, giáo viên nên sử dụng các hiện tượng thực tế, mẫu vật thật hoặc các thí nghiệm đơn giản để giúp HS dễ dàng hình thành khái niệm, phân tích được các quá trình sinh học.

Trong một bài học, có nhiều phần kiến thức, giáo viên nên tổ chức các hoạt động học tập khác nhau để tránh sự nhàm chán, tăng hứng thú cho HS. Ví dụ: Phần 1, HS làm việc cá nhân, độc lập với sách giáo khoa; phần 2 là thảo luận nhóm; phần 3 là thuyết trình. Giáo viên cũng có thể tổ chức các trò chơi khác nhau tương ứng với từng phần kiến thức giúp HS hào hứng tích cực hơn trong các hoạt động học tập.

Sinh học là môn khoa học thực nghiệm, có nhiều nguyên lý, quá trình sinh học rất trừu tượng, khó hình dung. Cũng có nhiều kiến thức khoa học mới được khám phá ra mỗi ngày. Vì vậy, tài nguyên trên Internet rất cần thiết và hữu ích đối với việc dạy – học môn Sinh học. Giáo viên và HS cần sử dụng tài nguyên này một cách chọn lọc, nên quan tâm đến độ tin cậy, nguồn cung cấp của các thông tin, hình ảnh, clip trước khi sử dụng trong bài học.


HS Trường THPT Chu Văn An

Xây dựng lớp học hạnh phúc


Bên cạnh việc truyền thụ kiến thức, các giáo viên còn tăng cường tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho HS dưới nhiều hình thức khác nhau như các câu lạc bộ bóng đá, bóng rổ, cầu lông, nhảy hiện đại, hát nhạc, vẽ tranh, làm bánh; tổ chức các chuyên đề dưới cờ hằng tuần theo chủ đề tháng dưới nhiều hình thức phong phú: Các trò chơi, thảo luận, tọa đàm, sân khấu hóa.

Theo cô Nguyễn Thị Chiến, để HS hứng thú hơn với môn học, cần tạo ra những lớp học thực sự hạnh phúc. Đó là nơi mà cả thầy cô và HS đều có được những cảm xúc tích cực. Thầy cô hạnh phúc, thăng hoa trong giảng dạy, HS hạnh phúc khi được tham gia các hoạt động học tập và lĩnh hội được những kiến thức mới.

Thầy cô và HS đều có hứng thú, niềm vui, sự mong chờ và những rung cảm đối với giờ học. Thầy cô hạnh phúc, HS hạnh phúc sẽ tạo nên lớp học hạnh phúc. Niềm hạnh phúc không chỉ ở lại mái trường mà còn lan toả về gia đình để phụ huynh cũng hạnh phúc với niềm vui của HS.

Theo cô Nguyễn Phương Thanh, để tạo nên lớp học hạnh phúc, thầy cô cần thay đổi nhiều trong tư duy cũng như phương pháp dạy học. Với mỗi một bài học, thầy cô phải lên kế hoạch thật chi tiết, hấp dẫn, hoạt động học tập giữa các phần kiến thức không nên trùng lặp tạo sự nhàm chán. Phải căn chính xác thời gian cho các hoạt động nhưng vẫn phải chuẩn bị thêm các hoạt động dự phòng và sẵn sàng lấp đầy thời gian trống để các hoạt động liên tục diễn ra, có thể điều chỉnh kế hoạch của mình một cách linh hoạt.

Các thầy cô cần thường xuyên lắng nghe, giao tiếp với HS. HS cần biết đang làm đúng, những gì các em đang tiến bộ và những gì cần phải cải thiện thêm. Thầy cô giao tiếp nhiều với HS, các em sẽ càng đạt kết quả tốt hơn trong lớp học. Có thể tương tác với HS qua email, nhóm chat, sẵn sàng ở lại lớp lắng nghe và trả lời các câu hỏi ngoài giờ của HS.

Vân Anh
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top