Cụ bà 80 tuổi tóc vẫn đen nhánh nhờ thường xuyên ăn cao động vật

thanh huyen

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1




Cụ Đang tuy năm nay đã 80 tuổi nhưng đầu vẫn chưa có một sợi tóc bạc

Hai vợ chồng trên 80 tuổi tóc xanh, mắt sáng

Trong chuyến công tác về Phú Thọ, tình cờ chúng tôi gặp cụ Nguyễn Thị Đang khi cụ lên xã làm thủ tục trợ cấp xã hội cho người cao tuổi. Lần đầu gặp mặt, chúng tôi khá bất ngờ bởi tuy dáng người gầy gò, lưng hơi còng, làn da nhăn nheo nhưng tóc cụ không hề có một sợi bạc. Không nén được sự tò mò, chúng tôi kiên nhẫn đợi cụ xong việc rồi mới níu lại hỏi thăm về mái tóc như thiếu nữ tuổi đôi mươi.

Dường như đọc được ý định của chúng tôi, cụ cười thanh minh: “Cô chú đừng nghĩ tôi nhuộm tóc, đây là tóc tự nhiên đấy”. Trên đường dẫn chúng tôi về nhà nằm trên đỉnh con dốc cách UBND xã Sơn Vi không xa, cụ rôm rả khoe: “Hai vợ chồng tôi ở đây vẫn thường được bà con hỏi thăm về bí quyết chăm sóc sức khỏe. Ở nhà, không chỉ tôi có mái tóc xanh như thời con gái mà ông nhà tôi tuổi đã gần 90 nhưng mắt vẫn sáng, chân vẫn mạnh như thường”. Nói về bí quyết giữ gìn tóc xanh, mắt sáng, cụ Đang chia sẻ: “Ngoài việc tập thể dục đều đặn, vợ chồng tôi thường xuyên dùng cao động vật bổ trợ. Cũng có thể nhờ ăn cao, chúng tôi mới sống khỏe đến ngày hôm nay. Trước kia, gia đình làm nghề nấu cao nên trong nhà lúc cũng sẵn. Tôi cứ dùng vậy thôi chứ không hề ý thức về tác dụng. Qua nhiều năm, tôi thấy mình tuổi đã cao mà tóc vẫn xanh, mắt vẫn sáng nên mới nghiệm ra tác dụng thần kỳ của nó”.

Cụ Đang sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Sơn Vi này. Đến tuổi cập kê, cụ được cha mẹ gả cho một người đàn ông cùng làng. Cụ Bùi Văn Phương (chồng bà Đang - PV) có tiếng là người hiền lành nhưng mãi đến khi ăn hỏi, hai người mới được gặp nhau. Gia đình nhà chồng cụ vốn có nghề nấu cao gia truyền. Từ nhỏ, cụ Phương đã theo cha đi nấu cao giúp thiên hạ và sớm học được những ngón nghề bí truyền. Tuy nhiên sau này, cụ đi bộ đội rồi về làm cán bộ xã nên gia đình không còn lấy nghề này để mưu sinh nữa. Tuy vậy mỗi khi có ai đến nhờ, cụ Phương vẫn nhiệt tình nấu giúp mà không đòi hỏi một đồng tiền công nào. Sau mỗi lần như vậy, người ta đều biếu một ít gọi là cảm tạ. Theo cụ Đang thì ngay từ khi còn nhỏ, chồng cụ đã có thói quen ăn cao hay uống rượu ngâm cao mèo đen hoặc các loại động vật khác.

Cụ Đang cho biết: “Ông nhà tôi bảo sau khi ăn cao thấy người khỏe hơn nên thường xuyên sử dụng. Ngày lấy nhau, thấy vợ ốm yếu nên ông ấy khuyên tôi ăn cao. Không ngờ chỉ sau một thời gian, bệnh đau lưng của tôi đỡ hẳn và sức khỏe cũng được cải thiện. Có lần nhìn thấy đứa cháu họ mới hơn 30 tuổi mà đầu đã lốm đốm sợi bạc, tôi đã cho một gói cao về ăn thử. Quả nhiên, tóc nó đã dần xanh trở lại. Sau đó, thi thoảng nó vẫn mua cao về ăn. Còn vợ chồng tôi hầu như năm nào cũng ăn cao từ 2 đến 3 đợt. Mỗi đợt kéo dài khoảng một tháng. Chính vì thế mà đến tận bây giờ, tôi vẫn đi bộ được mấy cây số còn ông nhà tôi thì có thể đi xe đạp lên tới huyện mà không chút mệt nhọc”. Về chế độ dinh dưỡng hàng ngày, cụ Đang cho biết: “Trước kia gia cảnh nghèo khó nên tôi thường phải ăn cơm độn ngô, khoai. Sau này có điều kiện hơn thì bữa ăn cũng được cải thiện nhưng tôi ăn rau nhiều hơn thịt cá. Nói chung, chế độ ăn uống của tôi cũng không có gì đặc biệt. Tôi tin rằng sự khỏe mạnh và minh mẫn của mình phần nhiều nhờ vào việc ăn cao”.

Nguồn dược liệu quý trong Đông y

Trao đổi với chúng tôi về cách dùng cao động vật sao cho hiệu quả, cụ Đang cho biết: “Thông thường, người ta mang đồ đến nhờ gia đình tôi nấu cao, có con gì thì dùng con đó. Trước kia, chúng tôi thường ăn cao các loài thú rừng như lợn rừng hay thỏ rừng. Nhưng bây giờ thú rừng trở nên khan hiếm, chúng tôi chủ yếu ăn cao mèo đen và cao ngựa trắng”. Theo cụ Đang, có rất nhiều cách sử dụng cao tùy theo từng người. Đối với người biết uống rượu thì có thể làm như sau: Bình quân dùng 1 lạng cao mèo đen ngâm trong 1 lít rượu gạo. Cắt nhỏ miếng cao ngâm trong bình có miệng rộng để cao dễ tan trong rượu. Mỗi lít rượu ngâm cao mèo đen chia đều trong 12 ngày, mỗi ngày uống 2 lần trước bữa ăn. Rượu cao phải được sử dụng liên tục, không ngắt quãng. Nếu bữa nào quên thì có thể uống bổ sung nhưng cần lưu ý lắc đều trước khi uống. Đối với người không biết uống rượu thì có thể chia 1 lạng cao mèo thành 20 – 24 miếng nhỏ đều nhau. Sử dụng trong vòng 10 đến 12 ngày. Người nặng dưới 50 kg dùng trong 12 ngày. Người nặng từ 51 đến 59 kg dùng trong 11 ngày. Người trên 60 kg dùng 1 lạng trong 10 ngày. Ngày ăn 2 miếng trước bữa ăn và tối. Nếu khó ăn thì cắt nhỏ cho vào bát, đổ thêm một ít nước rồi đem hấp cách thủy và uống trước bữa ăn. Hoặc để dễ ăn hơn có thể cắt nhỏ tẩm mật ong.

Để hiểu hơn về những tác dụng của cao động vật liên quan đến sức khỏe và mái tóc xanh của cụ bà 80 tuổi, chúng tôi đã mang trường hợp này trao đổi với lương y Vũ Quốc Trung (Phòng khám Đông y chùa Cảm Ứng, Hà Nội). Theo lương y Trung thì mỗi loại cao đều có một công dụng nhất định. “Ví như cao mèo đen mà cụ Đang nói là nguồn dược liệu có giá trị trong Đông y. Chúng có vị ngọt, tính ấm có tác dụng hỗ trợ điều trị các loại bệnh như: thoái hóa cột sống, gai cột sống, các bệnh về xương khớp, đau lưng, nhức mỏi, gai đốt sống lưng, phong tê thấp, loãng xương, đau thần kinh tọa, bại liệt, hen suyễn mãn tính, suy nhược cơ thể. Đặc biệt cao mèo đen có tác dụng chữa các bệnh đau nhức ở người cao tuổi, giúp ăn ngủ tốt, duy trì sức khỏe, kéo dài tuổi thọ. Bên cạnh đó, cao mèo đen giúp tăng cường sức khỏe, nhất là đối với người già, những người đang trong quá trình hồi phục sức khỏe hay bị rối loạn tiền đình sẽ thấy có tác dụng rõ rệt. Chúng giúp tăng sức đề kháng, tăng cường sinh lực, bổ sung canxi, photpho, magie, kẽm... Nhưng cũng lưu ý, phụ nữ có thai và cho con bú nên hạn chế dùng loại cao này. Cao ngựa trắng cũng có tác dụng tương tự như cao mèo đen. Ngoài việc tăng cường sức khỏe nói chung, cao ngựa bạch còn có tác dụng đặc trị một số bệnh lý cụ thể như viêm khớp, đau cột sống, thắt lưng, bệnh hen phế quản, bổ dưỡng cho trẻ còi xương…”, lương y Trung cho biết.

Thanh Hiên – Đạt Đỗ


Nguồn: giadinh.net.vn
 

Bình luận bằng Facebook

Top