Công bố nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Hưng Yên

chauquocanh

Điều hành viên
#1
Mới đây, tỉnh Hưng Yên đã tổ chức Hội nghị tổng kết chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2017 - 2020, công bố quyết định cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu cho sản phẩm tiêu biểu của tỉnh.

Tại Hội nghị, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã trao giấy chứng nhận nhãn hiệu cho 6 sản phẩm tiêu biểu gồm: nếp thơm Hưng Yên, long nhãn Hưng Yên, cam Hưng Yên, bánh tẻ Phụng Công - Văn Giang; nấm chất lượng cao Ân Thi và mộc Hòa Phong - Mỹ Hào. Đây là các sản vật, sản phẩm truyền thống của tỉnh Hưng Yên với chất lượng tốt, luôn được người tiêu dùng ưa chuộng và chiếm vị thế trên thị trường.



Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm long nhãn Hưng Yên


Đến nay, tỉnh Hưng Yên đã có tổng số 23 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận bảo hộ bao gồm: 1 chỉ dẫn địa lý, 11 nhãn hiệu chứng nhận, 11 nhãn hiệu tập thể; 3 sản phẩm đang được xây dựng. Trong đó, nhiều sản phẩm nổi tiếng như: nhãn lồng Hưng Yên, gà Đông Tảo, mật ong hoa nhãn Hưng Yên, tương Bần, nghệ Chí Tân, quất cảnh Văn Giang, hương xạ Cao Thôn, chạm bạc Huệ Lai, hoa cây cảnh Văn Giang...

Các sản phẩm được công nhận nhãn hiệu cộng đồng vốn đã là các sản phẩm nổi tiếng, đặc thù của các địa phương trong tỉnh. Sau khi được cấp giấy chứng nhận, sản phẩm được sản xuất ra ngày càng tăng về số lượng và kiểm soát tốt hơn về chất lượng do các hộ thành viên tham gia sản xuất phải tuân thủ chặt chẽ quy chế, quy định và tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm đề ra.

Từ đó, các sản phẩm này được người tiêu dùng biết đến rộng rãi, uy tín sản phẩm được nâng cao, giá trị sản phẩm được gia tăng đáng kể, hoạt động sản xuất kinh doanh các sản phẩm được mở rộng mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu của thị trường, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân, đóng góp vào sự phát triển kinh tế- xã hội chung của tỉnh.

Trong thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hưng Yên sẽ tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ban hành Đề án Phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu đưa sở hữu trí tuệ trở thành một trong những công cụ hữu hiệu để phát triển công nghệ phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh sử dụng thông tin sở hữu trí tuệ để dự báo xu hướng phát triển của công nghệ; tạo động lực thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, qua đó phát triển và làm giàu tài sản trí tuệ – một nguồn tài nguyên tạo nên nội lực của địa phương phục vụ trực tiếp cho sự phát triển bền vững.
Nguồn: Dân Việt
 

Bình luận bằng Facebook

Top