Công bố dự thảo Chương trình Tiếng Bahnar trong chương trình GDPT mới

Khánh Linh

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Tiếng Bahnar là môn học thuộc lĩnh vực giáo dục ngôn ngữ, được học từ tiểu học đến trung học phổ thông (theo Kế hoạch giáo dục trong Chương trình giáo dục phổ thông – Chương trình tổng thể 2018).

Theo dự thảo, Chương trình môn Tiếng Bahnar được xây dựng theo hai bậc: bậc A và B; trong đó bậc A chia ra trình độ A1 và A2; bậc B chỉ có 1 trình độ (trình độ B). Ba trình độ này được ứng với 3 cấp học.

Nội dung chính của môn học bao gồm các mạch kiến thức và kĩ năng cơ bản, thiết yếu về tiếng Bahnar, các nét văn hóa của dân tộc Bahnar đáp ứng các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của học sinh ở từng cấp học; được phân chia theo hai bậc:

Ở bậc A, chương trình được thiết kế theo các mạch chính tương ứng với các kĩ năng đọc, viết, nói và nghe. Kiến thức tiếng Bahnar được tích hợp trong quá trình dạy học nghe, nói, đọc, viết. Các ngữ liệu được lựa chọn và sắp xếp phù hợp với khả năng tiếp nhận của học sinh ở mỗi trình độ. Mục tiêu là giúp học sinh sử dụng tiếng Bahnar để giao tiếp hiệu quả trong cuộc sống nhằm bảo tồn ngôn ngữ mẹ đẻ và văn hóa dân tộc.

Ở bậc B, chương trình củng cố và phát triển các kết quả của bậc A, giúp học sinh nâng cao năng lực sử dụng tiếng mẹ đẻ thông qua kiến thức tiếng Bahnar theo các chủ đề về văn hóa và xã hội địa phương.

Thời lượng thực hiện chương trình được quy định trong dự thảo cụ thể như sau: trình độ A1 (350 tiết), trình độ A2 (420 tiết), trình độ B (315 tiết), Cấp tiểu học học 2tiết/tuần; THCS, THPT học 3 tiết/tuần theo quy định thông tư 32/TT-BGDĐT về chương trình GDPT mới.

Dự thảo cũng nêu rõ, để đạt được mục tiêu của chương trình, cần đảm bảo một số điều kiện cơ bản sau: Dạy học tiếng Bahnar cần dựa trên nguyện vọng, nhu cầu được học tiếng Bahnar của địa phương (theo Nghị định số 82/2010/NĐ-CP về Quy định việc dạy và học tiếng nói và chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên), cụ thể:

Người dân tộc thiểu số có nguyện vọng, nhu cầu học tiếng dân tộc thiểu số.

Bộ chữ tiếng dân tộc thiểu số được dạy và học trong nhà trường phải là bộ chữ cổ truyền được cộng đồng sử dụng, được cơ quan chuyên môn xác định hoặc bộ chữ đã được cấp có thẩm quyền phê chuẩn.

Chương trình và sách giáo khoa tiếng dân tộc thiểu số được biên soạn và thẩm định theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số đạt trình độ chuẩn đào tạo của cấp học tương ứng, được đào tạo dạy tiếng dân tộc thiểu số tại các trường cao đẳng, đại học sư phạm, khoa sư phạm.

Cơ sở vật chất và thiết bị dạy học tiếng dân tộc thiểu số theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top